Thảm sát vì hết yêu, giết con vì giận chồng, đánh nhau vì “nhìn đểu”
Đó là các vụ án như: vụ Nguyễn Hải Dương và Vũ Văn Tiến giết 6 người bắt nguồn từ việc Dương bị con gái chủ nhà nói lời chia tay ở Bình Phước; vụ Vi Văn Mằn giết 4 người tại Nghệ An khởi nguồn từ việc vào nhà nạn nhân để hái trộm chanh; vụ Đặng Văn Hùng sát hại 4 người tại Yên Bái vì tranh cãi chuyện dẫn nước vào ruộng; vụ Tần Láo Lở giết 4 người ở tại thôn Phìn Ngan, xã Trịnh Tượng, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai do mâu thuẫn tình cảm; vụ bà mẹ sát hại 3 con đẻ ở xã Quảng Nguyên, huyện Xín Mần, Hà Giang do giận chồng…
Có thể nói thủ phạm của các vụ án đều là những thanh niên còn rất trẻ và nguyên nhân dẫn đến các thảm án giết hại hàng loạt người vô tội như vậy đều là những va chạm, xích mích trong cuộc sống hàng ngày và có thể hóa giải được. Vậy thì tại sao ngày càng nhiều những vụ án đau lòng như vậy xảy ra?.
Trả lời câu hỏi này, Trung tá, TS. Hà Thị Hồng Lan - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và Điều tra tội phạm, Học viện Cảnh sát nhân dân cho rằng: “Văn hóa ứng xử chính là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các vụ thảm án đau lòng này. Các đối tượng gây án ở đây còn là biểu hiện sự thiếu hiểu biết, thiếu tu dưỡng, rèn luyện nhân cách đạo đức. Có thể nói, chính yếu tố nhận thức hạn chế, thiếu rèn luyện nhân cách cộng với việc không được giáo dục về kỹ năng, văn hóa ứng xử giữa con người với con người… đã khiến một số người dần biến thành những con thú dữ”.
Cũng theo Trung tá, TS. Hà Thị Hồng Lan, có thủ phạm giết người có trình độ học vấn cao như đối tượng Nguyễn Hải Dương trong vụ thảm án ở Bình Phước là người có trình độ đại học, nhưng “người học cao chưa chắc đã có trình độ văn hóa cao. Không phải học đến cấp độ nào đó là có văn hóa. Văn hóa ở đây không chỉ là trình độ học vấn mà còn là vấn đề đạo đức, là cách ứng xử, giao tiếp, đối đãi với gia đình và mọi người trong xã hội”.
Không chỉ các vụ án mà trong cuộc sống đời thường hiện nay, các vụ việc như đánh ghen lột quần áo tình địch giữa đường, nữ sinh đánh nhau, hay như vụ mới đây nhất là hai cô gái không quen biết nhau đã đánh nhau một trận tơi bời trong một quán mỳ cay ở Hà Nội chỉ vì nguyên nhân người này cho rằng đã bị người kia “nhìn đểu”… rất thường xuyên xảy ra. Đó là điều báo động về văn hóa, cách ứng xử giữa con người với nhau đang xuống cấp nghiêm trọng.
Tạo hiệu ứng “người tốt, việc tốt” từ truyền thông
Trước thực tế này, Chính phủ đã thống nhất Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 33 năm 2014 của Trung ương Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam với mục tiêu đến 2020 ngăn chặn sự xuống cấp đạo đức và 2030 đẩy lùi sự xuống cấp đạo đức xã hội.
Nghị quyết nêu rõ, đến năm 2020, từng bước đưa vào cuộc sống các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam; củng cố ý thức tuân thủ pháp luật, đề cao đạo đức, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân, gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước; ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức xã hội; từng bước xây dựng thị trường văn hóa, phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa có lợi thế cạnh tranh, tạo lập vị thế của văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế; xây dựng môi trường văn hóa phù hợp với điều kiện phát triển của đất nước và hội nhập quốc tế; hoàn thiện hệ thống khung pháp lý; cải cách thể chế phù hợp với yêu cầu xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Đến năm 2030, hoàn thiện và phổ biến các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam, đồng thời tạo dựng những giá trị mới phù hợp để con người Việt Nam có nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, kỹ năng hội nhập phù hợp với sự phát triển của đất nước; đẩy lùi sự xuống cấp về đạo đức xã hội; phát triển đồng bộ thị trường văn hóa và các ngành công nghiệp văn hóa; phát huy sức mạnh của văn hóa Việt Nam trong hội nhập khu vực và thế giới; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy con người Việt Nam hoàn thiện nhân cách...
Để thực hiện Nghị quyết 33, Bộ VH-TT&DL đã bắt đầu bắt tay vào việc xây dựng đề án trình Ban Bí thư ban hành Chỉ thị về ngăn chặn, đẩy lùi sự xuống cấp đạo đức, lối sống con người Việt Nam giai đoạn hiện nay. Theo Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái, đây là một “đề tài” khó, đòi hỏi thận trọng khi xây dựng cũng như phải có lộ trình bài bản, chặt chẽ.
Thứ trưởng nhấn mạnh, cần có sự tham gia đóng góp ý kiến từ sớm của các bộ, ban, ngành và đặc biệt là các chuyên gia để có cơ sở nhìn nhận, đánh giá toàn diện thực trạng; đồng thời xây dựng được hệ thống giải pháp hợp lý, khả thi. Giải pháp truyền thông được đánh giá là yếu tố quan trọng nhằm đảm bảo sự thành công của việc triển khai đề án trong thực tiễn.
“Truyền thông phản ánh những tấm gương tốt để nhân rộng, đồng thời không né tránh việc đưa ra công luận những việc làm không đúng chuẩn mực đạo đức xã hội. Từ đó sẽ tạo nên hiệu ứng để những nội dung, mục tiêu của đề án trở nên thiết thực và dễ dàng đi vào cuộc sống…” - Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái nhấn mạnh. Dự kiến quý II năm 2017 Bộ VH-TT&DL sẽ hoàn thiện dự thảo đề án trình Ban Bí thư.