Phía Bộ Công Thương và Hiệp hội Nhiên liệu sinh học (NLSH) Việt Nam khẳng định sẽ có đủ nguồn cung ethanol… với điều kiện phải triệt để thực hiện việc đưa nhà máy ethanol ở Bình Phước, Dung Quất trở lại hoạt động. Điều này có dễ dàng?
“Đếm cua” cũng không xong!
Theo ông Lưu Quang Thái, Chủ tịch Hiệp hội NLSH Việt Nam, nguồn cung cấp ethanol dự kiến như sau: 2 nhà máy của Công ty Tùng Lâm cung cấp khoảng 200.000 m3/năm; nhà máy ethanol Dung Quất và Bình Phước cung cấp mỗi nhà máy 96.000m3/năm. Cộng thêm 2 nhà máy ethanol ở Kon Tum, tổng công suất dự kiến có được có thể lên đến 520.820m3/năm, có dư để cung cấp nguyên liệu phối trộn.
Nhưng, cũng theo ông Thái, hiện nay chỉ có 2 nhà máy của Tùng Lâm hoạt động, còn lại đều trong trạng thái… chờ phê duyệt để khởi động lại. Ông Thái khẳng định các nhà máy ethanol bị trục trặc thì nguyên nhân chính không phải do vấn đề kỹ thuật mà liên quan đến những vấn đề lớn hơn, phụ thuộc vào chủ trương của Chính phủ.
Ông Thái cũng khẳng định, nếu có chỉ đạo quyết liệt thì 2 nhà máy nêu trên sẽ chạy lại được sớm. Cụ thể, Nhà máy Dung Quất đã có kế hoạch sửa chữa, cải hoán, bổ sung trang thiết bị máy móc. Cty Tùng Lâm cũng đã tiến hành khảo sát thực tế, bàn bạc và đề xuất kế hoạch sửa chữa với Cty Dung Quất, hiện Dung Quất đang trình xin chủ trương thực hiện. Nếu chủ trương được phê duyệt việc sửa chữa cải hoán, bổ sung sẽ mất 90 ngày.
Nếu làm theo phương án cải hoán được Tùng Lâm đề xuất, Dung Quất sẽ đạt ngay công suất tối thiểu 60%, sau khi vận hành sẽ nâng công suất lên được 90%. Nhà máy Cồn Bình Phước cũng trong tình trạng tương tự, sẽ có thể hoạt động trong vòng 90 ngày. Trong khi đó, nếu có khoản tiền đầu tư, nhà máy ethanol Kon Tum và Đại Việt sẽ cần 180 ngày mới hoàn thành để đưa vào sản xuất thương mại được.
Như vậy, theo ông Thái, nếu chấp nhận bỏ hẳn quý I/2018, đến quý II/2018, các nhà máy hoàn toàn có thể hoạt động trở lại để cung cấp ethanol cho thị trường. Ngoài ra, ông Thái cũng cho rằng, vẫn còn 2 nhà máy dự trữ có thể sản xuất ethanol là Nhà máy ethanol Kon Tum và Nhà máy ethanol Đại Việt… với điều kiện phải đầu tư 1,5 triệu USD để 2 nhà máy này lắp đặt thiết bị tách nước trong cồn.
Tuy nhiên, nếu chỉ đếm… ethanol “trong lỗ” như ông Thái đã đếm cũng không đảm bảo việc thay thế toàn bộ xăng A92 bằng xăng E5 thuận lợi. Bởi theo quy định, thuế nhập khẩu ethanol hiện hành là 20%. Với mức thuế này các nhà máy của Việt Nam mới có thể cạnh tranh được với ethanol nhập khẩu. Nhưng nếu điều chỉnh giảm thuế xuống mức 10-15% như kiến nghị của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu thì khả năng cạnh tranh của ethanol trong nước rất thấp.
Ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho rằng, cần đảm bảo nguồn cung ethanol trong nước để phối trộn, đồng thời phải rẻ để đủ sức cạnh tranh với ethanol nhập khẩu thì bức tranh thay thế A92 bằng xăng E5 mới trở nên sáng sủa.
Lo thiếu hụt nguồn cung lớn…
Đại diện Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay các nhà máy sản xuất nguyên liệu trong nước đóng cửa, hoạt động cầm chừng do nguồn nguyên liệu đầu vào và đầu ra không ổn định, nguồn cung ethanol không ổn định dẫn đến chi phí thu mua, chế biến, tỉ lệ hao hụt cao trong quá trình bảo quản nên chi phí sản xuất ethanol cao, dẫn đến giá thành xăng E5 cao.
Vị đại diện Sở này cảnh báo, khi xăng A92 không còn được bán trên thị trường, người tiêu dùng có xu hướng quay sang sử dụng xăng A95, dẫn đến nhu cầu tiêu dùng A95 tăng cao, ảnh hưởng đến nguồn cung, có thể gây ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung.
Còn theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn Bảo vệ Người tiêu dùng, việc thay đổi thói quen người tiêu dùng là một thách thức lớn bởi việc sử dụng xăng A92 gần như đã thành truyền thống. Cộng thêm việc xăng E5 phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung ethanol. Trong khi đó nguồn nguyên liệu này phụ thuộc lớn vào thời tiết và người sản xuất nên có thể không ổn định về sản lượng, giá cả. Liệu điều này có thể gây ảnh hưởng đến nguồn cung và giá cả xăng E5?
Ông Hùng đưa ra một ví dụ, Brazil là nước sản xuất ethanol lớn thứ 2 thế giới nhưng vào giữa năm 1989, nước này cũng từng thiếu nguồn cung cấp khiến hàng nghìn xe chạy xăng E5 không có xăng để lưu thông. Hoặc câu chuyện, giá sắn bình thường chỉ ở mức 1.500 -1.700 đồng/kg nhưng từ khi có nhà máy ethanol đầu tiên đi vào hoạt động, giá sắn đã lên đến 3.500 đồng/kg, thậm chí có thời điểm lên đến 5.000 đồng/kg.
Ngoài ra, cũng theo ông Hùng, khi bỏ hẳn xăng A92 thì xăng E5 chưa chắc đã được đón nhận bởi giá xăng E5 hiện chỉ chênh 300 đồng/lít, độ chênh lệch này theo kỳ vọng của người tiêu dùng là khá thấp. Điều khiến ông Hùng lo lắng chính là việc xăng E5 không có nhiều nguồn cung cấp như xăng A92, liệu có dẫn đến khả năng độc quyền khiến người tiêu dùng bị thiệt?
Vấn đề mà ông Hùng lo lắng cũng chính là điều khiến nhiều doanh nghiệp đang trăn trở. Làm sao để không bị phụ thuộc vào một nguồn cung ethanol duy nhất? Làm sao để xăng E5 có thể trở nên quen thuộc với người tiêu dùng?
Brazil từng thiếu xăng E5 cho hàng nghìn xe lưu thông
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn Bảo vệ Người tiêu dùng, Brazil là nước sản xuất ethanol lớn thứ 2 thế giới nhưng vào giữa năm 1989, nước này cũng từng thiếu nguồn cung cấp khiến hàng nghìn xe chạy xăng E5 không có đủ xăng để lưu thông. Hoặc câu chuyện giá sắn bình thường chỉ ở mức 1.500-1.700 đồng/kg nhưng từ khi có nhà máy ethanol đầu tiên đi vào hoạt động, giá sắn đã lên đến 3.500 đồng/kg, thậm chí có thời điểm lên đến 5.000 đồng/kg.