Vỡ mộng chồng Tây
Nhà đông anh chị em, gia cảnh lại khó khăn nhưng nhờ có chút nhan sắc, qua mai mối chị Nguyễn Mỹ D. (ở Đồng Tháp) đã “lọt mắt xanh” của một người đàn ông ngoại quốc hơn chị 17 tuổi. Mặc dù chưa hiểu biết nhiều về anh ta, song chị D. vẫn vui vẻ chấp thuận những mong bản thân và gia đình có cuộc sống tốt hơn nhờ cuộc hôn nhân này.
Thực tế, trước khi kết hôn với D., anh chàng ngoại quốc cũng đã hỗ trợ cho gia đình chị một khoản tiền sửa nhà với lý do để “đám cưới được đàng hoàng”. Ngày chị D. lên xe hoa, cha mẹ và người thân ai cũng mừng cho chị vì đã gửi được con vào “chỗ ấm”. Họ càng kỳ vọng hơn với lời hứa hẹn của chàng rể sau đám cưới sẽ cùng chị D. xuất ngọai về nhà chồng. Tuy nhiên, cuộc sống êm đềm ở Việt Nam chẳng kéo dài được bao lâu thì phát sinh mâu thuẫn do sự khác biệt về ngôn ngữ, lối sống… Rồi một ngày, anh chồng ngoại bỏ D. về nước biệt tăm không một lời nhắn gửi.
Sau thời gian kiếm tìm chồng trong vô vọng, chị D. quyết định buông xuôi. Thời gian thấm thoát 3 năm, chị quen biết và nảy sinh tìm cảm với một người đàn ông khác. Hai người tính chuyện nên duyên vợ chồng nhưng kẹt nỗi chị D. đang tồn tại hôn nhân với người chồng ngoại quốc, theo pháp luật Việt Nam, chị chưa ly hôn thì không thể lấy chồng mới.
Đệ đơn ra Tòa với địa chỉ mù mờ của người chồng (vì chị D. không biết chính xác nơi sinh sống của chồng mà chỉ biết thông qua một người bạn), chị D. hoang mang khi Tòa án trả lời: Quốc gia mà người chồng chị ở hiện chưa ký hiệp định tương trợ tư pháp với Việt Nam, do đó việc tìm kiếm các thông tin và chuyển các giấy tờ làm thủ tục ly hôn cho chồng chị rất khó khăn. Đã có nhiều vụ việc như của chị, yêu cầu ly hôn rơi vào bế tắc khi Tòa án ủy thác tư pháp ra nước ngoài mà không nhận được hồi âm.
Ly hôn không dễ
Qua tổng hợp số liệu báo cáo của các Sở Tư pháp, từ năm 1995 đến năm 2010 đã giải quyết 257.555 trường hợp kết hôn có yếu tố nước ngoài (bao gồm cả số trường hợp công nhận việc kết hôn của công dân Việt Nam đã đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài). Số lượng kết hôn với người nước ngoài vẫn gia tăng, trong đó tập trung nhiều ở một số địa bàn như Hàn Quốc, Đài Loan…
Bên cạnh những chị em có cuộc sống viên mãn bên người chồng ngoại thì cũng có nhiều cuộc hôn nhân rơi vào tình trạng “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”. Cùng bất đắc dĩ, họ phải đệ đơn ra Tòa xin ly hôn. Tuy nhiên, cái việc cực chẳng đã này cũng không dễ gì làm được do nhiều chị không biết rõ thân thế, địa chỉ, gia cảnh của người chồng hiện tại. Cho nên chỉ mỗi thủ tục đầu tiên là kê khai tên tuổi, địa chỉ chính xác của chồng, họ cũng không làm được. Vì thế, Tòa cũng không có cơ sở để xác minh, chuyển hồ sơ cho người chồng tại nước ngoài.
Thực tế giải quyết các vụ ly hôn có yếu tố nước ngoài hiện nay mỗi Tòa cũng xử lý một cách khác nhau. Một số Tòa án từ chối nhận đơn xin ly hôn chồng ngoại nếu nước sở tại của người chồng không ký hiệp định tương trợ tư pháp với Việt Nam. (Hiện nay, trong lĩnh vực dân sự, mới có 15 hiệp định tương trợ tư pháp song phương giữa Việt Nam và nước ngoài đang có hiệu lực, tuy nhiên đây chủ yếu là các nước thuộc khối XHCN cũ nên hầu như không có yêu cầu tương trợ tư pháp về dân sự.
Trong khi đó, các nước có rất đông cộng đồng người Việt như Hoa kỳ, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc… thì lại chưa ký kết hiệp định tương trợ tư pháp). Điều này có nghĩa là việc ủy thác tư pháp (trong đó có các ủy thác về hôn nhân gia đình tương tự như trường hợp chị D. nói trên) rất khó khăn, thậm chí là không thực hiện được. Ủy thác ra nước ngoài không có kết quả đồng nghĩa với hôn nhân của các cô dâu Việt với chồng ngoại vẫn tồn tại. Khi chưa ly hôn, đương nhiên họ không thể kết hôn với người mới.
Tuy nhiên, để giải phóng cho các cô dâu Việt, một số Tòa án cũng xử lý linh hoạt theo hướng: Trong trường hợp Tòa án đã cố gắng để tống đạt giấy tờ vẫn không có hồi âm, tòa sẽ xử vắng mặt người chồng theo hướng chồng cố tình che giấu địa chỉ. Vậy nhưng, sự vận dụng này không nhiều bởi ngành Tòa án phải tuân thủ ngặt nghèo các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự về thời hạn thụ lý, giải quyết vụ án. Do đó, nếu quá thời hạn luật định, án ly hôn sẽ vĩnh viễn bị “treo” và các cô dâu Việt thì vẫn bị cùm chân… không biết đến bao giờ!