Ở đảo, nước ngọt quý hơn vàng
Vùng biển đảo Tây Nam kéo dài từ cửa sông Gành Hào, tỉnh Bạc Liêu đến Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang, với chiều dài bờ biển khoảng 450km, diện tích vùng biển rộng khoảng 150 nghìn km2, giáp ranh với vùng biển các nước: Campuchia, Thái Lan, Malaysia.
Vùng biển Tây Nam có khoảng 130 hòn đảo lớn, nhỏ, trong đó có 5 quần đảo gồm: An Thới, Thổ Chu, Nam Du, Bà Lụa, Hải Tặc và một số đảo độc lập. Đây là vùng biển có vị trí đặc biệt quan trọng cả về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh đối với các tỉnh, thành Tây Nam Bộ.
Những ngày hạn mặn kéo dài, cư dân ven biển miền Tây quý nước ngọt như “vàng” và ở vùng biển đảo Tây Nam, cơn khát lâu đời càng thêm khốc liệt… Còn nhớ mấy năm trước, Đại úy Trần Bình Phục (Đồn Biên phòng 704 Hòn Chuối, Bộ đội Biên phòng - BĐBP Cà Mau) cùng đồng đội trong một lần tìm kiếm cứu nạn ngư dân Thái Lan bị hết nước ngọt.
Anh cùng đồng đội đã lên đảo Hòn Hàng (còn gọi là Hòn Buông) - một điểm đảo tiền tiêu, thuộc hệ thống rừng đặc dụng quốc gia. Dưới cái nắng khô khốc trên dưới 40oC, đảo chỉ có đá silic, cỏ cây khô cháy và ngôi miếu hoang dựng sơ sài viếng linh hồn ngư dân tử nạn trong cơn bão Linda 1997. Không tìm được nguồn nước, các anh phải cùng nhau dùng chung ít nước mưa còn sót lại trong hốc đá để tiếp tục hành trình.
Quần đảo Nam Du thuộc xã An Sơn, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang gồm 21 đảo lớn, nhỏ. Ngoài cán bộ, chiến sĩ Trạm Rađa 600, Đồn Biên phòng 742 thuộc Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Kiên Giang và Trạm Hải đăng Nam Du, trên đảo còn có khoảng 900 hộ dân với hơn 4.000 nhân khẩu. Trạm Rađa 615 nằm trên đỉnh núi của đảo Hòn Chuối, cách mặt nước biển hơn 170m.
Đại úy Hồ Hữu Nghĩa, Trạm trưởng Trạm Rađa 615, Tiểu đoàn 551 thuộc Vùng 5 Hải quân cho biết: “Đảo chủ yếu vách đứng, không có bãi cát, trạm lại đóng quân trên cao (đỉnh cao nhất là 176m so với mực nước biển), do không có đường giao thông nên điều kiện sinh hoạt và công tác trên đảo còn thiếu thốn.
Quá trình vận chuyển hàng hóa 100% dựa vào sức người, nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt phụ thuộc 100% vào nước mưa... Khó khăn là vậy, song hiện nay trên đảo Hòn Chuối vẫn có 1 tổ nhân dân tự quản gồm hơn 40 hộ dân và hơn 130 nhân khẩu.
Người dân ở đây sinh sống chủ yếu bằng nghề nuôi cá lồng và đánh bắt thủy, hải sản. Cuộc sống, sinh hoạt của bà con 1 năm phải thay đổi 2 lần theo thời tiết. Vào khoảng từ tháng 3 đến tháng 9 âm lịch, người dân phải di chuyển chỗ ở từ phía Tây sang phía Đông để tránh bão và ngược lại, từ tháng 10 đến tháng 2 âm lịch, họ lại tất bật chuyển nhà về vị trí cũ theo hướng ngược lại”.
Hạn hán kéo dài đã làm cho cuộc sống của người dân tại các xã đảo trên vùng biển Tây Nam bị đảo lộn vì thiếu nước ngọt sinh hoạt. Để chia sẻ khó khăn với nhân dân, Vùng 5 Hải quân đã điều các chuyến tàu vận chuyển hàng trăm nghìn lít nước ngọt cấp cho bà con cũng như các lực lượng đóng quân trên đảo, giúp quân và dân nơi đây hạ nhiệt cơn khát.
Tàu Hải quân mang nước đến đảo
“Tàu Hải quân thông báo! Tàu Hải quân thông báo. Hôm nay, Vùng 5 Hải quân tổ chức cấp nước ngọt miễn phí cho bà con, đề nghị bà con thu xếp công việc, chuẩn bị các dụng cụ để nhận nước…”. Tiếng loa được phát đi từ tàu 637, Hải đội 511, Lữ đoàn 127, Vùng 5 Hải quân mỗi khi tàu cập đảo cấp nước ngọt cho người dân trên vùng biển Tây Nam của Tổ quốc trong những ngày vừa qua. Tàu đến trong sự vui mừng, phấn khởi của bà con bởi hạn hán, dịch bệnh Covid-19 đã làm cho đời sống người dân nơi đây gặp vô vàn khó khăn.
Ông Nguyễn Văn Tòng, ấp Hòn Heo, xã Sơn Hải, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang cho biết: “Trên đảo, một bình nước lọc loại 20 lít cả vỏ, cả nước có giá 65.000 đồng nhưng không phải lúc nào cũng mua được vì còn phụ thuộc vào điều kiện thời tiết sóng gió. Được bộ đội cấp nước ngọt rồi tặng cả nước lọc, nhân dân rất phấn khởi. Mong thời gian tới, các anh sẽ lại đến để bà con bớt đi phần khó khăn”.
Đến nay, cán bộ, chiến sĩ tàu 637 đã cấp 220 nghìn lít nước ngọt cho người dân vùng hạn ở ấp Hòn Heo, Hòn Nhum, Hòn Nghệ, Hòn Ngang và các tàu thuyền của ngư dân đang đánh bắt hải sản quanh khu vực đảo Bà Lụa, đảo Hải Tặc, tỉnh Kiên Giang. Vùng 5 Hải quân đã tặng 500 bình nước lọc, đo thân nhiệt và tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 tới nhân dân.
Tình trạng hạn hán kéo dài không chỉ ảnh hưởng đến đời sống của người dân trên các đảo mà còn khiến hàng trăm tàu cá của ngư dân điêu đứng. Nếu như trước đây, chỉ cần vào các đảo là bà con có thể bổ sung được nước ngọt thì nay nhiều tàu phải quay về tận đất liền mới có nước sinh hoạt để tiếp tục ra khơi.
Anh Lê Văn Dũng, ngư dân đảo Nam Du, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang tâm sự: “Mỗi lần đi biển, anh thường mua khoảng 400 nghìn tiền nước ngọt cho một chuyến đi từ 7-10 ngày, hết nước anh lại quay về bổ sung rồi đi tiếp. Cũng may lần này gặp được tàu Hải quân cấp nước nên anh không phải vào bờ”. Theo kế hoạch, Vùng 5 Hải quân sẽ tiếp tục điều tàu chở nước ngọt ra các đảo cấp cho người dân để bà con có nước sinh hoạt, bớt đi phần nào khó khăn do hạn mặn.