Vụ vợ chồng bà Huỳnh Thị Lý và Phan Tấn Sơn, cùng ngụ thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước huy động hàng chục tỉ đồng của người dân rồi bất ngờ “tuyên bố” không có khả năng chi trả, cơ quan chức năng cho rằng đây là tranh chấp dân sự nên hướng dẫn các bên đưa nhau ra tòa. Nhưng sau khi được tòa án giải quyết, nhiều người được thi hành án (THA) cho biết họ không được nhận tiền THA dù đã có quyết định từ tháng 4/2010.
Nhiều người đến nhà Lý - Sơn đòi nợ |
Vỡ nợ lớn
Ngày 26/4/2010, Chi cục Thi hành án dân sự thị xã Đồng Xoài (THA Đồng Xoài), ban hành một loạt quyết định “Thi hành án theo đơn yêu cầu”. Theo đó, vợ chồng bà Lý – ông Sơn phải trả cho các chủ nợ đã có quyết định của tòa, gồm các ông, bà: Trương Thị Ngọc 6,8 tỉ đồng, Lê Thị Hồng Liên 2,493 tỉ đồng, Đỗ Thị Kim Hường trên 490 triệu đồng, Hoàng Xuân Sơn 550 triệu đồng, Trần Thị Kim Anh 650 triệu đồng, Phạm Thị Liễu trên 198 triệu đồng.
Đến tháng 6/2010, dựa trên danh sách các tài sản do những người nêu trên đưa ra, THA Đồng Xoài kê biên một số tài sản của vợ chồng bà Lý – Sơn; Đến tháng 11/2010, tiếp tục kê biên thêm 6 tài sản khác của cặp vợ chồng này và tổ chức bán đấu giá được 12,5 tỉ đồng. Ngay sau khi bán đấu giá, THA Đồng Xoài làm các thủ tục chi tiền cho những người được THA thì xuất hiện luồng ý kiến cho rằng nếu chi trả cho những người nêu trên là không công bằng, vì chủ nợ của vợ chồng Lý – Sơn có trên 40 người.
Theo THA Đồng Xoài, trong vụ việc vợ chồng Lý – Sơn vay nợ, những người làm đơn yêu cầu THA ở nhiều thời điểm khác nhau và THA Đồng Xoài đã cưỡng chế kê biên tài sản hai lần ở hai thời điểm khác nhau để đảm bảo THA cho những người được THA theo thời điểm làm đơn yêu cầu. Tuy nhiên, sau khi bán đấu giá tài sản kê biên, nhiều chủ nợ khác (ngoài những chủ nợ có tên trên) làm đơn yêu cầu THA Đồng Xoài phải chia đều.
Sau đó, tại một cuộc họp trong tháng 9/2011, Thường trực Thị ủy Đồng Xoài đề nghị THA Đồng Xoài lập danh sách tất cả những đơn vị, những cá nhân được THA và ra quyết định THA một lần. Thực hiện việc chi trả theo thứ tự, chi trả cho những ngân hàng có tài sản đã thế chấp theo giao dịch đảm bảo. Khoản tiền còn lại sau khi trả cho các ngân hàng, thì căn cứ vào số tiền mà những người được THA đã cho vợ chồng Lý – Sơn vay để giải quyết theo tỉ lệ cho vay, đảm bảo tính công bằng cho tất cả chủ nợ.
Sau thời gian chờ đợi gần một năm mà vẫn không được trả tiền, những người được THA đã gửi đơn khiếu nại đến các cơ quan Trung ương và địa phương. Nhiều người còn đến làm việc với Cục THADS tỉnh Bình Phước để khiếu nại việc THA Đồng Xoài chậm giải quyết THA. Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Triệu, Cục trưởng Cục THADS tỉnh Bình Phước cho biết đã chỉ đạo THA Đồng Xoài nghiên cứu, kiểm tra, chỉnh sửa một số sai sót, sau đó ban hành các văn bản để THA và thực hiện theo đúng quy định pháp luật. Hiện THA Đồng Xoài đã chỉnh sửa, ban hành các văn bản THA theo quy định, Cục THADS tỉnh sẽ chỉ đạo chi cục THA Đồng Xoài thực hiện THA theo đúng pháp luật.
Những người có tên trong bản án mới được thi hành
Theo các cơ quan chức năng tỉnh Bình Phước, đây là vụ việc khá phức tạp, liên quan đến 46 người được THA với số tiền vợ chồng Lý – Sơn nợ trên 70 tỉ đồng. Sau khi kê biên tài sản và tổ chức bán đấu giá, số tiền thu được không đủ chi trả cho tất cả các chủ nợ. Trong vụ này có một số người làm đơn THA trước, một số người làm đơn sau. Theo Luật THADS, phải trả cho 7 người (Trương Thị Ngọc, Lê Thị Hồng Liên, Đỗ Thị Kim Hường, Hoàng Xuân Sơn, Trần Thị Kim Anh, Phạm Thị Liễu và bà Nguyễn Thị Ngọc Nữ) vì những người này nằm trong số người được THA đầu tiên.
Tuy nhiên, do quan điểm của các cơ quan chức năng chưa thống nhất, có quan điểm cho rằng nếu chỉ trả cho 7 người thì không công bằng và sẽ góp phần gây mất an ninh trật tự tại địa phương. Do đó, THA Đồng Xoài đã có báo cáo lên Cục THADS tỉnh Bình Phước để xin ý kiến. Đến nay, Cục THADS tỉnh vẫn đang xem xét, chưa có chỉ đạo cụ thể để giải quyết dứt điểm vụ việc. Sau khi THA phàn nợ của ngân hàng, số còn lại chỉ khoảng 7 tỉ đồng, THA Đồng Xoài đã gửi vào ngân hàng theo quy định; Tiền lãi từ việc gửi tiền sẽ trả cho những người được THA.
Theo các luật sư, về nguyên tắc THADS thì cơ quan THA chỉ THA theo bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của toà án. Như vậy, chỉ có cá nhân, tổ chức có tên trong bản án, quyết định của toà án mới có quyền yêu cầu THA; còn trường hợp không có tên trong bản án của toà thì cá nhân, tổ chức đó không có quyền yêu cầu THA.
Mặt khác, theo điểm b, khoản 2 điều 47 (thứ tự thanh toán tiền THA) của Luật THADS: “Số tiền thi hành án thu theo quyết định cưỡng chế THA nào thì thanh toán cho những người được THA đã có đơn yêu cầu tính đến thời điểm có quyết định cưỡng chế đó. Số tiền còn lại được thanh toán cho những người được THA theo các quyết định THA khác tính đến thời điểm thanh toán” và khoản 3 Điều 47 cũng quy định: “Số tiền thu được từ việc bán tài sản cầm cố, thế chấp hoặc bán tài sản mà bản án, quyết định tuyên kê biên để bảo đảm thi hành một nghĩa vụ cụ thể được ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ được bảo đảm đó sau khi trừ các chi phí về THA”.
Đức Hồng - Văn Việt