Tổ chức truy sát
Theo bản cáo trạng số 37/KSĐT ngày 5/10/2015 của Viện kiểm sát (VKS) nhân dân huyện Yên Thế. Khoảng 21 giờ ngày 18/2/2013, bị cáo Nguyễn Văn Tiến (sinh năm 1993, trú tại thôn Cầu, xã Tân Sỏi, huyện Yên Thế, Bắc Giang) nhận lời hẹn đánh nhau với một “băng nhóm” khác qua điện thoại di động.
Sau khi nhận lời thách thức, Tiến về nhà bố đẻ là Nguyễn Văn Ninh lấy một bao tơ dứa, bên trong có kiếm và phớ, đồng thời mang thêm ba con dao quắm của ông Ninh rồi xách đi đến ngã ba Sỏi (nơi nhận lời thách thức).
Trên đường đi, Tiến rủ thêm Phạm Công Đức (sinh năm 1995); Nguyễn Khắc Đạt (sinh năm 1994); Nguyễn Xuân Quỳnh (sinh năm 1993) đều trú tại thôn Dầm, xã Tân Sỏi, Yên Thế. Sau khi rủ được Đức, Đạt, Xuân, Tiến tiếp tục gọi điện rủ thêm Nguyễn Văn Hòa (sinh năm 1989), đồng thời nhờ Hòa đón thêm Nguyễn Văn Tuấn (sinh năm 1990).
Sau khi cả nhóm gặp nhau, Tiến bỏ bao tơ dứa ra lấy cho mỗi người một món vũ khí rồi tiến về phía cổng trường Trung học cơ sở xã Tân Sỏi, ẩn mình trong bóng tối đợi đối thủ là những thanh niên xã Đồng Lạc, Yên Thế đi qua thì sẽ xử. Cả nhóm đều đồng ý với phương án của Tiến.
Khoảng 22h30’ cùng ngày, Nguyễn Huy Hoàng (sinh năm 1994), trú tại thôn Trại Chuối, xã Đồng Kỳ, Yên Thế điều khiển chiếc xe Honda Wave màu xanh, biển kiểm soát 98L-3238 chở Đinh Xuân Hưng, sinh năm 1996 ở thôn Thiều, xã Đồng Lạc, Yên Thế ngồi giữa; Nguyễn Thái Thanh (sinh năm 1996 ) ngồi sau đi trước từ phía cầu Gồ đến.
Còn Hoàng Trọng Đại (sinh năm 1975), trú tại thôn Hồi, xã Phường Xương, Yên Thế điều khiển chở Nguyễn Văn Tú (sinh năm 1994) trú tại phố Gia Lâm, thị trấn Bố Hạ, Yên Thế ngồi giữa; Đào Ngọc Lý ngồi sau đi xe của Hoàng.
Khi thấy xe máy đi đến, Tiến lập tức xách dao xông ra chém, đồng thời hô hoán nhóm của mình chém theo mình. Khi bị chém bất ngờ, Thanh nhảy khỏi xe bỏ chạy, còn Hoàng và Hưng bị ngã xuống đất. Khi vừa đứng dậy thì Hoàng và Hưng bị Tiến cùng nhóm bạn tiếp tục dùng dao chém.
Khi Hưng lồm cồm bò dậy sau cú ngã thì lập tức bị Tiến xông vào chém tới tấp nhưng may mắn Hưng né được và bỏ chạy. Còn Hoàng khi vừa đứng dậy thì bị một người trong nhóm Tiến chém một nhát về phía đầu, Hoàng dơ tay phải lên đỡ thì bị chém trúng tay, Hoàng lập tức bỏ chạy.
Không dừng lại ở đó, Tiến và nhóm bạn truy đuổi theo Thanh. Khi đuổi kịp Thanh, Tiến dùng dao chém một nhát về phía đầu, Thanh giơ tay trái lên đỡ thì bị lưỡi dao chém vào bàn tay. Cùng lúc đó, Hòa (bạn Tiến) xông đến, dùng gậy đập Thanh hai nhát vào tay và bả vai.
Sau khi thấy ông Phạm Văn Hợi, công an xã Tân Sỏi đến thì Tiến và cả nhóm lập tức bỏ trốn khỏi hiện trường. Còn Thanh, Hoàng, Hưng được người dân đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Yên Thế.
Bị hại Nguyễn Thái Thanh trong vụ án truy sát có tổ chức bị xâm hại nghiêm trọng đến sức khỏe và tinh thần. Hiện một bàn tay của anh đã mất đi ngón số 3. |
Tại Bản kết luận, giám định pháp y số 5845/13/GĐPY ngày 25/02/2013 của phòng giám định pháp y Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Giang đối với anh Nguyễn Thái Thanh: “Tỷ lệ tổn thương là 17%. Trong đó, vết thương mu bàn tay và cụt ngón 3 tay phải là 12% + vết thương ngón tay phải: 2% + vết thương ngón 4 tay phải:1% + mu tay trái: 1% + thương tích vùng má phải: 1%).
Hành vi nguy hiểm nhưng mức án quá nhẹ?
Sau nhiều ngày bỏ trốn, ngày 1/7/2015, Tiến đến công an tỉnh Lâm Đồng đầu thú về hành vi cố ý gây thương tích vào đêm 18/2/2013 tại thôn Sỏi, xã Tân Sỏi, huyện Yên Thế, Bắc Giang.
Bà Dương Thị Nhâm, người đại diện cho quyền lợi của bị hại Nguyễn Thái Thanh cho rằng: “Mặc dù hành vi của các bị cáo nêu trên vô cùng nguy hiểm nhưng VKS cho đến Tòa án nhân dân huyện Yên Thế đưa ra hình phạt không thích đáng. Chính vì thế, gia đình và bà con lối xóm trong xã luôn cảm thấy bất an, bất bình với phán quyết của những người cầm cân nảy mực”.
Theo đó, tại bản cáo trạng số 37/KSĐT-TTXH ngày 5/10/2015, VKS nhân dân huyện Yên Thế quyết định truy tố Nguyễn Văn Tiến về tội: “Cố ý gây thương tích” theo khoản 2 Điều 104 của Bộ luật Hình sự” đề nghị xử phạt Nguyễn Văn Tiến từ 2 năm 8 tháng đến 3 năm tù giam.
Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm ngày 25/11/2015, Tòa án nhân dân huyện Yên Thế đã cho rằng Hành vi phạm tội của bị cáo Nguyễn Văn Tiến là rất nguy hiểm, gây mất trật tự an ninh tại địa phương, thể hiện sự coi thường pháp luật, coi thường tính mạng, sức khỏe của người khác.
Thế nhưng, Tòa án nhân dân huyện Yên Thế lại ra bản án số 41/2015/HS-ST cho rằng: “Bản cáo trạng số 37/KSĐT ngày 5/10/2015 của VKS nhân dân huyện Yên Thế, truy tố bị cáo Nguyễn Văn Tiến về tội “Cố ý gây thương tích” theo khoản 2 Điều 104 Bộ luật hình sự là đúng người, đúng tội, có căn cứ và đúng pháp luật.
Bỏ ngỏ nhiều tình tiết quan trọng?
Trao đổi với phóng viên, Luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị hại cho rằng: Căn cứ vào pháp lệnh giám định tư pháp ngày 29/09/2014 để tiến hành giám định tỷ lệ thương thương tật của anh Thanh không thực hiện đúng quy trình thủ tục pháp luật nên không có giá trị chứng cứ.
Thời điểm cơ quan giám định tiến hành giám định thì Luật giám định tư pháp năm 2012 là văn bản đang có hiệu lực pháp luật hướng dẫn trình tự, thủ tục giám định nhưng giám định theo trình tự, thủ tục quy định trong Pháp lệnh giám định tư pháp đã hết hiệu lực dẫn đến kết quả giám định không có giá trị pháp lý nên không có giá trị chứng cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 64 Bộ luật TTHS: “Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự thủ tục do Bộ luật ngày quy định”.
Theo Điều 32 Luật Giám định tư pháp thì kết quả của hoạt động giám định là bản “Kết luận giám định” vì vậy bản “kết quả giám định pháp y” số 5845/13/GĐPY ngày 25/02/2013 không có giá trị chứng cứ như “kết luận giám định” vì vậy có thể nói vụ án chưa có kết quả giám định hợp pháp.
Về nội dung bản kết quả giám định pháp y thiếu nhiều nội dung bắt buộc quy định tại Điều 32 Luật Giám định tư pháp: “Thời gian nhận văn bản trưng cầu, yêu cầu giám định…Nội dung yêu cầu giám định…Phương pháp thực hiện giám định…Thời gian, địa điểm thực hiện, hoàn thành giám định”.
Như vậy, trong vụ án này, kết quả giám định không có giá trị pháp lý vì vậy việc bà Dương Thị Nhâm liên tục có đơn đề nghị giám định lại là hoàn toàn có căn cứ chấp nhận nhưng Tòa án cấp sơ thẩm không xem xét là xâm hại đến quyền lợi hợp pháp của người bị hại. Ngoài ra, việc tách phần bồi thường dân sự ra khỏi vụ án là hoàn toàn không có căn cứ, không đúng quy định pháp luật.
Bởi lẽ, quá trình điều tra bị hại – anh Thanh đã có nhiều lời khai, đã đi giám định và ngày 1/4/2013 anh Thanh có đơn đề nghị 6 bị cáo phải liên đới bồi thường cho anh số tiền là 150 triệu đồng bao gồm tiền gia đình anh đã bỏ ra để chữa bệnh cho anh và tiền đền bù thiệt hại về thể chất, tinh thần mà anh Thanh phải gánh chịu trong suốt quãng đời còn lại.
Các yêu cầu bồi thường của anh Thanh đều phù hợp với quy định tại Điều 609 BLDS. Tuy nhiên, cấp sơ thẩm cố ý bỏ đơn yêu cầu bồi thường của anh Thanh ngày 12/08/2013 ra khỏi hồ sơ vụ án và cho rằng sự vắng mặt bị hại trong phiên tòa là lý do để tách phần yêu cầu bồi thường dân sự của anh Thanh để giải quyết bằng một vụ án khác là không có căn cứ theo Điều 28 –BLTTHS.
Việc cố ý rút một đơn yêu cầu bồi thường của anh Thanh ra khỏi hồ sơ vụ án để không xem xét là vi phạm nghiêm trọng tố tụng trong điểm I khoản 2 Điều 4 Thông tư liên tịch số 01/2010/TTLT-VKSNDTC-BCA-TANDTC: “Chứng cứ tài liệu quan trọng đối với vụ án đã được thu thập trong quá trình điều tra, truy tố nhưng không đưa vào hồ sơ vụ án”.
Như vậy, những vi phạm nghiêm trọng trong tố tụng nêu trên đã xâm phạm đã xâm hại đến quyền lợi hợp pháp của anh Nguyễn Thái Thanh và ảnh hưởng đến việc xác định cấu thành tội phạm, xét tăng nặng giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.