Thẩm quyền xem xét yêu cầu hủy quyết định cá biệt như trên thuộc TAND TP Hà Nội nhưng TAND huyện Đông Anh đã không chuyển vụ án lên cấp trên giải quyết và “lờ” luôn yêu cầu của nguyên đơn.
Dùng tài liệu đang bị kiện để làm căn cứ giải quyết vụ án
Trong đơn khởi kiện, ông Nguyễn Bá Ngọc (SN 1964, trú tại thôn Tằng My, xã Nam Hồng, Đông Anh) cho biết, gia đình ông sử dụng hơn 1500m2 đất do cha ông để lại tại thôn Tằng My. Năm 1995, bố mẹ ông là cụ Nguyễn Bá Thụy và Phạm Thị Hải có thỏa thuận chuyển nhượng cho vợ chồng ông Nguyễn Bá Bình (ở huyện Mê Linh, Hà Nội) phần đất vườn nên đã có đơn xin làm thủ tục chuyển nhượng gửi UBND xã Nam Hồng.
Tuy nhiên, do ông Bình không thanh toán đúng hạn nên cụ Thụy không đồng ý chuyển nhượng nữa và gia đình tiếp tục sử dụng đất cho đến nay. Đến năm 2018, gia đình mới bất ngờ biết được, vào năm 2004, ông Bình đã được UBND huyện Đông Anh cấp GCNQSDĐ đối với 705m2 đất đã “mua hụt” năm 1995.
Cho rằng việc chuyển nhượng đất là không có thật, ông Ngọc đề nghị Tòa hủy thủ tục mua bán đất giữa cụ Thụy và ông Bình năm 1995 và hủy GCNQSDĐ do UBND huyện Đông Anh cấp cho ông Bình năm 2004.
Không chấp nhận yêu cầu trên, bị đơn (ông Bình) cho rằng việc ông nhận chuyển nhượng đất của gia đình ông Thụy là có thật và đã trả đủ tiền vào cuối năm 1995. Trên cơ sở các giấy tờ do hai bên ký kết, ông Bình đã làm thủ tục để UBND huyện Đông Anh cấp GCNQDĐ.
Xét xử sơ thẩm vụ kiện, TAND huyện Đông Anh cho rằng đủ cơ sở để khẳng định có việc vợ chồng cụ Thụy chuyển nhượng 705m2 đất cho vợ chồng ông Bình. Từ đó, HĐXX đã tuyên bác đơn khởi kiện của ông Ngọc.
Đáng nói, một trong những căn cứ mà HĐXX bác đơn khởi kiện của nguyên đơn và không coi hợp đồng chuyển nhượng đất năm 1995 vô hiệu là việc ông Bình đã được cấp GCNQSDĐ vào năm 2004.
Việc HĐXX mặc nhiên thừa nhận giá trị pháp lý của GCNQSDĐ bị ông Ngọc cho là “vi phạm nghiêm trọng” bởi chính GCNQSD đất này đang bị nguyên đơn yêu cầu hủy bỏ do cấp sai quy định. Và một khi HĐXX chưa có nhận định gì về việc cấp GCNQSDĐ này thì không thể coi tài liệu này là một căn cứ để giải quyết vụ án được.
Vi phạm quyền khởi kiện và thẩm quyền xét xử
Như vậy, có thể thấy HĐXX đã “lờ” đi một yêu cầu khởi kiện rất quan trọng của nguyên đơn là việc hủy GCNQSDĐ do UBND huyện Đông Anh cấp cho ông Bình.
Trao đổi với PV, Luật sư, luật gia Nguyễn Hồng Tuyến (người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Ngọc) đánh giá, việc làm trên của HĐXX là vi phạm nghiêm trọng về tố tụng, không chỉ xâm hại đến quyền được khởi kiện của nguyên đơn mà còn vi phạm thẩm quyền xét xử.
Trong đơn khởi kiện cũng như trong bản án sơ thẩm đều thể hiện rõ hai yêu cầu của nguyên đơn là hủy thủ tục chuyển nhượng đất và hủy GCNQSDĐ. Tuy nhiên, HĐXX đã không đả động đến yêu cầu khởi kiện thứ 2 của nguyên đơn.
Theo quy định tại điều 34 Bộ luật Tố tụng Dân sự và Điều 32 Bộ luật Tố tụng Hành chính thì việc xem xét hủy Quyết định cá biệt của Chủ tịch UBND cấp huyện như trên thuộc thẩm quyền của TAND TP Hà Nội (xét xử sơ thẩm).
Việc TAND huyện Đông Anh cố tình giữ lại vụ án mà không chuyển lên Tòa cấp trên xét xử theo thẩm quyền không chỉ vi phạm nghiêm trọng tố tụng mà còn làm ảnh hưởng tới quyền lợi của nguyên đơn. Rất tiếc, đại diện VKSND huyện Đông Anh cũng không phát hiện ra vi phạm này và vẫn cho rằng thẩm phán, HĐXX TAND huyện Đông An đã “thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật tố tụng dân sự”.
Cho rằng giao dịch chuyển nhượng đất giữa cụ Thụy và ông Bình là vô hiệu, ông Tuyến nêu căn cứ: thời điểm năm 1995, không có tài liệu nào (sổ sách địa chính hoặc GCNQSDĐ ) thể hiện thửa đất thuộc quyền sử dụng của vợ chồng cụ Thụy. Trái lại, các nhân chứng và ngay cả UBND xã Nam Hồng đều xác định thửa đất này là do tổ tiên cụ Thụy để lại.
Như vậy, có thể khẳng định năm 1995, cụ Mão (mẹ cụ Thụy, mất năm 1996) mới là người sử dụng hợp pháp và có quyền định đoạt thửa đất chứ không phải ông Thụy. Việc HĐXX không đề cập đến quyền lợi của những người thừa kế của cụ Mão trong vụ án này cũng là vi phạm.
Ngoài ra, việc xác nhận của UBND xã Nam Hồng trong “biên bản nhượng đất” cũng không đúng thủ tục và trình tự vì không có giấy tờ thể hiện quyền sử dụng đất của bên chuyển nhượng, không đúng ngày lập biên bản và không có mặt các bên...
Vì vậy, ông Tuyến cho rằng, tại phiên tòa phúc thẩm tới đây, HĐXX cần hủy án sơ thẩm của TAND huyện Đông Anh và giao hồ sơ cho TAND TP Hà Nội thụ lý, xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm.
Đất đang tranh chấp vẫn được cấp GCNQSDĐ:
Hồ sơ vụ án thể hiện ngày 30/11/2004, ông Nguyễn Bá Bình được UBND huyện Đông Anh cấp GCNQSDĐ tại thửa số 79B (là 1 phần thửa đất số 79), tờ bản đồ số 18.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PLVN thì vào năm 2003, ông Thụy đã có đơn xin cấp GCNQSDĐ toàn bộ hơn 1000m2 đất của thửa số 79. Tuy nhiên, yêu cầu này đã không được địa phương giải quyết vì cho rằng có một phần “đất lũy làng” (chứ không phải lý do đất đã bán cho ông Bình hoặc 1 phần đất do ông Bình sử dụng).
Đến tháng 11/2004, UBND huyện Đông Anh khi giải quyết khiếu nại đã cho rằng phần đất “lũy làng” trên không thuộc quy hoạch nên nếu gia đình ông Thụy có nhu cầu sử dụng thì làm đơn để địa phương xem xét.
Ngay sau đó, ông Thụy lại tiếp tục có đơn xin cấp GCNQSDĐ đối với toàn bộ diện tích thửa 79 (hiện vẫn chưa được giải quyết). Cùng với đó, ông cũng có khiếu nại đến UBND TP Hà Nội đề nghị xem xét lại việc UBND huyện Đông Anh cho rằng ông đã lấn chiếm “đất lũy làng” (Thanh tra TP Hà Nội có quyết định thụ lý và giải quyết).
Như vậy, có thể thấy, vào năm 2004, khi UBND xã Nam Hồng và UBND huyện Đông Anh làm thủ tục cấp GCNQSDĐ cho ông Bình thì đồng thời ông Thụy cũng có đơn đề nghị được cấp GCNQSDĐ ở cùng một thửa đất. Đây được coi là tranh chấp đất đai chưa có quyết định giải quyết của cơ quan có thẩm quyền nhưng không hiểu sao UBND huyện Đông Anh vẫn cấp GCNQSDĐ cho ông Bình?
Đáng nói, vào ngày 22/11/2004, chính UBND huyện Đông Anh có văn bản đề nghị ông Thụy làm đơn xin cấp GCNQSDĐ nhưng 8 ngày sau lại cấp GCNQSDĐ cho người khác.