Hiện đề tài đang đi vào giai đoạn hoàn thiện các sản phẩm để nghiệm thu báo cáo Chương trình Tây nguyên 2016 – 2020.
Nhằm ghi nhận ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước liên quan, các nhà khoa học, ngày 16/7/2020 Đại học Luật Hà Nội đã tổ chức hội thảo để từ đó có cơ sở đề xuất những giải pháp vĩ mô và vi mô giải quyết tình trạng tranh chấp đất đai bảo đảm phát triển bền vững vùng Tây Nguyên.
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Tô Văn Hòa – Trưởng Khoa Pháp luật Hành chính – Nhà nước, Đại học Luật Hà Nội cho biết, tranh chấp đất đai và giải quyết tranh chấp đất đai là vấn đề nóng của các tỉnh Tây Nguyên trong suốt 2 thập kỷ qua.
Các loại hình tranh chấp đất đai ở 5 tỉnh Tây Nguyên diễn ra phức tạp, bao gồm: Tranh chấp giữa người dân với người dân, giữa người dân với cộng đồng; Tranh chấp đất đai giữa người dân với các công ty nông nghiệp (Công ty café, Công ty cao su) liên quan tới hợp đồng khoán, từ đó lan sang các vấn đề tranh chấp đất đai; Tranh chấp đất đai giữa người dân với các công ty cao su, công ty lâm nghiệp, các ban quản lý rừng, các chủ thể quản lý đất rừng khác …
PGS.TS Tô Văn Hòa – Trưởng Khoa Pháp luật Hành chính – Nhà nước, Đại học Luật Hà Nội phát biểu khai mạc Hội thảo. |
Ẩn chứa trong những hình thức tranh chấp đất đai nêu trên là những thực tiễn, những vụ việc tranh chấp đất đai phức tạp mà việc giải quyết không thấu đáo, không dứt điểm có thể dẫn tới những tác động xấu đối với xã hội, với tình hình trật tự an ninh, chính trị trên địa bàn, ảnh hưởng xấu tới sự phát triển bền vững của các tỉnh Tây Nguyên.
Cũng theo PGS.TS Tô Văn Hòa thì nguyên nhân tranh chấp đất đai ở Tây nguyên ngoài những nguyên nhân chung còn có những nguyên nhân đặc thù, đa diện, đa chiều, từ góc độ lịch sử, tới văn hóa, phong tục, tập quán, những nguyên nhân từ sự bất cập trong cơ chế chính sách, pháp luật hiện hành về đất đai, giải quyết tranh chấp đất đai cho tới những nguyên nhân liên quan tới tổ chức thực hiện chính sách.
“Chính vì thế, chúng tôi nhận thấy để giải quyết được tình trạng tranh chấp đất đai, cần đề ra các biện pháp vừa bảo đảm được quyền tiếp cận đất đai của một số đối tượng chủ thể đặc thù của Tây Nguyên ví dụ đồng bào dân tộc tại chỗ, người di cư lên Tây Nguyên theo kế hoạch, những người nông dân đã sinh sống và canh tác đổn định…, kết hợp với những biện pháp quản lý rõ ràng và chặt chẽ trên cơ sở áp dụng pháp luật một cách nghiêm minh, bình đẳng.
Cần kết hợp các biện pháp mang tính chất pháp lý với các biện pháp kinh tế, xã hội, văn hóa trên cơ sở tôn trọng yếu tố lịch sử, phong tụng tập quán” - PGS.TS Tô Văn Hòa nhấn mạnh.
Hội thảo đã nhận được sự quan tâm của đông đảo các nhà khoa học, các cơ quan hoạt động thực tiễn của Tây Nguyên như Hội đồng dân tộc của Quốc hội, Ủy ban dân tộc, Ủy ban trung ương MTTQ Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đông đảo các nhà khoa học, các tổ chức khoa học, tổ chức xã hội… để cùng trao đề ra những quan điểm, giải pháp giải quyết tình hình tranh chấp đất đai ở Tây Nguyên, trong đó chú trọng cách tiếp cận tổng hợp và đa chiều.