Các bên đưa ra lập luận gì?
Theo hồ sơ, năm 1981, ông Ngưỡng được Hợp tác xã Hữu Bằng chia 2 sào ruộng ở xứ đồng Rộc Dưới; năm 1983 được chia thêm 1 sào 3 thước để canh tác.
Do diện tích đất canh tác nông nghiệp ít, UBND xã không thực hiện được Chỉ thị 64 mà từ năm 1981 đến nay, đất nông nghiệp tại địa phương này phân chia cho các hộ dân theo Chỉ thị 100/CT/TW năm 1981 và Nghị quyết 10-NQ/TW. Theo đó, diện tích đất nông nghiệp này gia đình ông Ngưỡng vẫn canh tác và đóng sản theo quy định của HTX Hữu Bằng (sơ đồ phân đất nông nghiệp năm 1988 của HTX ghi rõ điều này).
Tuy nhiên, gia đình ông Tám cho rằng, hiện nay mảnh đất 3 sào 3 thước là của gia đình mình, còn mảnh đất 14 thước kia là của gia đình ông Ngưỡng. Chứng cứ được phía bà Loan đưa ra để khẳng định điều này là có một thỏa thuận miệng vào 2007 giữa ông Hào và ông Ngưỡng. Gia đình ông Tám đã đặt phần mộ của ông Hào vào góc ruộng 14 thước ở cánh đồng Bờ Cộc.
Tại phiên tòa ngày 19/9/2019, TAND huyện Thạch Thất do Thẩm phán Đỗ Ngọc Sơn làm chủ tọa đã tuyên gia đình ông Tám thắng kiện, buộc gia đình ông Ngưỡng phải trả lại mảnh đất nói trên.
PV đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hữu Trường (Chủ tịch UBND xã Hữu Bằng) và được cho biết: “UBND xã đã tổ chức hòa giải nhiều lần giữa hai bên nhưng không thành. Hiện gia đình ông Tám và em gái ông Tám là bà Yên còn là nguyên đơn của nhiều vụ tranh chấp khác về đất đai tại xã”.
Giấy tờ hiện còn lưu tại UBND xã Hữu Bằng là Sổ theo dõi diện tích - năng suất - sản lượng do HTX quản lý qua các năm. Hai ông Nguyễn Văn Trọng (Giám đốc HTX sản xuất dịch vụ tổng hợp xã Hữu Bằng) và ông Vũ Hữu Thắng (Kế toán của HTX) chịu trách nhiệm bảo quản, lưu giữ. Ông Thắng cũng là người theo dõi diện tích, sản lượng của HTX từ 1962 đến nay.
Ông Trọng cho biết, tại Sổ theo dõi diện tích - năng suất - sản lượng đội Giếng vụ mùa năm 1988, trang 22-23 ghi rõ ông Phan Văn Ngưỡng được giao 4 mảnh đất, trong đó có mảnh đất nói trên. Sản lượng được giao 377,6kg thóc. “Sổ sách này là bất di bất dịch, không ai thay đổi, thêm bớt gì và lưu giữ suốt quá trình từ năm 1988 đến nay. Còn tài liệu trước đó thì không còn”, ông Trọng nói.
Còn ông Thắng cho biết: “Chúng tôi chỉ nghe kể lại việc ông Hào và ông Ngưỡng đổi đất chứ không hề chứng kiến việc trao đổi như thế nào. Các sổ sách năm 1988, 1989 đều chỉ ghi tên ông Ngưỡng. Cán bộ tòa án, các cơ quan chức năng về làm việc với chúng tôi đều tiếp cận và căn cứ vào giấy tờ này chứ không có giấy tờ nào khác”.
Theo Vi bằng số 0031.2020/VB-TPLHN của Văn phòng Thừa phát lại Hà Nội: “Năm 1993, HTX Hữu Bằng đo đạc và phân chia lại thì diện tích thực tế của thửa ruộng trên chỉ còn 3 sào 1 thước 2 được phân ra 2 loại đất khác nhau. Thứ nhất, 8 thước trong quỹ đất 5% không phải nộp sản lượng. Thứ hai là 2 sào 8 thước 2 phải nộp sản lượng, sử dụng ổn định lâu dài và nộp các nghĩa vụ đối với Nhà nước đến nay không tranh chấp với ai”.
Mảnh đất 14 thước đứng tên ai?
Qua kiểm tra giấy tờ và hồ sơ còn lưu giữ tại UBND xã Hữu Bằng, mảnh đất tại xứ đồng Bờ Cộc, thửa ruộng 14 thước được HTX Hữu Bằng giao cho hai bà Phan Thị Nghi, Phan Thị Ngút (em ông Ngưỡng) quản lý và sử dụng. Năm 1988, hai bà Nghi, Ngút không canh tác nữa và giao mảnh đất này cho ông Phan Văn Tiến canh tác và sử dụng từ đó đến nay.
Tại phiên tòa, bà Nghi, bà Ngút đều cho rằng, do tình cảm gia đình nên sau khi ông Hào qua đời, hai bà đã bàn với ông Ngưỡng cho phép gia đình ông Tám đặt mộ phần tại góc thửa ruộng 14 thước tại xứ đồng Bờ Cộc. Như vậy, thửa đất này chưa bao giờ đứng tên ông Hào để ông Hào có thể đổi cho ông Ngưỡng lấy mảnh đất 3 sào 3 thước.
Tại phiên tòa, kiểm sát viên cho rằng: “Do gia đình ông Tám không có căn cứ bằng văn bản để chứng minh được HTX giao thửa đất nông nghiệp diện tích 3 sào 3 thước ở đồng Rộc. Xét về thực tế, gia đình ông Ngưỡng đã sử dụng đất ổn định, lâu dài từ năm 1988 đến nay, đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn”.
Luật sư Nguyễn Anh Dũng (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, nếu có thỏa thuận miệng giữa ông Hào và ông Ngưỡng năm 2007 thì thỏa thuận này không có giá trị pháp lý.
“Theo Luật Đất đai 2003 và Nghị định 181/2004/NĐ-CP thì việc “thỏa thuận chuyển đổi quyền sử dụng đất giữa hai hộ gia đình, cá nhân phải bằng Hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất”. Khoản 2 Điều 147 Nghị định 181 đã quy định rõ như vậy”, Luật sư Dũng nói.
Luật sư Dũng cũng cho rằng trong suốt quá trình tố tụng, bên nguyên đơn (gia đình ông Tám - PV) không đưa ra được bất kỳ bằng chứng hợp pháp nào để chứng minh thửa ruộng 3 sào 3 thước thuộc cánh đồng Rộc Dưới thuộc quyền sử dụng hợp pháp của mình. “Theo Nghị định 181, ông Tám cần phải có các giấy tờ như: Bản trích sao hồ sơ địa chính và chỉnh lý giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất cấp… Những vấn đề trên cần được Hội đồng xét xử phúc thẩm làm rõ”.