Vụ tai nạn thảm khốc 6 năm chưa xác định được người cầm lái

Bị cáo Ngọc một mực kêu oan từ khi bị khởi tố, xử sơ thẩm, xử phúc thẩm.
Bị cáo Ngọc một mực kêu oan từ khi bị khởi tố, xử sơ thẩm, xử phúc thẩm.
(PLO) -Cơ quan điều tra (CQĐT) cho rằng có đủ bằng chứng chứng minh Ngọc là tài xế xe khách 48K-0277. Do vượt ẩu, Ngọc đã gây ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, khiến hai người tử vong cách đây sáu năm. Tuy nhiên, khi làm việc với cảnh sát và đứng trước vành móng ngựa, Ngọc một mực kêu oan...

Ngọc cho rằng mình chỉ là khách đi đường, chưa có Giấy phép lái xe (GPLX) và không hề vi phạm luật giao thông như cơ quan chức năng cáo buộc. 

2 người văng khỏi xe khách tử vong

Cáo trạng trong phiên sơ thẩm cho rằng, vào sáng 26/2/2010, Ngô Văn Ngọc (SN 1985, ngụ xóm 6, xã Nga Bạch, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa) điều khiển xe ô tô khách BKS 48K-0277 hướng từ Đắk Lắk sang Gia Lai.

Khi đi đến KM 614+500 trên tuyến Quốc lộ 14, thuộc địa phận thôn 2 xã Ea H’Leo, huyện Ea H’Leo, tỉnh Đắk Lắk, Ngọc không làm chủ được tốc độ nên đã va chạm vào góc sau bên phụ của xe ô tô khách mang BKS 36M-4766 chạy phía trước. 

Sau cú va chạm, xe của Ngọc nghiêng một phần xuống rãnh thoát nước bên phải (theo chiều lưu thông). Do cửa bên phụ của xe 48K-0277 không đóng nên ông Võ Văn Bình, Phan Đức Tiến và bà Đặng Thị Tuyết (SN 1968, chủ xe) bị văng khỏi xe. Hậu quả, hai người đàn ông trên đã tử vong, chỉ bà Tuyết sống sót. 

Theo kết quả khám nghiệm hiện trường, xe khách 48K-0277 do Ngọc điều khiển bị nghiêng về bên phải, bánh trước và bánh sau bên phải lọt xuống mương thoát nước. Biên bản khám xe ô tô 48K-0277 xác định, gương chiếu hậu bên trái và phải rời khỏi vị trí, góc trước bên trái có nhiều vết xước, kính chắn gió trước bị vỡ. Góc trước đầu xe bên trái bị méo, bong tróc sơn và có nhiều vết xước từ trước về sau. 

Tiếp đó, ngày 29/1/2013, Phân viện Khoa học Hình sự tại TP.Đà Nẵng có kết luận, xe ô tô 36M-4766 có nhiều vết xước hướng từ sau ra trước; xe ô tô 48K-0277 có nhiều vết xước từ trước ra sau. Bởi vậy, CQĐT xác định, vụ tai nạn trên xảy ra do Ngọc đã không làm chủ được tốc độ, dẫn đến va chạm với xe khách chạy phía trước, cùng chiều.  

Hơn 10 tháng sau khi có kết quả nêu trên, cuối tháng 11/2013 CQĐT mới tạm giữ tài xế Ngọc để điều tra. Tuy nhiên, người này không thừa nhận việc mình vi phạm luật giao thông đường bộ.

Và phải đến gần hai năm sau, trong các ngày từ 20 - 24/8/2015, TAND huyện Ea H’Leo mới mở phiên tòa sơ thẩm hình sự, đưa bị cáo Ngọc ra trước vành móng ngựa xét xử về hành vi “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” theo Khoản 2, Điều 202 BLHS.  

Phiên sơ thẩm gay cấn

Tại phiên sơ thẩm, bị cáo Ngọc một mực kêu oan, cho rằng mình chỉ là người đi đường, không phải lái xe, yêu cầu được trả tự do ngay tại phiên tòa. Chủ xe 48K-0277 (cũng là người ngã văng xuống đường thoát chết), cũng xác nhận điều này.

Người này còn cho rằng chính xe 36M-4766 mới là xe vượt ẩu, gây ra tai nạn, cần phải xử lý trách nhiệm đối với tài xế xe trên. Đồng thời người này yêu cầu chủ và lái xe trên phải có nghĩa vụ bồi thường toàn bộ chi phí mai táng cho chồng mình. 

Chủ xe 48K-0277 khai thêm, do xe khách 36M-4766 chạy nhanh, vượt ẩu mới xảy ra tai nạn. Đồng thời, tài xế điều khiển xe của mình là anh Phan Đức Tiến là người đã văng ra ngoài tử vong, chứ không phải là Ngọc. 

Chủ xe 48K-0277 lại cho rằng người cầm lái là ông Tiến đã chết, không phải Ngọc.
Chủ xe 48K-0277 lại cho rằng người cầm lái là ông Tiến đã chết, không phải Ngọc. 

Tại phiên tòa này, HĐXX sơ thẩm cho rằng lời khai của bà Tuyết mâu thuẫn với nhau. Bên cạnh đó, vết thắng của xe 48K-0277 có điểm kết thúc sát với điểm xe đã dừng. Trước khi xảy ra tai nạn, xe này không có sự cố về hệ thống phanh.

Anh Tiến đã bị văng khỏi xe, bị xe đè lên người. Từ những chứng cứ này, tòa cho rằng khi xảy ra tai nạn, người cầm lái vẫn đang trên xe và đạp thắng, và người đó không thể là anh Tiến. Tòa cho rằng chủ xe và bị cáo Ngọc đã “thông cung” với nhau, đổ tội cho người đã chết. 

Tòa cũng đưa ra lời khai của người làm chứng là anh Nguyễn Đình Thọ (SN 1980, ngụ Hà Tĩnh), một hành khách đi trên xe 48K-0277 để làm căn cứ. Theo lời khai của anh Thọ, người này ngồi ở vị trí thứ hai, bên phụ (gần chỗ tài xế) và thấy Ngọc là người cầm lái lúc đó. 

Nhân chứng này còn cho rằng, khi xảy ra sự việc, Ngọc còn mượn điện thoại của vợ anh Thọ để gọi về nhà, báo với bố đẻ ở Thanh Hóa rằng mình vừa gây tai nạn. HĐXX cho rằng, người làm chứng này không hề có mâu thuẫn gì với Ngọc nên lời khai là vô tư, khách quan. 

Tại phiên sơ thẩm, HĐXX phán quyết bị cáo Ngọc chưa có GPLX đúng với loại phương tiện đang điều khiển, không chấp hành đúng quy định của Luật Giao thông đường bộ, đã gây ra tai nạn. Hành vi của bị cáo đã gây hậu quả chết hai người, làm mất an ninh trật tự, nên tuyên phạt mức án 5 năm tù giam. Đồng thời, yêu cầu chủ xe là bà Tuyết phải có trách nhiệm dân sự, bồi thường hơn 200 triệu cho gia đình anh Tiến.

Bị cáo Ngọc làm đơn kháng cáo, tiếp tục kêu oan, đề nghị cấp phúc thẩm xem xét lại vụ án.

Những điểm bất thường trong quá trình điều tra

Ngược dòng thời gian, người ta nhận thấy trong vụ án nêu trên có rất nhiều điểm bất thường.

Hai năm sau khi xảy ra tai nạn, ngày 21/3/2012, Công an huyện Ea H’Leo mới có biên bản kết thúc điều tra vụ tai nạn giao thông trên. Nội dung trong biên bản thể hiện, tài xế xe khách 48K-0277 chính là ông Phan Đức Tiến (SN 1967, ngụ xã Cuôr Đăng, huyện Cư M’Gar), người đã văng ra khỏi xe. Do vậy, công an huyện này quyết định không khởi tố vụ án hình sự vì người gây ra tai nạn đã chết. 

Tuy nhiên, gần nửa năm sau, ngày 15/8/2012, VKSND huyện Ea H’Leo lại ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự vì cho rằng có dấu hiệu vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Đồng thời, VKS yêu cầu công an huyện tiến hành điều tra sự việc.

Đúng một năm sau, ngày 15/8/2013, công an và VKSND huyện Ea H’Leo ra quyết định khởi tố bị can, đồng thời ra lệnh bắt tạm giam đối với Ngọc. Đến tháng 11 và 12/2014, TAND huyện Ea H’Leo đã phải hai lần hoãn phiên tòa sơ thẩm vì lý do nhiều người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ việc vắng mặt.  

Cha bị cáo cho rằng mình không hề gặp bà Thủy tại bệnh viện.
Cha bị cáo cho rằng mình không hề gặp bà Thủy tại bệnh viện. 

Đến cuối tháng 4/2016, TAND tỉnh Đắk Lắk mở phiên phúc thẩm, đưa vụ án ra xét xử lại. Tại tòa, bị cáo Ngọc vẫn một mực kêu oan và khẳng định, mình không phải là người cầm lái. “Sau khi xảy ra tai nạn, bị cáo về quê Thanh Hóa, đến phụ việc cho người quen chứ không phải bỏ trốn. Bên cạnh đó, tôi cũng chưa có bằng lái xe khách, không thể điều khiển xe khách như cáo buộc của CQĐT”, bị cáo nói. 

Trong phiên phúc thẩm, nhiều nhân chứng khác đã đưa ra quan điểm. Nhưng vẫn như phiên sơ thẩm, lời khai của các nhân chứng vẫn chỏi nhau, khiến vụ án vẫn chỉ như một mớ bùng nhùng.

Một mâu thuẫn nảy sinh tại phiên tòa chính giữa những người ở “phe” xe 48K-0277. Bà Nguyễn Thị Thủy (SN 1977, vợ nạn nhân Tiến) cho rằng, sau vụ tai nạn trên, chồng bà được đưa tới bệnh viện tỉnh Gia Lai cấp cứu. Sau đó, cha của Ngọc là ông Ngô Minh Tuyên đã tới đưa một ít tiền. “Hơn thế, trước khi xảy ra tai nạn, Ngọc có tới nhà chơi nên tôi nhận diện được”, góa phụ khai. 

Phản bác những lời khai của bà Thủy, cha của bị cáo Ngọc cho rằng ông không hề đến bệnh viện, bà Thủy cũng không hề biết mặt ông. “Cho đến khi hai bên gặp nhau tại nhà riêng của bà Thủy, tôi đưa giấy chứng minh thư nhân dân ra, bà Thủy mới biết”, cha bị cáo Ngọc nói. 

Vì sao vụ án phải điều tra lại?

Đứng ở “phe” cho rằng Ngọc chính là người cầm lái, ông Mai Đình Phượng (SN 1958, ngụ Thanh Hóa, tài xế điều khiển xe 36M-4766 hôm xảy ra tai nạn) cho rằng, khi điều khiển xe của mình chạy phía trước, ông có nhìn qua kính chiếu hậu và nhận ra tài xế điều khiển xe 48K-0277 chính là Ngọc.

“Tôi với Ngọc cùng quê, có mấy lần tôi chạy xe qua, thấy Ngọc phụ xe cho người khác nên rất dễ nhận dạng”, ông Phượng trình bày. Nói như nhân chứng này, nghi vấn Ngọc là phụ xe nên lúc đó cầm lái thay “tài” chính Tiến.

Tài xế Phượng cũng cho biết thêm, khi Ngọc chạy nhanh, không làm chủ được tốc độ, tông vào xe mình, ông biết xảy ra tai nạn, nhưng ông không dừng lại cứu mà vẫn tiếp tục chạy. 

Tài xế xe 36M-4766 cho rằng tài xế gây tai nạn chính là Ngọc.
Tài xế xe 36M-4766 cho rằng tài xế gây tai nạn chính là Ngọc. 

Phản bác lời khai này, chủ xe 48K-0277 tố cáo cách hành xử của ông Phượng như vậy là bất thường, vì hiếm có ai phát hiện xe mình bị người khác tông vào mà không dừng lại để bắt đền. Thứ hai, nếu như lời khai ông Phượng, ông phát hiện có người gặp nạn mà vẫn bỏ đi, là vi phạm pháp luật.

Thứ ba, bà trình bày rằng có đủ chứng cứ là những bản ghi âm để chứng minh xe 36M-4766 đã vượt ẩu, gây ra tai nạn. “Hôm đó tôi trực tiếp ngồi trên xe, tài xế là ông Tiến, không phải Ngọc. Hơn thế, chính xe của ông Phượng mới chạy nhanh, vượt ẩu không làm chủ được tốc độ dẫn đến tai nạn”. 

Tòa cấp phúc thẩm nhận định lời khai của các bên mâu thuẫn nhau. Hơn thế, vụ việc có nhiều khách đi trên xe làm chứng, đây là những nhân chứng rất quan trọng nhưng lại vắng mặt. Bởi vậy HĐXX tuyên hoãn phiên tòa để làm rõ một số điểm mâu thuẫn và triệu tập các nhân chứng tới. 

Và như vậy sau 6 năm trời, cơ quan chức năng vẫn chưa xác định được ai là người cầm lái, ai đúng ai sai trong vụ tai nạn thảm khốc hi hữu này. Ngọc có phải người cầm lái gây tai nạn hay không? Ngọc và chủ xe có “thông cung” với nhau để đổ lỗi cho người đã chết hay không? Tài xế xe BKS 36M-4766 liên quan gì trong vụ tai nạn này?. Những câu hỏi này, chưa biết trong phiên xử tới đây, cơ quan chức năng có thể làm rõ?.

Đọc thêm

Vụ án tại Trung tâm R&D thuộc BQL Khu CNC TP HCM: Cựu lãnh đạo Sở KH&ĐT nhận tiền tỷ khi duyệt dự án

Bị cáo Minh tại một phiên tòa hồi tháng 7/2024. (Ảnh: Hải Duyên)
(PLVN) - Dự kiến từ ngày 15/1, TAND TP HCM sẽ đưa bị cáo Trần Thị Bình Minh (cựu PGĐ Sở KH&ĐT), Phan Tất Thắng (cựu Phó phòng Kinh tế) ra xét xử về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ trong vụ án xảy ra tại Trung tâm nghiên cứu triển khai Khu công nghệ cao (Trung tâm R&D) thuộc Ban Quản lý Khu công nghệ cao (BQLKCNC) TP HCM và các đơn vị liên quan.

Từ bạn tù đến đồng bọn ma túy, bộ ba lĩnh án chung thân

Các bị cáo tại phiên xét xử.
(PLVN) - Ngày 10/1, Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án mua bán trái phép chất ma túy đối với 3 bị cáo: Nguyễn Phú Long Thành (SN 1976, trú phường Văn Chương, quận Đống Đa, TP. Hà Nội); Vi Xuân Hoài (SN 1954, trú xã Lượng Minh, huyện Tương Dương, Nghệ An) và Kha Văn Minh (SN 1977, trú xã Xá Lượng, huyện Tương Dương, Nghệ An).

Phúc thẩm vụ án 'thuê người đánh ghen' ở Bến Tre

Các bị cáo tại phiên xử. (Ảnh: Bùi Yên)
(PLVN) - Ngày 7/1/2025, TAND tỉnh Bến Tre mở phiên xử phúc thẩm với các bị cáo Lê Thị Trang (SN 1982), Phạm Thành Lộc (SN 1998), Đinh Văn Chăng (SN 2004), Lê Đoàn Thiên Phúc (SN 2004) và Đinh Văn Hùng (SN 1978) cùng bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Cố ý gây thương tích”.

Bắt tạm giam chủ Mái ấm Hoa Hồng (TP HCM)

Tống đạt các quyết định tố tụng với hai bị can. (Ảnh: Công an cung cấp)
(PLVN) - Cơ quan CSĐT Công an TP HCM mới ra quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt bị can để tạm giam với Giáp Thị Sông Hương (51 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, chủ cơ sở Mái ấm Hoa Hồng tại quận 12) và quyết định khởi tố bị can, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bà Trang Mỹ Nhanh (72 tuổi, ngụ quận 12; bảo mẫu tại Mái ấm Hoa Hồng) để điều tra hành vi "Hành hạ người khác".

Dùng dao chém mẹ vợ, con rể lãnh 9 năm tù

Bị cáo gần tại phiên tòa.
(PLVN) - Cuối phiên xử sơ thẩm ngày 2/1/2025, TAND tỉnh Kiên Giang tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Gần (SN 1975, ngụ xã Hòa Thuận, huyện Giồng Riềng, Kiên Giang), 9 năm tù về tội "Giết người". Nạn nhân trong vụ án này là bà Trần Thị Tư (mẹ vợ của bị cáo).

Phạt tù 4 bị cáo chiếm đoạt hơn 300 triệu đồng của người dân qua mạng điện thoại

Các bị cáo Tài, Chương (hàng đầu), Thái và Phúc (hàng thứ 2) (từ trái sang) tại phiên tòa
(PLVN) - Ngày 23/12, TAND tỉnh Kiên Giang mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án đối với các bị cáo gồm Nguyễn Thông Thái (SN 1995), Dương Văn Tài (SN 2000), Trương Hán Chương (SN 2000) và Hồ Minh Phúc (SN 1995) về tội "Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản". Các bị cáo cùng ngụ TP HCM.