Những tai nạn đau lòng
Tại tỉnh Hưng Yên, chiều 24/2/2016, một vụ tai nạn nghiêm trọng đã xảy ra tại địa bàn huyện Mỹ Hào liên quan đến xe đạp điện. Hai nữ sinh đi xe đạp điện với tốc độ cao, không đội mũ bảo hiểm và xảy ra tai nạn với ôtô.
Một nữ sinh tử vong tại chỗ, nữ sinh còn lại (14 tuổi) phải chuyển lên Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) cấp cứu trong tình trạng không tỉnh táo, sưng nề hàm mặt, xương gò má trái, chảy máu tai, chân trái sưng nề biến dạng… Qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị đa chấn thương, dập não, vỡ xương thái dương, gãy xương mác bên chân trái…
Trước đó, ngày 22/2, Bệnh viện Việt Đức cũng tiếp nhận một trường hợp nữ sinh 15 tuổi ở Thái Bình bị tai nạn xe đạp điện.
Các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức cho biết từng tiếp nhận nhiều bệnh nhân nhập viện do tai nạn xe đạp điện, xe máy điện với những mức độ khác nhau. Đa phần trong số đó là bệnh nhân ở tuổi thanh thiếu niên, dưới 15 tuổi, hoặc các cụ già đi xe đạp điện.
Tại tỉnh Nghệ An, ngày 20/10/2015, khi đang lưu thông trên đường bằng xe máy với tốc độ khá nhanh, Phạm Văn Tuấn (SN 1996, xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu) đã va vào hai nữ sinh đi xe đạp điện đều sinh năm 2000. Hậu quả cả 3 đều chấn thương sọ não và tử vong. Cùng với lỗi của người điều khiển xe máy thì hai nữ sinh đi xe đạp điện cũng không đội mũ bảo hiểm và đi với tốc độ cao.
Cũng tại tỉnh này, ngày 20/11/2015 trên Quốc lộ 1A, do phóng nhanh, lạng lách, một chiếc xe máy và xe đạp điện này đã va vào nhau. Bốn trong số năm học sinh phải đi cấp cứu, trong đó một em chấn thương vùng đầu khá nặng.
Theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Diễn Châu, số trường hợp tai nạn phải nhập viện do điều khiển xe đạp điện đang ngày một tăng, không thua kém xe máy hay ô tô, đối tượng chủ yếu là học sinh. Tình trạng của bệnh nhân rất phức tạp. Do không đội mũ bảo hiểm nên các trường hợp bị tai nạn đều nặng, đặc biệt là chấn thương sọ não.
Thống kê của lực lượng cảnh sát giao thông huyện này, chỉ trong vài năm đã có hàng ngàn xe đạp điện, xe máy điện đang lưu thông trên địa bàn. Đối tượng sử dụng nhiều nhất là học sinh cấp hai, cấp ba. Bỏ qua các quy định bắt buộc về đội mũ bảo hiểm, tốc độ, các quy định về an toàn... các xe đạp điện dàn hàng ba, hàng bốn, chạy tốc độ 30-40km/h, vượt đèn đỏ, lạng lách, đánh võng.
Khi bị lực lượng công an giao thông xử lý, học sinh nào cũng trình bày lý do khó chấp nhận. Năm 2015, trung bình mỗi tháng lực lượng công an huyện này đã xử lý hàng trăm trường hợp xe đạp điện, xe máy điện vi phạm.
Tuy nhiên, tình hình vi phạm ATGT đối với loại phương tiện này vẫn ở mức đáng báo động. Hậu quả, số nạn nhân tử vong liên quan đến xe đạp điện đã chiếm tới 20% số người tử vong do TNGT ở huyện này năm 2015.
Tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, tối 19/6/2015, ông Nguyễn Mai (ngụ xã Phước Hưng, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) điều khiển xe đạp điện, do không làm chủ tốc độ đã xảy ra tai nạn với xe máy do ông Bùi Văn Hiên (SN 1964) điều khiển. Hậu quả, ông Mai tử vong, ông Hiên bị thương. Ban An toàn giao thông tỉnh này cũng cảnh báo vấn nạn mất ATGT liên quan đến xe đạp điện trên địa bàn.
Trước đó nữa, từ năm 2014, trên địa bàn TP.HCM đã xảy ra nhiều TNGT liên quan đến loại phương tiện này. Ngày 22/4, hai học sinh lớp 10 trên địa bàn quận Thủ Đức đi xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm, lưu thông trên đường Tô Ngọc Vân.
Khi đến khúc cua dưới chân cầu vượt Thủ Đức, do thiếu quan sát, xe đạp điện bị chiếc xe buýt chạy phía sau va trúng khiến cả hai ngã xuống đường. Dù va chạm không mạnh nhưng do không đội mũ bảo hiểm nên hai học sinh bị chấn thương chảy máu ở vùng đầu, may mắn không nguy hiểm đến tính mạng.
Sau đó, lại một nam sinh cấp ba ở quận Gò Vấp điều khiển xe đạp điện lưu thông trên địa bàn quận 12 (hướng từ Quốc lộ 1A về cầu Bến Phân). Khi gần đến khu vực cầu Bến Phân, chiếc xe đạp điện bị xe máy tông trực diện văng ra đường. Cùng lúc, chiếc xe tải từ phía sau không tránh kịp đã cán trúng nam sinh khiến nạn nhân chết thảm.
Trường hợp khác, một nữ sinh chở em trai bằng xe đạp điện lưu thông trên đường Tây Thạnh (quận Tân Phú), đang chạy cách đường số 1 khoảng 50m thì bất ngờ quẹo sang bên kia đường khiến một ô tô không thắng kịp, tông văng hai chị em ra đường bất tỉnh.
Hình minh họa |
Mối lo xe đạp điện thành “hung thần xa lộ”
Nhiều người tham gia giao thông không ít lần giật mình trước một số nhóm học sinh đi xe đạp điện nghênh ngang dàn hàng ngang, không đội mũ bảo hiểm, lạng lách, đánh võng. Một số còn “tăng” hai, “tăng” ba người ngồi sau, phóng nhanh, vượt đèn đỏ. Một vài xe máy điện có gắn biển số nhưng là những biển số đồ chơi với dãy số gây chú ý như 80B-8888, 80B-9999, 80B-6789...
Nhiều trường hợp “không thèm” đeo biển số mà đeo biển chữ, kiểu “Xin đừng hôn em”, “Stop”, “Hello”… Đặc biệt, giờ tan trường, xe đạp điện, xe máy điện như đàn bươm bướm ào khỏi cổng trường, khiến các phương tiện tham gia lưu thông khác cũng phải e ngại né tránh.
Theo các lực lượng chức năng, nguyên nhân dẫn đến vi phạm ATGT ở các đối tượng điểu khiển xe đạp điện là do chủ quan. Nhiều người cho rằng xe đạp điện là phương tiện giao thông đơn giản giống như xe đạp thông thường nên chưa chú trọng việc chấp hành ATGT, nhất là lỗi không đội mũ bảo hiểm.
Đa phần xe đạp điện có thể đi ở tốc độ 35-40 km/h. Tốc độ này là bình thường với xe máy nhưng là tốc độ cao với xe đạp điện. Xe đạp điện nhẹ hơn xe máy rất nhiều nên ở tốc độ này không an toàn, dễ gây TNGT.
Đặc điểm loại xe này là khi chạy có âm thanh nhẹ, người đi trước khó nghe thấy, vì thế ít đề phòng. Loại xe này cũng dễ tăng tốc độ, chỉ cần vặn tay ga là “vọt” lên phía trước. Với người điều khiển ít kinh nghiệm xử lý các tình huống giao thông, việc này cũng dễ xảy ra va chạm.
Hầu hết người sử dụng xe đạp điện là các em học sinh, kinh nghiệm xử lý tình huống khi tham gia giao thông chưa nhiều nên dễ xảy ra tai nạn. Hoặc người sử dụng phương tiện này là người cao tuổi, phản ứng thường chậm, cũng dễ gây mất ATGT.
Đáng lưu ý, với đối tượng sử dụng xe đạp điện, xe máy điện là học sinh, nhiều em thích thể hiện “chơi trội” bằng cách “cưỡi” xe đạp điện “bốc đầu”, “đôn” tốc độ, “tóc xanh, tóc đỏ” phóng vun vút trên đường, không màng luật ATGT.
Ngoài ra, các lý do khác như hình thức xử lý vi phạm chưa đủ sức răn đe, bất cập trong quản lý phương tiện, chất lượng phương tiện không đảm bảo... cũng góp phần dẫn đến tình trạng gia tăng các vụ tai nạn do xe đạp điện, xe máy điện
Trước tình hình trên, các lực lượng chức năng đều khuyến cáo người dân đội mũ bảo hiểm đạt tiêu chuẩn để hạn chế tối đa tổn thương não nếu không may gặp tai nạn, chấp hành đúng quy định ATGT, không được chở quá nhiều người, đi tốc độ cao...
Mặt khác, gia đình và nhà trường cũng đóng vai trò lớn trong việc giám sát, nhắc nhở con em mình sử dụng phương tiện an toàn, hình thành ý thức chấp hành luật ATGT, tránh gây tai nạn cho bản thân và những người xung quanh.