Công trình xây dựng nhà ở số 28 ngõ Đại Đồng (Khâm Thiên, Hà Nội) bị lún nghiêng ngay khi mới hoàn thành, tì vào ban công nhà số 36 làm gãy vỡ ban công và kéo mấy hộ liền kề lún nứt, đe dọa sự an toàn của người dân sống trong khu vực mà báo PLVN từng phản ánh đã kéo dài hơn 1 năm.
Trong khi người dân trong khu vực sống trong sợ hãi, lo sợ một ngày ngôi nhà nghiêng gây nên hậu quả nghiêm trọng thì chính quyền vẫn… từ từ giải quyết, vì dường như chẳng cấp nào thấy mình có trách nhiệm trong việc này.
Bằng mắt thường cũng thấy rõ, nhà số 28 (bên trái) đã “ngoạm” hết ban công số nhà 36 ngõ Đại Đồng |
Cắt ngọn nhà nghiêng trước 25/8
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Trọng Ngọ - Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Đống Đa, đại diện cho UBND Quận trong buổi làm việc, cho hay, đây là công trình xây dựng sai phép. Giấy phép xây dựng cho phép xây 3 tầng 1 tum trên diện tích 22m2, nhưng chủ nhà đã xây 5 tầng, sau đó vì nhà nghiêng nhanh chóng nên đã tự động cắt ngon 1 tầng. Lý giải về tình trạng nhà sai phép ngang nhiên tồn tại, ông Ngọ viện dẫn “cái tình” ra để thông cảm, vì diện tích nhỏ mà nhu cầu sử dụng của người dân lớn.
“Liên quan đến công trình này, Phó Chủ tịch quận đã ký văn bản yêu cầu Thanh tra xây dựng quận và phường vận động gia đình thực hiện tự tháo dỡ phần sai phép. Nếu gia đình không thực hiện, quận sẽ ra quyết định cưỡng chế phần xây dựng sai phép. Thời hạn là ngày 25/8 tới” – ông Ngọ nói.
Trả lời thắc mắc của phóng viên về việc trong thời gian giải quyết việc công trình sai phép gây ra sự cố, công trình đã có sự thay đổi chủ sở hữu, ông Ngọ cho biết, trước đó lường trước việc nếu thay đổi chủ sở hữu sẽ gây khó khăn cho quá trình giải quyết, Phòng Quản lý đô thị đã tham mưu cho lãnh đạo Quận ban hành văn bản chỉ đạo các phòng ban hữu trách không làm thủ tục chuyển nhượng cho ngôi nhà này.
“Tuy nhiên, người dân làm hợp đồng chuyển nhượng ở văn phòng công chứng bên ngoài thì chúng tôi đành chịu” – ông Ngọ bình luận.
Cần phải nói thêm, trong thời gian đầu xảy ra tình trạng nhà lún nghiêng nhanh chóng, khi làm việc ở phường, chủ nhà đã nhờ một người khác “đóng vai” mình ra phường giải quyết, thể hiện sự thiếu nghiêm túc, thiếu cầu thị trong quá trình giải quyết sự việc.
Chính quyền chỉ “nắm kẻ trọc đầu”?
Phân tích quy trình giải quyết sự việc để thấy “cái khó” của chính quyền, ông Ngọ cho biết, theo quy định của pháp luật xây dựng và nhà ở, người dân tự chịu trách nhiệm về công trình nhà ở riêng lẻ, vì thế khi công trình xảy ra sự cố, việc đầu tiên là phải vận động chủ nhà tự khắc phục. Nếu cơ quan chức năng muốn cưỡng chế thì phải có đơn vị có tư cách pháp nhân kết luận là công trình có sự cố nguy hiểm phải phá dỡ theo quy định của pháp luật.
Quy trình giải quyết quan hệ của các hộ gia đình liên quan đến công trình có sự cố cũng được phường thực hiện theo Quyết định 55/2009/QĐ-UB, tức là trước tiên vận động các gia đình tự thỏa thuận. Nếu các gia đình không tự thỏa thuận được thì đưa vụ việc ra tòa và thực hiện theo trình tự của Tòa án.
Ông Ngọ thừa nhận rằng, sự việc kéo dài hơn 1 năm là “tương đối lâu” do muốn người dân thỏa thuận được với nhau. Nhưng, như chúng tôi đã phản ánh, do công trình 28 Đại Đồng nghiêng hẳn qua lối đi tì vào ban công nhà số 36 gây nứt vỡ bạn công, tạo lực ép lên nhà 36 Đại Đồng, kéo theo các nhà sát vách số nhà 28 bị nứt vỡ, nên việc tự thỏa thuận không thực hiện được, dù rằng phường “cố” tổ chức vài cuộc gặp.
Đến nay, dù công ty xử lý lún nghiêng kết luận rằng nhà không nghiêng nữa, nhưng bằng cảm quan, chúng tôi nhận thấy các vết rạn nứt ở những nhà liên quan ngày càng lớn hơn, độ nghiêng nền nhà và ép cửa nghiêm trọng hơn, cho thấy cần phải có sự giám định lại độ nghiêng lún của công trình.
Theo lý giải của đại diện quận Đống Đa, thì cơ quan chức năng chỉ cấp phép trên hồ sơ, và việc đảm bảo người dân có thực hiện đúng giấy phép hay không thì chưa có một cơ chế giám sát cụ thể. Chỉ khi nào công trình có vấn đề thì mới “có người” đến giải quyết “chuyện đã rồi”.
Quy trình giải quyết “chuyện đã rồi” đó lại phụ thuộc vào những cá nhân, đơn vị khác “không phải chính quyền”, ví như thỏa thuận là việc của người dân, lâu mau phụ thuộc vào tòa án… Chỉ khi nào công trình nghiêm trọng tới mức cực kỳ nguy hiểm, có thể xâm hại đến tính mạng của người dân bất cứ lúc nào thì chính quyền mới có “thẩm quyền giải quyết”.
Chính vì thế, một người chứng kiến quá trình hơn 1 năm kéo dài sự việc đã chua chát bình luận: “Có lẽ cơ quan hữu trách đang chờ nhà sập để có cơ hội “ra tay” khẩn trương hơn”.
Quý Thủy