Cơ quan công an khám nghiệm hiện trường sau khi nhà báo Hoàng Hùng bị sát hại tại nhà riêng |
Báo cáo kết luận điều tra vụ án bà Liễu sát hại chồng do Cơ quan Điều tra chuyển sang VKSND tỉnh Long An chỉ có 2 trang giấy A4 (mỗi trang chỉ một mặt). Theo kết luận điều tra, bà Liễu thừa nhận chính mình ra tay sát hại chồng, không có đồng phạm. Bà Liễu khai do nhiều lần bị nhà báo Hoàng Hùng đánh nên nảy ý định giết chồng để trả thù. Tuy nhiên, qua tìm hiểu của phóng viên Báo Người Lao Động, trong vụ án này, Cơ quan Điều tra chưa làm rõ nhiều tình tiết trong lời khai của người liên quan.
Khi vụ án xảy ra, sau lúc bà Liễu khai mình đến tiệm tạp hóa trên Quốc lộ 62 để mua dây dù nhằm tạo hiện trường giả, phóng viên Báo Người Lao Động đã đến tiệm tạp hóa này để xác minh. Chị S., chủ tiệm tạp hóa, khẳng định vào thời điểm đó, chị chỉ bán dây dù cho một người đàn ông, chứ không phải phụ nữ. Chị S. giải thích chị nhớ rõ vì người mua có vẻ rất vội, lại mua sợi dây dài hơn 10 m. Chi tiết quan trọng này không được Cơ quan Điều tra làm rõ.
Sau khi bà Liễu đến cơ quan công an tự thú, phóng viên Báo Người Lao Động phát hiện con bà Liễu đã từng chuyển nhiều thư do bà Liễu viết gửi cho người đàn ông tên Tâm (sau này được làm rõ là ông Nguyễn Văn Tâm, lúc đó là chi ủy viên chi bộ 3, đội trưởng Đội QLTT số 5 Chi cục QLTT Long An). Nội dung những lá thư này là bàn cách để đối phó Cơ quan Điều tra về vụ án sát hại nhà báo Hoàng Hùng. Những lá thư này đã được phóng viên Báo Người Lao Động chuyển cho ban chuyên án.
Sau đó, điều tra viên đã mời con bà Liễu đến đối chứng với chị của ông Tâm là bà Nhiệm vì con bà Liễu khai rằng mình đã chuyển thư cho bà này. Tại cơ quan công an, con bà Liễu khẳng định: “Những lá thư này do mẹ mình (bà Liễu-PV) viết gửi cho ông Tâm sau khi từ Cơ quan Điều tra trở về”. Tuy nhiên, những tình tiết này cũng không được Cơ quan Điều tra làm rõ.
Sau đó, ông Tâm khẳng định với phóng viên Báo Người Lao Động: “Sau khi nhà báo Hoàng Hùng bị sát hại, tôi và bà Liễu không có liên hệ với nhau và không có quan hệ tình ái”. Tuy nhiên, đến khi Đảng ủy khối các cơ quan tỉnh vào cuộc và yêu cầu công an tỉnh cung cấp thông tin sai phạm của ông Tâm, đại tá Phan Chí Thanh, Giám đốc Công an tỉnh Long An, mới có văn bản trả lời: “Sau khi nhà báo Hoàng Hùng bị đốt, ông Tâm thường xuyên liên lạc điện thoại với bà Trần Thúy Liễu, đến nhà bà Liễu hai lần để động viên và hướng dẫn bà Liễu cách trình bày đối phó với Cơ quan Cảnh sát Điều tra.
Kêu bà Liễu cứ an tâm giữ gìn sức khỏe, đừng sợ, công an muốn bắt phải có chứng cứ, nếu không phải bồi thường” (trích nguyên văn – PV). Ngoài ra, giám đốc Công an tỉnh Long An còn trả lời với Đảng ủy khối là ông Tâm nhiều lần đến nhà bà Liễu và đi thuê nhà nghỉ để quan hệ tình dục, nhiều lần sang Campuchia đánh bạc...
Phải chăng đây cũng là một tình tiết bị cố tình bỏ qua?
Sẽ là che giấu tội phạm Theo luật sư Trịnh Thanh (Đoàn Luật sư TPHCM), nếu chứng minh được có sự bàn bạc về cách thức, hành vi, hành động…, tức là đồng ý chí thực hiện tội phạm trước khi xảy ra vụ án, sẽ được xem là đồng phạm. Trường hợp sau khi vụ án xảy ra, giữa ông Tâm và bà Liễu có trực tiếp trao đổi hoặc qua điện thoại về việc khai báo như thế nào thì có thể ông Tâm sẽ phạm vào tội che giấu tội phạm hoặc không tố giác tội phạm. |
Theo Người Lao động