Ngày mai (24/8), TAND TP Hà Nội sẽ đưa 3 bị cáo nguyên là cán bộ xã Yên Bài và cán bộ huyện Ba Vì (Hà Nội) ra xét xử phúc thẩm về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Chia sẻ về vụ án, luật sư Trần Văn Bình (Đoàn luật sư TP Hà Nội) – người bảo vệ cho bà Bùi Thúy Nga (SN 1956, cựu Phó phòng TNMT kiêm GĐ VPĐKDĐ huyện Ba Vì) cho biết bản án của TAND huyện Ba Vì nhận định bà Nga vụ lợi trong việc tham mưu cho Chủ tịch UBND huyện Ba Vì cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 25 hộ gia đình theo 2 quyết định 145 và 355 của UBND huyện Ba Vì là không khách quan, suy diễn.
Luật sư khẳng định tất cả lời khai của những hộ dân được cấp GCNQSDĐ 2 quyết định trên của UBND huyện Ba Vì đều khẳng định không biết bà Nga là ai, không trực tiếp giao dịch, chuyển nhượng đất với bà Nga. Những người này khẳng định họ không mất tiền chi phí cho bà Nga để được cấp GCNQSDĐ. Tất cả 25 giấy CNQSDĐ cấp lần đầu không có bất kỳ GCNQSDĐ nào đứng tên bà Nga và người nhà bà Nga.
“Cáo trạng của VKSND cũng như bản án của TAND huyện Ba Vì kết luận việc ông Bùi Đào Khải (em trai bà Nga) và bà Nguyễn Thị Lan (người thân của bà Nga) mua, nhận chuyển nhượng 12 thửa đất tại Chằm Ủn, Đồi Cờ của 12 hộ dân được cấp GCNQSDĐ ban đầu theo Quyết định 145 và 355 của UBND huyện Ba Vì là thể hiện sự vụ lợi của bà Nga. Kết luận này là suy diễn, không logic và trái với nguyên tắc suy đoán vô tội theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015”, luật sư Bình nói.
Tiếp lời, luật sư Bình phân tích mặc dù ông Khải và bà Lan là những người thân của bà Nga nhưng việc ông Khải, bà Lan đầu tư tiền mua đất khu này là đầu tư riêng bằng tiền của họ, không liên quan gì đến bà Nga. Ông Khải là người đứng ra giao dịch với ông Phùng Văn Hải (ở Sơn Tây, Hà Nội, hiện đã chết) để mua những thửa đất đã có GCNQSDĐ chứ không phải mua của các hộ dân khi chưa được cấp GCNQSDĐ… Như vậy, bản án của TAND huyện Ba Vì chỉ căn cứ vào GCNQSDĐ được chuyển nhượng sang tên ông Khải, bà Lan là những người thân của bà Nga để kết tội bà Nga vụ lợi là suy diễn vô căn cứ, không có tính logic.
Ngoài ra, việc bản án sơ thẩm căn cứ vào lời khai của bị cáo Giúp, Kiên để buộc tội bà Nga, luật sư cho rằng phiến diện, không có cơ sở. “Trong hồ sơ vụ án, không có một bút tích (chứng cứ) bằng văn bản nào xác định bà Nga chỉ đạo hay nhờ bị cáo Kiên, Giúp ký giấy tờ, hồ sơ để xin cấp GCNQSDĐ đối với 25 bộ hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nêu trên”, luật sư Bình nói và cho biết lời khai của Kiên và bị cáo Giúp tại cơ quan điều tra, tại phiên tòa sơ thẩm rất mâu thuẫn, bất nhất.
Lúc đầu Kiên khai 7 hồ sơ do bà Nga đem tới, 4 hồ sơ do Huân đem đến nhờ ký, 9 hồ sơ do Hải đem tới nhờ ký sau lại thay đổi lời khai, nói rằng những hồ sơ bà Nga đưa ký gồm 14 bộ hồ sơ và cuối cùng là 15 bộ hồ sơ (trong đó có 14 hồ sơ là chắc chắn, còn 1 bộ hồ sơ là không nhớ chính xác). Nếu lời khai của Kiên là đúng thì mâu thuẫn với lời khai của bị cáo Giúp. Trong vụ án này, nhiều lời khai mâu thuẫn chưa được làm rõ, các cơ quan tố tụng huyện Ba Vì cũng chưa tổ chức đối chất giữa Phan Văn Tấn, Nguyễn Văn Chính với Kiên, Giúp để làm rõ những mâu thuẫn. Điều này không đảm bảo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015. Đây là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.