Mạng lưới Hành động Khí hậu, tập hợp nhiều tổ chức phi chính phủ vì khí hậu trên khắp châu Âu, ủng hộ vụ kiện này, cho biết đây là lần đầu tiên các nạn nhân kiện Liên hiệp châu Âu.
Nữ luật sư Roda Verheyen giải thích hầu hết nguyên đơn là các gia đình sống tại các khu vực dễ bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, như gần bờ biển, có rừng, sống trên núi hay trong các xứ sở băng giá.
Cụ thể là một nguyên đơn người Pháp, ông Maurice Feschet, 72 tuổi (ở tỉnh Drome, miền tây nam), cho biết khô hạn tăng cao và tiết băng giá đến muộn hơn khiến cho thu hoạch cây oải hương của trang trại ông giảm rất mạnh (khoảng 40% sản lượng), đặc biệt từ 15 năm trở lại đây.
Hay ông Armando Carvalho ở Bồ Đào Nha khiếu kiện vì rừng của ông ở miền trung bị cháy trong mùa hè khô hạn năm vừa qua. Các gia đình thổ dân người Sami Thụy Điển kiện vì thời tiết thất thường gây khó khăn cho việc nuôi tuần lộc. Trong số nguyên đơn, có các công dân ở Kenya (châu Phi) hay đảo Fiji (Thái Bình Dương).
Các vụ kiện liên quan môi trường ngày càng được nhiều người ủng hộ |
Trước đó, thỏa thuận về Khí hậu 2015, dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp quốc, nhấn mạnh đến khái niệm “công lý khí hậu”. Kể từ đó, việc khiếu kiện khí hậu tăng vọt. Theo một Viện nghiên cứu về khí hậu ở Luân Đôn (Grantham Research Institute on Climate Change), hiện tại trên thế giới có khoảng 1500 đạo luật liên quan đến việc Trái đất bị hâm nóng, tăng gấp 20 lần so với năm 1997.
Trước vụ kiện Liên hiệp châu Âu nói trên, còn có ba vụ nạn nhân khí hậu kiện các chính quyền Hà Lan, Đức, Mỹ và vụ kiện chống lại 47 tập đoàn đa quốc gia, bị coi là thủ phạm của tình trạng bão tố gia tăng ở Philippines. Vụ án hiện đang được thụ lý.
Vụ kiện trên đây của những người tự coi là nạn nhân của biến đổi khí hậu do khí thải gây hiệu ứng nhà kính diễn ra chỉ ít ngày, trước khi một kết quả điều tra về tình trạng khí thải của G20 ( khối 20 nước công nghiệp phát triển nhất thế giới, chiếm 80% tiêu thụ năng lượng toàn cầu) được công bố. Kết quả gây lo ngại lớn.
Sau ba năm gần như không tăng, thậm chí có giảm, kể từ 2016 và đặc biệt là 2017, cùng với tỉ lệ tăng trưởng kinh tế tăng mạnh, khí thải gây hiệu ứng nhà kính cũng bắt đầu “ngóc đầu lên” mạnh trở lại. Mục tiêu của thượng đỉnh khí hậu COP21, giữ nhiệt độ Trái đất tăng không quá 2°C, vốn đã hết sức mong manh, nay với đà này trở nên gần như vô vọng.
Kinh tế tăng trưởng mạnh, cùng với việc năng lượng tái tạo chưa phát triển tương ứng, là nguồn gốc chính của tình hình. Trong lúc Trung Quốc có xu hướng giảm khí thải, do tăng trưởng không còn mạnh như trước, Ấn Độ và một số quốc gia trong khu vực đang nổi lên như một đầu máy mới của tăng trưởng toàn cầu.