Mới đây, anh Hải đã được Công an quận Hà Đông giới thiệu đi giám định mức độ tổn hại sức khỏe.
Cảnh sát trật tự lập “chốt” đúng hay sai?
Như PLVN đã từng thông tin, ông Dương Văn Hiền (62 tuổi, thương binh, bố của anh Hải) đã có đơn thư đến nhiều cơ quan cho biết, vào sáng 12/9/2017, anh Dương Đức Hải (con ông Hiền) điều khiển xe máy (không đội mũ bảo hiểm) đi đến đoạn đường trước số nhà 72 Nguyễn Viết Xuân (quận Hà Đông) thì bất ngờ bị Thượng úy Tạ Song Toàn (Đội Cảnh sát GT-TT&CĐ Công an quận Hà Đông) chạy ra, giơ gậy chắn trước mặt.
Quá bất ngờ, anh Hải vội đánh lái sang bên để tránh va chạm thì bị anh Toàn cầm gậy vụt vào vai. Ngay sau đó, anh Hải đã ngã ra đường, bị choáng và bất động. Ngoài một vết bầm tím ở vai phải, anh Hải còn bị chấn thương “gẫy 1/3 giữa xương đòn phải” . Với thương tích này, anh Hải đã phải mổ cấp cứu để các bác sỹ Bệnh viện Đa khoa Hà Đông định vị xương đòn bằng đinh vít (ít nhất 1 năm nữa, khi vết thương tạm ổn mới mổ lại để lấy đinh vít ra).
Theo ông Hiền, con trai ông không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông là sai. Tuy nhiên, việc kiểm tra, xử lý của lực lượng công an cũng cần phải đúng quy trình và đảm bảo an toàn chứ không thể tùy tiện lao ra chặn bắt hay dùng gậy vụt người vi phạm giao thông. Đặc biệt, camera của nhà dân gần đó cho thấy, Tổ Cảnh sát GT-TT&CĐ Công an quận Hà Đông đã tiến hành lập “chốt” để chặn, bắt các xe vi phạm giao thông mà không có sự tham gia của Cảnh sát giao thông (CSGT).
Trước sự việc trên, một số luật sư cho biết, Điều 8, Nghị định số 27/2010/NĐ-CP (ngày 24/3/2010) nêu rõ, các lực lượng Cảnh sát khác và Công an xã tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ mà không có CSGT đường bộ đi cùng thì phải thực hiện việc tuần tra, kiểm soát theo Kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và phải thường xuyên thông báo cho lực lượng CSGT đường bộ về việc tuần tra, kiểm soát của mình, nếu phát hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thì được xử phạt vi phạm hành chính những hành vi thuộc quyền xử phạt của mình theo quy định của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Trong trường hợp vượt quá thẩm quyền xử phạt của mình thì phải lập biên bản vi phạm hành chính, báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết.
Ngoài ra, Điều 3 Nghị định trên cũng quy định rõ: “Mọi hoạt động trong khi tham gia, phối hợp tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ phải thực hiện theo quy định của Nghị định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan...”. Và quan trọng hơn, dù là lực lượng công an nào thì khi thực hiện dừng xe, cán bộ, chiến sỹ đều phải đảm bảo an toàn, đúng quy định. Tức là phải có tín hiệu (gậy, còi) đúng quy định, có khoảng cách dừng xe an toàn…
Đối chiếu nội dung trên, gia đình anh Hải cho rằng, Tổ Cảnh sát GT-TT&CĐ Công an quận Hà Đông thực hiện kiểm soát tại một điểm trên đường giao thông (tức lập “chốt”) như trên là không đúng quy định tại Nghị định 27 nêu trên. Đây là nguyên nhân đầu tiên dẫn đến vụ việc khiến anh Hải “gãy 1/3 giữa xương đòn phải”.
Dấu vết nghi bị đánh chưa được làm rõ
Khi trao đổi với phóng viên, ông Phạm Văn Đạt và ông Phan Hồ Quân (Đội trưởng và Đội phó Đội Điều tra Tổng hợp Công an quận Hà Đông) cho biết, theo tường trình của Tổ Cảnh sát GT-TT&CĐ thì ngày hôm đó, Tổ công tác gồm có cả công an phường, Thanh tra giao thông, bảo vệ dân phố. Việc xử lý bao gồm cả vi phạm về lấn chiếm lòng đường vỉa hè và vi phạm giao thông.
Tuy nhiên, theo hình ảnh camera ghi lại (mà gia đình anh Hải đã thu thập được) thì không thấy có màu áo của Thanh tra giao thông, lẫn bảo vệ dân phố. Khi anh Hải chạy xe máy qua nhóm cảnh sát phía trước thì không hề có ai ra tín hiệu dừng xe đối với anh này.
Còn gia đình anh Hải thì khẳng định, dù có kết hợp tuần tra, kiểm soát an toàn giao thông lẫn tiến hành xử lý vi phạm về lấn chiếm lề đường vỉa hè thì việc Tổ Cảnh sát GT-TT&CĐ Công an quận Hà Đông thực hiện dừng xe tại một điểm cố định trên đường như trên là sai quy trình.
Theo anh Hải thì mới đây, anh đã được Công an quận Hà Đông đưa đi giám định thương tích tại Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an. Lúc đó, anh đã đề nghị được giám định cả về cơ chế hình thành thương tích, nhất là cơ chế hình thành vết bầm tím ở vai phải (thể hiện trong hồ sơ bệnh án và ảnh chụp ngay sau khi xảy ra vụ việc) nhưng giám định viên trả lời “chúng tôi chỉ giám định những nội dung theo yêu cầu của Công an quận Hà Đông”. Trong khi đó, ông Dương Văn Hiền thì khẳng định, bằng mắt thường cũng có thể thấy vết bầm tím này là do vật có dạng tròn, dài tác động mạnh từ trên xuống.
Chính vì vậy, đến nay, gia đình anh Hải vẫn tiếp tục đề nghị được thực hiện giám định về cơ chế hình thành thương tích để làm rõ vết bầm tím ở vai phải của anh có phải do chiếc dùi cui cao su gây nên hay không?