Làm đơn gửi đến một số cơ quan, ông Dương Văn Hiền (62 tuổi, thương binh, trú tại xã Thống Nhất, huyện Thường Tín, Hà Nội) cho rằng con trai ông là anh Dương Đức Hải (SN 1980, trú tại phường Quang Trung, quận Hà Đông) đã bị cán bộ Công an quận Hà Đông gây thương tích “gẫy xương đòn” vào sáng 12/9/2017.
Theo ông Hiền thì thời điểm đó, anh Dương Đức Hải điều khiển xe máy (không đội mũ bảo hiểm) đi đến đoạn đường trước số nhà 72 Nguyễn Viết Xuân thì bất ngờ bị một cảnh sát mặc áo xanh (sau này được biết là Thượng úy T, thuộc Đội Cảnh sát GT-TT&CĐ Công an quận Hà Đông) chạy ra, giơ gậy chắn trước mặt. Quá bất ngờ, anh Hải vội đánh lái sang bên để tránh va chạm thì bị người cảnh sát này cầm gậy vụt vào vai. Ngay sau đó, anh Hải đã bị ngã ra đường, bị choáng và bất động.
Sau khi tỉnh dậy, anh Hải thấy vai phải đau buốt nên đề nghị được đưa đi cấp cứu. Tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, các bác sỹ kết luận anh Hải bị “gẫy 1/3 giữa xương đòn phải” và có một vết bầm tím ở vai phải (gia đình đã chụp ảnh lại dấu vết này). Thương tích này khiến anh Hải phải mổ cấp cứu để các bác sỹ định vị xương đòn bằng đinh vít (ít nhất 1 năm nữa, khi vết thương tạm ổn mới mổ lại để lấy đinh vít ra).
Cho rằng việc anh Hải bị thương tích như trên là do lỗi của công an, gia đình ông Hiền đã có ý kiến đề nghị làm rõ trách nhiệm của những người có liên quan. Tuy nhiên, sau nhiều tuần xảy ra vụ việc, anh Hải vẫn không hề nhận được lời thăm hỏi hay xin lỗi nào từ phía anh T hoặc Công an quận Hà Đông. Đáng nói hơn, do làm nghề lái xe tuyến BRT Hà Nội nên anh Hải chắc chắn sẽ phải nghỉ việc cả năm trời để hồi phục chấn thương.
Theo ông Hiền, con trai không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông là sai. Tuy nhiên, việc kiểm tra, xử lý của lực lượng công an cũng cần phải đúng quy trình chứ không thể tùy tiện lao ra chặn bắt hay dùng gậy vụt người vi phạm giao thông.
Thông tin cụ thể hơn, anh Hải cho biết, khi lưu thông qua đoạn đường trên, tôi có thấy nhiều cảnh sát đứng trên vỉa hè. Nhưng do không thấy những người này có tín hiệu gì nên tôi vẫn lưu thông bình thường. Khi đã đi qua nhóm cảnh sát thứ nhất được 1 đoạn ngắn thì tôi bất ngờ bị Thượng úy T cầm gậy lao ra chặn ngang trước mặt khiến cả người cả ông và xe ngã ra đường. Khi thấy tôi kêu đau vai, một số cảnh sát còn không đồng ý cho tôi đi cấp cứu mà yêu cầu phải về phường làm việc. Chỉ đến khi có ý kiến phản đối của người thân và nhiều người đi đường thì tôi mới được đưa vào viện cấp cứu. Tuy đã được lắp vít định vị ở xương vai nhưng mỗi khi trái gió trở trời, vết thương vẫn đau ê ẩm. Không biết khả năng hồi phục như thế nào và tôi có tiếp tục làm nghề lái xe được hay không?
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Văn Đạt và ông Phan Hồ Quân (Đội trưởng và Đội phó Đội Điều tra Tổng hợp Công an quận Hà Đông) xác nhận, đơn vị đã được lãnh đạo công an quận giao nhiệm vụ điều tra, xác minh vụ việc. Tuy nhiên, do còn nhiều tình tiết còn đang xác minh nên Đội chưa thể cung cấp thông tin cho báo chí. Vụ việc cũng đã được Công an quận báo cáo với Công an thành phố.
Theo ông Đạt thì sau khi xảy vụ việc, Điều tra viên đã phối hợp với Kiểm sát viên VKSND quận Hà Đông xuống hiện trường lập biên bản. Trong vụ việc này, ngoài anh Hải thì Thượng úy T cũng phải vào viện điều trị do có xây sát nhẹ. Hiện, Tổ công tác của Đội GT-TT&CĐ cũng đã có tường trình.
Khi được hỏi về việc, nếu Tổ công tác này “lập chốt” chặn bắt người vi phạm giao thông thì có đúng quy định, ông Đạt cho biết, theo tường trình thì ngày hôm đó, Tổ thực hiện xử lý vi phạm giao thông theo đúng quy định. Ngoài cán bộ Đội GT-TT&CĐ thì Tổ công tác gồm có cả Công an phường, Thanh tra giao thông, bảo vệ dân phố. Việc xử lý bao gồm cả vi phạm về lấn chiếm lòng đường vỉa hè và vi phạm giao thông.
Tuy nhiên, không giống như nội dung tường trình trên, hình ảnh camera của một hộ dân gần hiện trường (mà gia đình anh Hải đã thu thập được) lại cho thấy, Tổ công tác có dấu hiệu “lập chốt” để xử lý người tham gia giao thông chứ thời điểm đó không xử lý lấn chiếm vỉa hè. Hơn nữa, trong Tổ công tác này không có màu áo của Thanh tra giao thông, lẫn bảo vệ dân phố. Và quan trọng hơn, khi anh Hải chạy xe máy qua nhóm cảnh sát phía trước thì không hề có ai ra tín hiệu dừng xe đối với anh này.
Những hình ảnh trên cho thấy quy trình tuần tra, xử lý và ra tín hiệu dừng xe đối với người tham gia giao thông đang “có vấn đề”?.
Được biết, anh Hải đã được Đội Điều tra Tổng hợp Công an quận Hà Đông giới thiệu đi giám định thương tích tại Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) và đang chờ đơn vị này “xếp lịch”. Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.