Tại ngày đầu tiên (15/12) của phiên sơ thẩm, lời khai của các nhân chứng theo hướng bất lợi cho bị cáo lại rất “có vấn đề”. Bởi vậy, hơn 30 người dân đã có đơn gửi Hội đồng xét xử và các cơ quan chức năng kêu oan cho các bị cáo…
Hơn 30 người dân đã có đơn gửi Hội đồng xét xử và các cơ quan chức năng kêu oan cho các bị cáo… |
Trong bài “Mê Linh - Hà Nội: Một vụ án có nhiều dấu hiệu bất thường” ra ngày 30/9/2010, Báo PLVN đã phân tích việc buộc tội các bị cáo thể hiện nhiều khiên cưỡng với những chứng cứ thiếu tin cậy, kể cả bản kết luận giám định thương tích cũng không rõ thương tích giám định có phải được gây ra từ vụ xô xát này hay không (?)
Sự phức tạp của vụ án từ việc buộc tội bằng những chứng cứ thiếu thuyết phục đã thể hiện rõ trong những ngày diễn ra phiên tòa sơ thẩm. Một vụ án không lớn, nhưng trải qua 2 ngày xét xử liên tục (15 và 16/12/2010) vẫn chưa xong phần xét hỏi. Hội đồng xét xử đã phải cho tạm nghỉ 3 ngày liền và tuyên bố ngày 20/12 (thứ hai) tới xử tiếp.
Phiên tòa mặc dù không có sự xuất hiện đầy đủ của các nhân chứng quan trọng, nhưng những lời khai của nhân chứng theo hướng bất lợi cho bị cáo thì đều “có vấn đề”. Nhân chứng Lê Thị Lợi và Nguyễn Thị Giáp thừa nhận mình đã khai không đúng sự thật do phía bị hại nhờ vả.“Thật ra tôi không có mặt khi xảy ra xô xát. Chị Sáng (vợ bị hại Hoàng Văn Dũng) nhiều lần nhờ tôi làm chứng việc anh Chanh, anh Hải cầm gạch đánh anh Dũng, còn gợi ý tôi khai như thế nào với cơ quan công an…”- nhân chứng Lợi nói.
Còn lợi khai của nhân chứng Hoàng Thị Xô cũng cho thấy sự bất thường. Khi Tòa hỏi: “Bà nhìn thấy ai cầm gạch đánh ông Dũng?”. “Anh Chanh” – bà Xô đáp. “Ai nữa?”, “anh Hải”. “Còn có ai cầm gạch đánh ông Dũng nữa?” – Thẩm phán Trần Minh Đăng hỏi tiếp. “Anh Quyến” - Câu trả lời của nhân chứng Hoàng Thị Xô khiến chủ tọa ngớ người, còn hàng trăm người dự khán thì cười ồ lên, vì hồ sơ vụ án và ngay cả lợi khai của bị hại cũng cho thấy là ông Hồ Văn Quyến đứng ở xa, không tham gia xô xát.
Trong bản kiến nghi của người dân xã Tiến Thịnh, thể hiện: “Việc Hoàng Văn Dũng bị thương là do ngã trong quá trình xô xát, chứ không phải nguyên nhân do Hồ Văn Chanh và Hồ Văn Hải đập gạch. Chúng tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản kiến nghị này”. |
Luống cuống, vị nhân chứng này quay sang “tố” luật sư Lâm Vương Sơn (luật sư bào chữa của bị cáo) đã gặp gỡ đe dọa mình, khiến luật sư Sơn phải đứng bật dậy yêu cầu nhân chứng nói đúng sự thật và cho biết cuộc gặp đó ông có ghi âm lại toàn bộ và còn có cả đại diện chính quyền xã và công an xã chứng kiến.
Sự bất bình thường của các nhân chứng trên càng cho thấy sự yếu kém về chứng lý buộc tội trong hồ sơ vụ án. Mặt khác, như Pháp luật Việt Nam đã phản ánh, vấn đề then chốt nhất là kết quả giám định thương tích cũng “có vấn đề”: Thương tích chỉ được giám định sau 5 tháng từ ngày xảy ra xô xát, trong khi không có biên bản xác định dấu vết thân thể ngay sau khi xô xát, dẫn đến không biết thương tích theo kết quả giám định là do vụ xô xát này hay sự cố nào gây ra (?). Ngay tại phiên tòa, bị hại Hoàng Văn Dũng cũng cho biết mình là thương binh.
Vậy thương tật do thương binh ở phần nào của cơ thể, có thuộc phạm vi giám định lần này hay không…? Điều đó cũng không được làm rõ. Tương tự, những mẩu gạch được coi là hung khí cũng không được giám định để xem đây có phải là vật gây thương tích cho bị hại hay không, ai là người gây thương tích,…?
Trong 2 ngày xét xử vừa qua, có hàng trăm người dân xã Tiến Thịnh bỏ công việc đến dự cả ngày tại tòa. Nhiều người cho biết, họ chứng kiến sự việc nhưng lại không được lấy lời khai. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về diễn biến vụ án này/.
Tuấn Đinh