Cuộc tập trận mà Đại tướng, Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga Nicolai Makarov đánh giá là lớn nhất kể từ khi Liên Xô sụp đổ đến nay, đã kết thúc vào ngày 08/7 vừa qua.
Vostok-2010 - cuộc tập trận lớn nhất trong 20 năm trở lại đây |
Kết quả chính thức của cuộc tập trận sẽ do Bộ Quốc phòng tổng kết, tuy nhiên, cũng có thể đưa ra một vài kết luận ban đầu về cuộc tập trận lớn này.Vostok-2010 đã trở thành cuộc tập trận lớn nhất trong lịch sử của nước Nga thời hiện đại. Cuộc diễn tập trải dài từ vùng Altai đến Vladivostok, diễn ra trên mặt đất, trên biển với sự tham gia của 20.000 binh lính, 75 phương tiện bay, 40 tàu chiến và tàu hỗ trợ.
Bên cạnh việc phô trương sức mạnh quân sự trên bộ, trên không và nhất là trên biển, cuộc tập trận là dịp để các nhà cải cách quân sự Nga thấy được những điểm mạnh, điểm yếu, những lỗ hổng trong quá trình cải tổ quân đội, chuyển cơ cấu quân sự Nga sang diện mạo mới.
Có những điểm mạnh…
Với kế hoạch tập trận như trên, quân đội Nga chắc chắn đang muốn luyện tập, kiểm tra tính cơ động, khả năng triển khai quân tới các khu vực xa xôi, cũng như đánh giá thành quả của cuộc cải tổ quân đội thời gian qua.
Sau những tổn thất lớn trong cuộc xung đột với Gruzia, Nga nỗ lực tinh giản quân số từ 1,13 triệu người xuống còn một triệu người, cơ cấu lại quân đội từ bốn cấp độ thành ba cấp độ: quân khu, quân đoàn và lữ đoàn... Mục đích cuối cùng là nâng cao khả năng đối phó linh hoạt với những mối nguy hiểm nhằm vào an ninh quốc gia.
Nói cách khác, Vostok-2010 giúp Nga tập luyện, nâng cao tính sẵn sàng chiến đấu tại châu Á – Thái Bình Dương, khu vực bất ổn, đang tồn đọng nhiều "điểm nóng" chưa được giải quyết như chương trình hạt nhân của Triều Tiên, các cuộc tranh chấp về lãnh thổ giữa Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc...
Chuyên gia đến từ Việc phân tích chiến lược và công nghệ ga Konstantin Makyenko bày tỏ quan điểm của mình về cuộc tập trận Vostok-2010 rằng: “Cuộc tập trận vừa qua đã hoàn toàn bác bỏ những câu chuyện thêu dệt phổ biến trong thời gian qua rằng các hoạt động của lãnh đạo Bộ Quốc phòng hiện nay dẫn đến sự “tiêu diệt quân đội”. Rõ ràng, quân đội vẫn đầy sức sống và đang phát triển. Các đơn vị tham gia tập trận đã phô trương khả năng chiến đấu của mình bất chấp việc họ không phải là những đơn vị thuộc quân khu tốt nhất và không phải được trang bị hoàn toàn bằng trang thiết bị kỹ thuật tối tân nhất”.
Về thành tựu và mục đích đã tuyên bố của cuộc cải cách quân đội có thể nói rằng: ý chí của lãnh đạo quân sự là bộ phận cấu thành chủ yếu. Ở đó, lãnh đạo cấp cao quân đội Nga hiểu rõ mục tiêu và quyền hạn của mình. Vấn đề còn lại chỉ là cần có thời gian để thực hiện ý tưởng. Nhìn chung, cải cách quân sự là sự kiện có ý nghĩa chính của lịch sử nước Nga trong 10 năm trở lại đây – sau khi trấn áp cuộc nổi loạn tại Bắc Kavkaz. Trong lĩnh vực quân sự, cải cách Serdyukov – Makarov là cuộc cải cách căn bản và sâu rộng nhất từ thời cải cách Mikhail Frunze vào những năm 20 của thế kỷ trước.
Một yếu tố tích cực nữa là lãnh đạo Nga thường xuyên tìm tòi và sẵn sàng điều chỉnh các bước thực hiện chưa đúng hoặc không thực hiện được trong những điều kiện kinh tế chính trị cụ thể.
…nhưng không ít điểm yếu
Theo Nhật báo Kommersant đăng ngày 05/7, trong quá trình tập trận, việc thiếu sĩ quan và nhân viên hậu cần trong các lữ đoàn cơ giới hoá đã lộ rõ. Vì thiếu nhân lực nên một phần lực lượng của lữ đoàn đã không thể tới thao trường - nơi diễn ra các cuộc bắn đạn thật.
Trong bài báo đăng trên hãng tin RIA Novosti mang tên: "Vostok – 2010: Những vấn đề của Không quân Nga", bình luận viên quân sự Ylia Kramnik cho rằng, Không quân Nga vẫn còn thiếu máy bay tiếp dầu trên không cho dù họ có phi đội vận tải quân sự hàng đầu thế giới.
Theo bình luận viên này, loại máy bay tiếp dầu duy nhất trang bị cho Không quân Nga hiện nay vẫn chỉ là máy bay tiếp dầu Il-78 (78M) được chế tạo dựa trên dòng máy bay vận tải quân sự Il-76. Không quân Nga sở hữu 19 máy bay loại này để tiếp dầu trên không cho máy bay ném bom chiến lược Tu-160 và Tu-95 cũng như các máy bay kiểm soát, cảnh báo sớm trên không A-50. Số máy bay này chắc chắn không đủ để tiếp nhiên liệu cho toàn bộ số máy bay của Không quân Nga.
Trong khi đó, chỉ tính riêng Không quân Mỹ đã sở hữu tới 250 máy bay tiếp dầu loại KC-10 và KC-135, chưa kể những máy bay dự trữ và có trong lực lượng an ninh quốc gia. Điều này cho phép Mỹ triển khai nhanh chóng lực lượng lớn của Không quân từ vùng chiến sự này sang vùng chiến sự khác.
Nga không chỉ thiếu máy bay tiếp nhiên liệu trên không mà còn thiếu cả máy bay có khả năng tiếp nhận nhiên liệu trên không. Ví dụ, hai loại máy bay chiến đấu đa năng là Su-27 Flanker và MiG-29 Fulcrum không được trang bị thiết bị tiếp nhận nhiên liệu trên không, nguyên nhân chủ yếu là vì trong thời đại của Liên Xô có đủ sân bay quân sự với số lượng lớn máy bay tại tất cả các địa điểm chiến lược.
Giám đốc Trung tâm dự báo chính trị quân sự thuộc Viện Phân tích chính trị và Quân sự Nga Anatoly Tsyganok cho rằng, cuộc tập trận này mang tính phô trương sức mạnh. Theo ông, những đơn vị tham gia tập trận trong các lữ đoàn được trang bị vũ khí mới, nhưng ông khẳng định, chỉ có quân khu Bắc Kavkaz và Viễn Đông là có vũ khí mới trong khi những quân khu còn lại thì không. Cuộc tập trận này chỉ ra rằng quân đội Nga đang trên con đường đổi mới. Nhưng trong 3 năm tới, quân đội Nga sẽ được trang bị vũ khí mới như thế nào? Bộ trưởng Quốc phòng nói rằng phần lớn vũ khí sẽ được cung cấp vào năm 2020. Chúng ta đã trải qua 3-4 lần hiện đại hoá quân đội nhưng không thu được kết quả gì.
Theo Huy Linh
Mekongnet.ru