Vụ kẹt xe kinh hoàng
Cầu George Washington nối bang New Jersey với New York của Mỹ là một trong những cây cầu có lưu lượng phương tiện qua lại đông đúc nhất thế giới. Với 2 tầng, tổng cộng 29 làn đường, trong đó 3 làn trong cùng phía nam ở tầng trên của cây cầu được dành riêng để phục vụ cho việc di chuyển từ thành phố Fort Lee tới các khu vực lân cận.
Tuy nhiên, ngay trước giờ cao điểm ngày thứ 2, 9/9/2013, ngày đầu tiên của năm học mới của các học sinh ở Mỹ, 2 trong số 3 lối vào dành riêng cho việc di chuyển từ Fort Lee tới Manhattan, New York, đột ngột đóng cửa, không cho người dân địa phương sử dụng.
Việc đóng cửa này, theo thông báo của giới chức bang New Jersey là để phục vụ cho một cuộc nghiên cứu về giao thông trên cầu. Trong thời gian 2 làn đường bị đóng cửa, toàn bộ các phương tiện được hướng dẫn di chuyển trong làn còn lại.
Việc đóng cửa diễn ra bất ngờ và không hề được báo trước cho chính quyền thành phố Fort Lee khiến họ trở tay không kịp, cùng với đó là tình trạng tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng trong suốt nhiều ngày liền. Những chiếc xe chở học sinh, xe cảnh sát và cả xe cấp cứu xếp hàng dài vì tắc đường trong suốt nhiều giờ ở xung quanh trạm thu phí.
Theo cơ quan cấp cứu Fort Lee, các nhân viên y tế được điều tới sơ cứu cho một bệnh nhân bị đau tim sau khi “chôn chân” hơn 1 tiếng đồng hồ trên cầu đã buộc phải xuống đi bộ. Bệnh nhân trong vụ việc sau đó được báo cáo đã tử vong.
Cảnh sát cũng gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý những tin báo khẩn cấp do bị tắc đường, trong đó có việc giải quyết một vụ trẻ đi lạc.
Chỉ vài giờ sau vụ việc, giới chức thành phố Fort Lee đã gửi cảnh báo tới cơ quan quản lý cây cầu cũng như giới chức bang New Jersey, cho rằng việc đóng cửa phần lớn các làn đường như vậy sẽ đe dọa nghiêm trọng tới an ninh công cộng ở địa phương. Song, những cảnh báo của họ đã bị bỏ qua.
Phải đến ngày 13/9/2014, theo chỉ thị của Giám đốc Cơ quan cảng vụ New York Patrick Foye, toàn bộ các làn đường bị đóng cửa mới được mở lại. Trong một email gửi tới các quan chức cơ quan cảng vụ New Jersey, ông Foye cho rằng quyết định đóng các làn đường như vậy là “vội vã và không cần thận”, vi phạm chính sách và phong tục lâu đời của cơ quan cảng vụ. Ông Foye cũng cho rằng việc đóng cửa như vậy là vi phạm luật pháp liên bang cũng như luật pháp của cả 2 bang New York và Jersey.
Ngôi sao đang lên
Sau vụ đóng cửa chấn động, truyền thông Mỹ nhanh chóng vào cuộc. Ít ngày sau đó, tờ New York Times đưa ra thông tin chấn động, theo đó các email trao đổi nội bộ giữa các quan chức thuộc cấp của Thống đốc bang New Jersey Chris Christie cho thấy việc đóng cửa cầu có là cố ý và nhằm mục đích chính trị.
Tại thời điểm xảy ra vụ bê bối, Christie đang là một ngôi sao của đảng Cộng hòa. Ông này lần đầu đắc cử vị trí Thống đốc bang New Jersey vào năm 2009. Điều đáng nói, New Jersey là bang có truyền thống ủng hộ Đảng Dân chủ và Christie là đại diện đầu tiên của đảng Cộng hòa trở thành thống đốc bang trong suốt hơn một thập kỷ.
Trên cương vị mới, ông ta nhanh chóng được chú ý vì tính cách thẳng thắn, sẵn sàng tranh luận đến cùng để bảo vệ quan điểm của mình nhưng cũng rất cởi mở với người dân và báo chí. Lãnh đạo đảng Cộng hòa từng thúc giục Christie chạy đua vào ghế tổng thống tại cuộc bầu cử diễn ra vào năm 2012 nhưng ông ta từ chối với lý do chưa sẵn sàng.
Năm 2012, Christie lại một lần nữa trở thành ngôi sao vì đã thực hiện nhiều biện pháp ứng phó kịp thời với siêu bão Sandy. Năm 2013, ông ta ra tái tranh cử vào chức Thống đốc bang New Jersey.
Với màn thể hiện trong những năm trước, ông ta được dự báo sẽ dễ dàng tái đắc cử. Song, điều mà vị thống đốc này muốn không chỉ là một chiến thắng mà còn phải là một chiến thắng giòn giã để tranh thủ sự ủng hộ, làm tiền đề cho việc ông ta chính thức ra tranh cử tổng thống vào năm 2016.
Cây cầu bị tắc do hành vi trả thù chính trị của nhóm giúp việc cho ông Christie |
Mưu đồ trả thù hèn hạ
Trở lại vụ tắc đường, trước những thông tin trái chiều, giới chức bang New Jersey và Mỹ đã thành lập các ủy ban để tiến hành điều tra về vụ việc.
Kết quả điều tra sau đó cho thấy thông tin do truyền thông Mỹ đăng tải là đúng và việc đóng các làn đường nói trên do Bill Baroni – phó giám đốc điều hành cơ quan cảng vụ New Jersey và bà Bridget Anne Kelly - Chánh văn phòng của Thống đốc Christie gây ra.
Động cơ của vụ việc được xác định là để trả thù chính trị nhằm vào Thị trưởng thành phố Fort Lee Mark Sokolich – một người thuộc Đảng Dân chủ - vì ông này đã từ chối ủng hộ ông Christie tại cuộc bầu cử diễn ra vào năm 2013.
Thị trưởng Sokolich cũng lên tiếng xác nhận điều này. Theo lời ông Sokolich, từ khoảng năm 2010, bộ sậu của ông Christie đã tìm cách lôi kéo ông. Tại thời điểm đó, ông Christie đã mời ông Sokolich cùng một số thị trưởng khác tới ăn trưa tại biệt thự của ông ta ở Princeton.
Đến năm 2012, ông Sokolich và một số người họ hàng tiếp tục được thuộc cấp của ông Christie mời đi nghỉ dưỡng. Matt Mowers – giám đốc chính trị cho chiến dịch tái tranh cử của ông Christie – vào khoảng năm 2013 cũng thường xuyên gặp ông Sokolich để đề nghị ông này ủng hộ ngài thống đốc và thuyết phục những người thuộc đảng Dân chủ khác làm như vậy.
Tuy nhiên, bất chấp những động thái vận động tích cực từ nhóm giúp việc và cả bản thân ông Christie, ông Sokolich sau cùng lại quyết định ủng hộ bà Barbara Buono – đối thủ của ông Christie tại cuộc bầu cử thống đốc năm 2013.
Chính vì lý do này, Baroni và Kelly đã cố tình đóng cửa 2 làn xe ở Fort Lee vì biết rằng động thái này sẽ gây tổn hại tới ông Sokolich. Cụ thể là nhằm kích động sự tức giận của người dân đối với ông Sokolich cũng như kế hoạch tái phát triển khu vực xung quanh cây cầu có tổng giá trị thực hiện lên đến 1 tỉ USD mà ông đang vận động.
Ngày 1/1/2014, Thị trưởng thành phố Jersey Steven Fulop cho biết ông cũng là một mục tiêu trong chiến dịch trả thù của đội ngũ giúp việc của ông Christie vì từ chối ủng hộ ông này tại cuộc bầu cử năm 2013.
Tan mộng tổng thống
Hồi tháng 1/2017 vừa qua, Baroni đã bị kết án 24 tháng tù giam vì vụ bê bối còn bà Bridget Anne Kelly nhận án 18 tháng tù. Ngoài ra, 2 người này còn phải chịu án 1 năm quản chế, 500 giờ lao động công ích và bị phạt tiền vì hành vi lạm quyền, gian dối và tước đoạt quyền của người dân khi cố ý sử dụng sai mục đích tài sản do liên bang tài trợ vì mục đích cá nhân.
Kể từ khi bê bối bị phanh phui, nhiều nguồn tin khẳng định 2 người cấp dưới nói trên hành động theo chỉ đạo của ông Christie. Song, bản thân ông này khăng khăng cho rằng cả 2 đã tự làm theo ý mình nên ông hoàn toàn không hề hay biết về việc làm của họ.
Tháng 10/2016, thẩm phán hạt Bergen ra phán quyết cho rằng ông Christie phải chịu trách nhiệm về hành vi sai trái của cấp dưới nhưng cuối cùng, các công tố viên đã quyết định không truy tố ông này.
Dù thoát được việc ngồi tù nhưng tiền đồ chính trị của ông Christie đã suy yếu đáng kể kể từ khi vụ bê bối được gọi là “Bridgegate” bị phanh phui. Cuối tháng 6/2015, ông ta tuyên bố ra tranh cử tổng thống và chi khá nhiều tiền cho chiến dịch tranh cử.
Song, vì uy tín đã sụt giảm đáng kể sau bê bối nên đến đầu tháng 2/2016, Christie đã buộc phải tuyên bố dừng chiến dịch vận động tranh cử sau một loạt những thất bại tại vòng bầu cử sơ bộ.
Sau khi từ bỏ giấc mơ vào Nhà Trắng, Christie quay sang ủng hộ ứng viên Donald Trump và đã được ông Trump chọn làm người đồng hành trong cuộc đua năm 2016. Tuy nhiên, về sau, ông Trump đã đổi ý và quyết định chọn ông Mike Pence làm liên danh phó tổng thống.
Giữa tháng 11/2016, chỉ vài ngày sau khi giành chiến thắng tại cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, ông Trump tiếp tục bất ngờ cắt chức người đứng đầu nhóm chuyển giao quyền lực của Christie và thay bằng người khác.
Nguyên nhân, theo các nguồn tin thân cận với tổng thống Mỹ là do ông Trump tức giận vì nghĩ ông Christie đứng sau vụ bê bối nhưng lại không đứng ra nhận trách nhiệm, để bà Kelly - một người phụ nữ và là một người mẹ - phải vào tù.