Bà Yuyuk Sndrianti Iskak thành viên trong Đoàn đại biểu Indonesia giới thiệu về sáng kiến SPAK- một phong trào xã hội của Indonesia về chống tham nhũng. Theo đó, phong trào SPAK đặc biệt coi trọng vai trò của phụ nữ trong chống tham nhũng, bắt đầu từ chính phụ nữ để truyền sức mạnh, cảm hứng đến gia đình, nơi làm việc và mở rộng hơn đến xã hội.
Hiện tại, phong trào SPAK có trên 1.700 thành viên nòng cốt với nhiều thành phần khác nhau (trong đó hội viên của tổ chức phụ nữ chiếm trên 16%). Các thành viên hoạt động trên tinh thần tự nguyện, phát huy vai trò là tác nhân của sự thay đổi, góp phần xây dựng văn hóa chống tham nhũng trong gia đình và cộng đồng. Họ được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, hiểu biết về tham nhũng và chống tham nhũng, kỹ năng điều hành, hiểu biết về công cụ của chương trình và nghiên cứu điển hình.
Cứ 3 tháng một lần, các thành viên gặp nhau một lần để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, kỹ năng cũng như trao đổi những khó khăn họ vấp phải trong quá trình hoạt động và cùng tìm ra giải pháp. SPAK xây dựng những trò chơi đơn giản, dễ áp dụng với những câu hỏi gần gũi với cuộc sống, phù hợp với từng đối tượng, từng lứa tuổi về chủ đề chống tham nhũng để có thể tuyên truyền ở mọi lúc, mọi nơi.
Theo bà Yuyuk Sndrianti Iskak, những vấn đề về chống tham nhũng của chương trình bắt đầu từ những hành vi rất cụ thể, nhỏ bé như: dạy trẻ con tính trung thực thông qua việc không quay cóp bài, không lấy cái gì không phải là của mình; cha mẹ không lợi dụng việc tảo hôn của con cái để trục lợi thách cưới; người vợ làm rõ các khoản tiền ngoài lương chồng mang về nhà…
Bày tỏ ấn tượng đặc biệt với sáng kiến của Indonesia trong phát huy vai trò của phụ nữ tham gia chống tham nhũng, ông Ngô Mạnh Hùng - Phó Cục trưởng Cục Phòng chống tham nhũng - Thanh tra Chính phủ đề nghị Hội LHPN Việt Nam nghiên cứu, tham mưu để có thể áp dụng sáng kiến SPAK một cách sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tiễn vào Việt Nam.