Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS) đã từng thực hiện khảo sát 864 cặp vợ chồng ở hai tỉnh Long An và Hưng Yên cho thấy, chỉ 1% các mảnh đất được đăng ký với tên cả hai vợ chồng ở Long An, còn hơn 70% được đăng ký dưới tên người nam giới, hoặc một mình hoặc với những người nam giới khác trong gia đình. Từ 22-26% các mảnh đất được đăng ký dưới tên phụ nữ, hoặc một mình hoặc với những người phụ nữ khác trong gia đình. Ở Hưng Yên, tỷ lệ này là 35 - 53% và 9%.
Bà Phạm Thị Minh Hằng, Trung tâm nghiên cứu Giới, Gia đình và Môi trường trong Phát triển (CGFED) cho biết, ở Việt Nam, sau khi ly hôn, người phụ nữ rơi vào tình cảnh “trắng tay” khá phổ biến.
Tình trạng này có nguyên nhân từ tư duy theo văn hóa truyền thống như: sau khi lập gia đình, người phụ nữ thường ở và sinh hoạt chung với gia đình chồng nên người đứng tên trong giấy tờ đất đai vẫn là bố mẹ chồng, trong trường hợp ở riêng, cặp vợ chồng trẻ thường ở mảnh đất do gia đình chồng chia cho. Gia đình người phụ nữ cũng ít khi chia tài sản đất đai cho con gái với suy nghĩ “con gái là con người ta”... và một nguyên nhân nữa là sự thiếu hiểu biết về pháp luật.
Ngày 16/7 mới đây, Hội LHPN huyện Cư M’gar tổ chức Tư vấn pháp luật lưu động tại xã Ea Tul. Kết quả cho thấy, hội viên phụ nữ trên địa bàn xã Ea Tul đã có 28 ý kiến cần được tư vấn và trợ giúp pháp lý về các vấn đề: bạo lực gia đình; hôn nhân gia đình; quyền nuôi con và nghĩa vụ cấp dưỡng sau ly hôn; thủ tục sang nhượng, thừa kế đất… Kết thúc buổi Tư vấn pháp luật, chị em hội viên, phụ nữ xã Ea Tul đề xuất mong muốn trong thời gian tới tiếp tục được tư vấn pháp luật.
Từ thực tế này, cho thấy việc tư vấn pháp lý cho phụ nữ là cần thiết và bản thân phụ nữ cũng có nhiều nhu cầu hiểu biết về pháp luật. Được biết, Hội LHPN TP Hội An (Quảng Nam) vừa chính thức ra mắt điểm tư vấn pháp luật miễn phí dành cho hội viên phụ nữ trên địa bàn TP. Điểm tư vấn miễn phí này được đặt tại Công ty Luật Lê Vân và Cộng sự (127 đường Lý Thường Kiệt); thực hiện các hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho phụ nữ; thực hiện vai trò bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em gái.
Thời gian tổ chức tư vấn vào ngày 9 hàng tháng, hàng năm còn tổ chức 1-2 hoạt động tuyên truyền, tư vấn pháp luật cho hội viên phụ nữ về những vấn đề xã hội liên quan đến quyền và lợi ích của công dân nói chung, phụ nữ nói riêng.
Đầu tháng 6, Hội LHPN tỉnh Đắk Lắk ra mắt trang tư vấn pháp luật online của Hội. Trang tư vấn pháp luật được tư vấn miễn phí qua Facebook, Zalo, Messenger cho hội viên, phụ nữ. Đội ngũ tư vấn là những luật sư chuyên nghiệp, chuyên viên pháp lý, chuyên gia pháp luật tận tình giải đáp những tình huống, thắc mắc cho hội viên, phụ nữ về các lĩnh vực dân sự, hình sự, lao động, hành chính và có trách nhiệm hướng dẫn cá nhân, tổ chức thi hành đúng pháp luật...