Hôm nay (30/3), TAND Cấp cao tại Hà Nội tiếp tục mở phiên tòa phúc thẩm xét xử công khai vụ án Giết người đối với bị cáo Vũ Văn Hiệp (SN 1992, trú tại Thổ Tang, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) phạm tội Giết người theo khoản 2 Điều 93 BLHS.
Tuy nhiên ngay từ khi mở tòa, HĐXX cho biết Tòa án đã có giấy triệu tập 3 Giám định viên (GĐV) của Viện Pháp y tâm thần Trung ương đến tham dự phiên tòa để trả lời một số câu hỏi có liên quan đến Kết luận Giám định pháp y tâm thần số 52/KLGĐ của Viện Pháp y tâm thần Trung ương nhưng cả 3 GĐV đều vắng mặt không có lý do.
Về vấn đề này, đại diện gia đình bị hại cho rằng cần có GĐV để làm rõ một số mâu thuẫn trong kết luận số 52 nên đề nghị HĐXX thực hiện các biện pháp theo quy định của pháp luật triệu tập đại diện Viện Pháp y tâm thần Trung ương đến để giải thích và trả lời.
Đại diện VKSND Cấp cao tại Hà Nội cho rằng, để đảm bảo giải quyết vụ án một cách khách quan, toàn diện, đúng quy định của pháp luật nên đề nghị HĐXX hoãn phiên tòa để triệu tập các GĐV của Viện Pháp y tâm thần Trung ương.
HĐXX đưa ra quan điểm, giữa gia đình bị cáo và gia đình bị hại là anh em, họ hàng với nhau nên cần ngồi nói chuyện và trao đổi với nhau. Về phía gia đình bị hại thì cần mở lượng bao dung bỏ qua lỗi lầm đối với bị cáo, đồng thời phía gia đình bị cáo cũng cần phải có những biện pháp trao đổi với phía gia đình bị hại, bởi lẽ, bị cáo có lỗi rất lớn đối với gia đình bị hại.
Sau đó, HĐXX TAND Cấp cao tại Hà Nội đã quyết định hoãn phiên tòa để triệu tập các GĐV của Viện Pháp y tâm thần Trung ương.
Như báo PLVN đưa tin, bị cáo Hiệp và anh Nguyễn Văn Duy (SN 1987, người cùng địa phương) là bạn chơi thân với nhau từ năm 2007, tuy nhiên đến khoảng tháng 4/2014, Hiệp có nói với Duy sẽ không chơi với nhau nữa. Kể từ đó, Duy và Hiệp thường xuyên lên mạng xã hội Facebook nói xấu nhau khiến cả hai xảy ra mâu thuẫn.
Đỉnh điểm của sự mâu thuẫn này khiến anh Nguyễn Văn Duy tử vong dưới nhát dao trí mạng của Hiệp vào ngày 29/6/2015.
Ngày 30/3/2016, TAND tỉnh Vĩnh Phúc đã mở phiên tòa sơ thẩm và quyết định tuyên phạt bị cáo Vũ Văn Hiệp mức án 8 năm tù theo khoản 2 Điều 93 BLHS.
Sau đó, gia đình bị hại đã có đơn kháng cáo.
Ngày 31/1/2017, phiên xử phúc thẩm được mở, gia đình bị hại cho rằng, tòa sơ thẩm áp dụng khoản 2 Điều 93 BLHS, điểm p, n khoản 1 điều 46 BLHS để xử phạt bị cáo Vũ Văn Hiệp 08 năm tù về tội giết người là chưa tương ứng với hành vi phạm tội của bị cáo.
Đồng thời, Luật sư Trần Văn Lý – Văn phòng Luật sư số 1, Đoàn luật sư Vĩnh Phúc là luật sư bảo vệ cho gia đình bị hại đưa ra quan điểm, VKSND tỉnh Vĩnh Phúc và VKSND cấp cao tại Hà Nội cho rằng bị cáo Hiệp có sử dụng chất ma túy đá gây ảo giác để làm căn cứ giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo là không đúng. Bởi lẽ, trong vụ án này, theo bản kết số: 52/KL-GĐ ngày 11/11/2015 của Viện pháp y tâm thần trung ương kết luận:
“Tại thời điểm phạm tội bị can Vũ Văn Hiệp có biểu hiện rối loạn tâm thầm do sử dụng các chất gây ảo giác, theo phân loại bệnh quốc tế lần thứ 10 năm 1992 về các rối loạn tâm thầm và hành vi bệnh có mã số F16.5.
Hành vi phạm tội do phảm ứng mâu thuẫn. Bị can hạn chế khả măng nhận thức và điều khiểm hành vi. Hiện tại Vũ Văn Hiệp không có biểu hiện rối loạn hoạt động tâm thần.”
Theo luật sư Lý, biểu 18 của tổ chức y tế thế giới và dược thư quốc gia Việt Nam, tài liệu của cục phòng chống HIV/AIDS của Bộ y tế thì thời gian thải trừ chất ma túy trong con người chỉ có 24-48 giờ nếu tái sử dụng, nếu sử dụng chất ephedrine thì thời gian thải trừ là từ 48-72 giờ (tương ứng với 2-3 ngày). Như vậy để xác định được bị cáo có sử dụng chất ma túy hay không thì các xét nghiệm lâm sàng, cận lâm sàng (như xét nghiệm máu, nước tiểu) phải được thực hiện ngay sau khi bị cáo phạm tội hoặc là trong vòng 03 ngày bị cáo phạm tội để xét nghiệm thì kết quả mới phản ánh chính xác.
Bị cáo phạm tội vào ngày 29/6/2015, tuy nhiên trong hồ sơ không có biên bản lấy mẫu nước tiểu, mẫu máu để giám định, đến tận ngày 11/11/2015 sau 04 tháng mới thực hiện giám định - kết quả giám định sẽ không thể phản ánh được tại thời điểm bị cáo phạm tội có sử dụng chất ma túy hay không.
Theo tóm tắt của kết luận số 52/KLGĐ: “Từ 2010, bị can (bị cáo hiệp – PV) đã sử dụng ma túy đá và hồng phiến (Methamphetamine), mỗi năm dùng 2-3 lần, lần cuối cùng vào đầu năm 2015. Khoảng tháng 2/2015 bị can có biểu hiện không bình thường, có hoang tưởng bị hại, bị đầu độc.
Ngày 3/3/2015, gia đình đưa bị can vào viện châm cứu Trung ương điều trị tại Trung tâm cai nghiện. Ngày 10/3/2015 ra viện chuẩn đoán: Nghiện ma túy”
Về vấn đề này, luật sư Lý cho rằng, tính từ thời điểm tháng 2/2015 là lần bị cáo sử dụng ma túy gần nhất đến khi phạm tội ngày 29/6/2015 là 4 tháng, kể cả bị cáo có sử dụng chất ma tuy mạnh nhất thì thời gian thải trừ ra khỏi cơ thể cũng chỉ có từ 48-72 tiếng tương ứng từ 2-3 ngày, như vậy không cần xét nghiệm cũng có đầy đủ căn cứ khẳng định tại thời điểm phạm tội trong người của bị cáo Hiệp không còn chất ma túy do đã thải trừ hết.
Trong kết luận giám định không xác định cụ thể bị cáo sử dụng loại chất ma túy gây ảo giác là loại nào để xác định thời gian loại thải ra khỏi cơ thể nên không thể lấy lý do Hiệp sử dụng các gây ảo giác bị hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi để cho rằng hành vi phạm tội của bị cáo “ không có tính côn đồ” và làm căn cứ giảm nhẹ tội cho bị cáo.
Từ đó, luật sư Lý đề nghị HĐXX căn cứ vào khoản 3 điều 249 BLTTHS sửa bản án sơ thẩm, áp dụng Điểm n Khoản 1 Điều 93 BLHS và các Điểm e, Khoản 1 Điều 48 BLHS tuyên xử Vũ Văn Hiệp 15 - 17 năm tù gian.
Sau khi luật sư và gia đình bị hại trình bày và đưa ra quan điểm tranh luận, HĐXX khi nghị án đã quyết định hoãn phiên tòa để triệu tập thêm giám định viên nhằm xác định rõ việc bị cáo Hiệp có xử dụng ma túy hay không.
Báo PLVN sẽ tiếp tục cập nhật thông tin./.