Nhiều dự án nghìn tỷ nhưng xem nhẹ dân sinh?
Vừa qua, báo chí đã phản ánh àng loạt các công trình đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bản tỉnh Vĩnh Phúc mắc nhiều sai phạm, đã được cơ quan chức năng kết luận như dự án Văn miếu Khổng Tử, dự án nhà thi đấu TP Vĩnh Yên vào khu đô thị Nam Vĩnh Yên (tỉnh Vĩnh Phúc), dự án Nhà hát Vĩnh Phúc, các dự án công viên nghĩa trang . Trong đó, có trường hợp có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng, bị Cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công an (CA) khởi tố, điển hình như hai dự án BT (xây dựng - chuyển giao).
Có thể kể ra công trình Nhà hát tỉnh Vĩnh Phúc là một ví dụ. Khởi công xây dựng ngày 19/5/2011, Nhà hát tỉnh Vĩnh Phúc có tổng diện tích sàn khoảng 23.500m2, tổng mức đầu tư lên tới gần 755 tỉ đồng. Tuy nhiên, hiện tại công trình này vẫn chưa thể nghiệm thu, còn số lần sử dụng chỉ đếm trên… đầu ngón tay.
Đối với dự án Văn Miếu tỉnh - công trình tai tiếng ngốn gần 300 tỷ đồng tiền ngân sách, sau khi có kết quả kiểm toán của Đoàn Kiểm toán (Kiểm toán nhà nước), UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã yêu cầu Sở Văn hóa kiểm điểm, xác định trách nhiệm của các cá nhân có liên quan. Tuy nhiên, đến nay, dù đã quá thời hạn Sở phải báo cáo, nhưng UBND tỉnh vẫn không có động thái xử lý. Thậm chí, ngay trong Báo cáo, kiến nghị kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước cũng đã đề nghị UBND tỉnh Vĩnh Phúc kiểm điểm trách nhiệm của tập thể và cá nhân có liên quan nhưng đến nay, địa phương vẫn rất chậm trễ, thậm chí còn trì hoãn thực hiện kiến nghị của Kiểm toán nhà nước…
Trao đổi với phóng viên, một cán bộ lão thành tỉnh Vĩnh Phúc đã chua xót nói thực trạng bức tranh đầu tư của tỉnh này bị chạy theo các dự án nghìn tỷ nhưng lại chưa cấp bách, chưa gắn với đời sống dân sinh. Vĩnh Phúc từng bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để làm Văn Miếu thờ...Khổng Tử hay làm nhà hát rồi không sử dụng trong khi Bệnh viện đa khoa tỉnh là công trình thiết thực, cấp bách thì xập xệ, đầu tư đến nay vẫn chưa xong. Dự án “Xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà điều trị nội trú Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc” có tổng mức đầu tư gần 700 tỷ đồng đã 3 lần điều chỉnh thời gian đóng, mở thầu nay lại tạm dừng, tiếp tục lùi chưa biết đến khi nào mới mở thầu trở lại khiến dư luận băn khoăn liệu có dàn xếp “quân xanh quân đỏ”.
Qua thực tế trên, dư luận đặt câu hỏi vai trò của Hội đồng nhân dân tỉnh ở đâu khi không có tiếng nói để giải quyết những vấn đề nóng bỏng liên quan đến đời sống dân sinh, khiến cho bức tranh đầu tư của tỉnh Vĩnh Phúc méo mó như vậy?
Hai dự án BT thanh toán sai luật – ai chịu trách nhiệm?
Từ tháng 8/2015, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C46) đã khởi tố vụ án về những sai phạm xảy ra trong việc phê duyệt, thi công một số dự án BT tại tỉnh Vĩnh Phúc, gồm: Dự án xây dựng khu quảng trường, công viên tỉnh Vĩnh Phúc và Dự án cầu- đường từ nút giao thông nhà thi đấu TP Vĩnh Yên vào khu đô thị Nam Vĩnh Yên (tỉnh Vĩnh Phúc) được xây dựng từ năm 2011 đến 2013 bằng nguồn vốn ngân sách của tỉnh Vĩnh Phúc.
Trong khi nhiều dự án nghìn tỷ lãng phí thì Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc vẫn xập xệ |
Theo Kết quả xác minh ban đầu, xác định tại hai Dự án BT, một số cá nhân, tổ chức đã tiến hành nghiệm thu, bàn giao công trình đưa vào sử dụng và thanh, quyết toán trái với quy định của Thông tư số 166/TT-BTC ngày 17/11/2011 của Bộ Tài chính về quyết toán giá trị công trình dự án thực hiện theo hình thức BT. “Những sai phạm nêu trên có dấu hiệu của tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 165 Bộ luật Hình sự” - văn bản của C46 nêu rõ. Theo một cán bộ lão thành có đơn gửi cơ quan chức năng, việc Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua việc quyết toán, sử dụng ngân sách địa phương cho dự án BT là hoàn toàn trái pháp luật. Trách nhiệm chính phải thuộc về Hội đồng nhân dân tỉnh. Thế nhưng đến nay dự án vẫn “chìm xuồng trách nhiệm”.
Xem lại trách nhiệm của HĐND tỉnh
Gần đây, dư luận tiếp tục hết sức bức xúc khi ngày 4/1/2017, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có Tờ trình số 02/TTr-UBND gửi Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc đề nghị cho triển khai quy hoạch, xây dựng khu công viên nghĩa trang tại núi Ngang (xã Bồ Lý, huyện Tam Đảo).
Thường trực Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã nhiều lần có ý kiến nhưng việc triển khai còn nhiều khó khăn do chưa được dự ủng hộ của nhân dân địa phương. Thế nhưng, chỉ sau 02 ngày nhận được tờ trình, vào ngày 6/1/2017, Ban thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã họp và thống nhất với tờ trình về quy hoạch xây dựng công viên nghĩa trang tại xã Bồ Lý.
Trong khi đó, địa điểm dự kiến xây nghĩa trang chính là khu vực rừng phòng hộ mà Nhà nước đã giao các hộ gia đình, cá nhân nhận trồng, chăm sóc và bảo vệ từ năm 2002. Nếu dự án được triển khai, không những “xóa sổ” hàng trăm hecta đất rừng phòng hộ mà còn ảnh hưởng đến đời sống dân sinh, tương lai của hàng nghìn hộ dân sống xung quanh dự án. Ngoài ra theo quy định của Luật Đất đai 2015, đất rừng phòng hộ là loại đất đặc biệt. Khi muốn chuyển đổi đất rừng phòng hộ sang đất nghĩa trang buộc phải xin phép Thủ tướng Chính phủ với diện tích trên 20ha. Đặc biệt, theo Luật Đầu tư công, chuyển đổi trên 100ha rừng phòng hộ sang làm đất nghĩa trang phải được Quốc hội thông qua.
Qua sự việc trên, cho thấy trước một sự việc nghiêm trọng như vậy nhưng vai trò của Hội đồng nhân dân tỉnh hoàn toàn mờ nhạt, chưa nắm bắt được đầy đủ và giải quyết thỏa đáng tâm tư nguyện vọng của nhân dân, dẫn đến không ít dự án đầu tư thiếu hợp lý, gây ra nhiều hệ lụy.