Tiếp đón hơn 6.000 khách hàng
“Xin kính chào quý khách ạ” là câu chào thân thiện đi kèm với nụ cười tươi tắn trên khuôn mặt của Khôi Nguyên, một trong những nhân sự hiện đang làm việc tại dự án VAPs. Tiếp đó, Khôi Nguyên hướng dẫn khách hàng đi lên tầng 2 nơi được bày trí là một nhà hàng nhỏ xinh, ấm cúng. Thành thạo kéo ghế vừa đủ cho khách bước vào, khi khách ngồi xuống đẩy ghế vào một cách chắc chắn và cẩn thận. Chỉ hành động đó Khôi Nguyên đã gây ấn tượng trước khách hàng với hình ảnh một nhân viên phục vụ chuyên nghiệp và cũng là một chàng trai ga lăng.
Bên cạnh việc chào đón, hướng dẫn khách, Khôi Nguyên còn đảm nhận nhiệm vụ quét nhà, lau nhà 3 tầng và hỗ trợ mọi người. Đây là công việc quen thuộc mỗi ngày của chàng trai nhỏ tại địa chỉ 254 Mai Anh Tuấn (Đống Đa, Hà nội), nơi Khôi Nguyên cùng các bạn trẻ khác cùng tham gia vào dự án VAPs - Mô hình kinh tế cho người tự kỷ, asperger và tăng động giảm chú ý.
Tại căn nhà nhỏ 3 tầng, dự án VAPs đã biến nơi đây trở thành nhà hàng pizza, thư viện mini và siêu thị tích hợp. Tổng số nhân sự tại đây gồm có 7 bạn, trong đó 5 bạn chính thức và 2 bạn phụ. Tất cả các bạn đều ở độ tuổi trên 15, sống tại Hà Nội và mắc chứng tự kỷ. Điểm đặc biệt, tại mỗi tầng sẽ có bạn phụ trách riêng được phân chia rõ ràng là 2 bạn nhà hàng, 2 bạn hiệu sách và 1 bạn siêu thị. Đồng nghĩa với việc mỗi bạn đều được đảm nhận một công việc riêng, người đứng bếp, người pha chế, người phục vụ, người bán hàng,… ai cũng đóng vai trò quan trọng trong dự án.
Với người bình thường, những việc nói trên có thể đơn giản nhưng đối với các bạn tự kỷ đây là cả một quá trình học tập, cố gắng rất nhiều từ thực hành cũng như tập luyện cách giao tiếp, giới thiệu bản thân, trao đổi và phục vụ khách hàng. Hơn nữa, những bạn nhân viên đặc biệt ở đây còn có thể giao tiếp bằng tiếng Anh và sử dụng thành thục công nghệ, máy tính như tất cả mọi bạn trẻ khác.
Từ khi dự án chính thức đi vào hoạt động, các bạn đã tiếp đón hơn 6.000 khách hàng trong suốt thời gian qua. Đây không chỉ là con số “khổng lồ” mà còn mang nhiều ý nghĩa to lớn bởi 6.000 khách hàng cũng chính là 6.000 cơ hội để các bạn được tiếp xúc, được hoà nhập với cộng đồng, điều mà mọi người đều mong mỏi. Ở độ tuổi của các bạn, một người bình thường làm nhiều công việc khác nhau chưa chắc đã có cơ hội được tiếp xúc với nhiều người như vậy thế nhưng dự án VAPs đã làm được.
Về phía khách hàng, đây cũng là cơ hội để mọi người được tham gia trải nghiệm, tham quan mô hình và hiểu rõ hơn về công việc, về cuộc đời của các bạn. “Đồ ăn thơm nức, nóng hổi, cốc bát sạch sẽ, đá viên nước sốt thoải mái. Các bạn nhân sự tại VAPs rất đáng yêu đáng quý. Mô hình cũng vô cùng ý nghĩa, giờ tôi đã hiểu kinh tế chỉ là 1 phần, phần quan trọng hơn là cơ hội cho các bạn được thực hành, được giao tiếp với cộng đồng. Mong rằng sẽ có ngày càng nhiều các câu lạc bộ lựa chọn nơi đây làm địa điểm tụ họp, vừa vui vừa có ý nghĩa, phần nào đó còn giúp đỡ được các bạn”, cảm nhận của chị Yến (1987, Hà Nội) khi có cơ hội cùng các con trong câu lạc bộ “Rubik Community” tham quan mô hình kinh tế và thưởng thức bữa trưa vui vẻ được thiết kế bởi bàn tay của các bạn tự kỷ tại VAPs.
Thành công là sự trưởng thành, hạnh phúc
Để có được thành công như vậy, anh Nguyễn Đức Trung “cha đẻ” của dự án ý nghĩa nói trên đã dành 7 năm vừa nghiên cứu độc lập về người tự kỷ, vừa mò mẫm với những kiến thức thu thập được. Từng trải qua nhiều công việc, vị trí khác nhau của ngành viễn thông, du lịch, tư vấn đầu tư nhưng rốt cuộc anh Trung lại dừng lại với các dự án cho người tự kỷ. Nói về cơ duyên đưa anh đến với các bạn mắc chứng tự kỷ và thực hiện dự án, anh Trung cho biết tất cả đều là tình cờ.
“Trải qua rất nhiều các doanh nghiệp tôi làm tôi mới ngẫm nghĩ là tôi phải làm một cái điều gì đó cho xã hội và trong khi tìm hiểu tôi có duyên với các bạn tự kỷ thông qua báo đài. Lúc đấy tôi mới đặt câu hỏi là tại sao mà các bạn tự kỷ gặp rất là nhiều các khó khăn và tôi nghiên cứu thì tôi mới phát hiện ra là ở Việt Nam các bạn ấy đang gặp rất là nhiều những khó khăn. Khi càng nghiên cứu sâu thì tôi càng quyết tâm là tôi phải triển khai các mô hình kinh tế này cho các bạn”, anh Trung cho biết.
Anh Nguyễn Đức Trung - người sáng lập Vietnam’s Autism Projects. (Ảnh: Hương Giang) |
Dành tận 7 năm để hiện thực hoá dự án mong ước của mình, nói về khó khăn chắc chắn là có nhưng một trong những điều khó khăn nhất là khi làm việc với các bạn tự kỷ. Kiến thức về giáo dục của các bạn tự kỷ còn rất là hạn chế, các bạn có những bạn mới học đến cấp một, có bạn cấp hai hoặc cấp ba hoặc là dừng ngắt quãng theo chương trình của giáo dục nên là các bạn bị hụt rất nhiều kiến thức. Đồng thời có những cái hạn chế trong vấn đề về ngôn ngữ, về giao tiếp hay các bạn chưa hiểu được những cái rủi ro khi tham gia vào lao động hay là vấn đề tương tác với những người xung quanh bên ngoài.
Vì vậy, để có thể dẫn dắt được các bạn tự kỷ và đưa dự án đến với thành công, anh Trung chia sẻ 4 “chìa khoá” giúp anh đi đến ngày hôm nay. Trước tiên để làm việc với người tự kỷ người hướng dẫn phải cực kỳ an nhiên, kiên nhẫn. Thứ hai, phải có kiến thức về tự kỷ vĩ mô và vi mô. Vĩ mô là hiểu được giáo dục đặc biệt, hiểu được các bạn tự kỷ, hiểu được các gia đình có con tự kỷ, hiểu được trên thế giới người ta đang làm gì với lĩnh vực đó. Vi mô là làm với cá nhân nào thì phải sâu sắc với cá nhân ấy, phải thực sự hiểu mới giúp đỡ được. Thứ ba, phải có kiến thức về mô hình và thứ tư là phải biết làm kinh tế.
Đến hiện tại, đối với anh Trung dự án VAPs đã đạt được những thành công nhất định trong đó thành công nhất phải kể đến là sự trưởng thành, niềm hạnh phúc của những người trẻ tự kỷ khi họ được làm việc và có thu nhập như người bình thường. Trong tương lai, anh Trung mong muốn mô hình kinh tế cho người tự kỷ sẽ được lan rộng tại khắp 63 tỉnh thành để từ đó mở ra cánh cửa tương lai tươi sáng, nơi các bạn tự kỷ được sống, được hoà nhập và được cống hiến như một người bình thường.
Đến với dự án VAPs, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn nhanh với anh Nguyễn Đức Trung - người sáng lập Vietnam’s Autism Projects về tương lai công việc của những người tự kỷ.
Theo anh, trong tương lai liệu các doanh nghiệp ngoài kia có sẵn sàng nhận người tự kỷ vào làm việc không?
- Ở Việt Nam, về người tự kỷ khoảng trong vòng từ 10 đến 20 năm gần đây mới được mọi người quan tâm. Bởi vậy theo tôi, để các doanh nghiệp sẵn sàng tuyển dụng người tự kỷ thì trước tiên dự án của chúng tôi phải có kết quả, các mô hình kinh tế của chúng tôi thành công, tức là chúng tôi phải là người tiên phong. Từ đó mới có cơ sở để cho nhiều doanh nghiệp họ có thể nhìn thấy, để họ xây dựng các chương trình nghề nghiệp hay các mô hình phù hợp đối với người tự kỷ khi tham gia vào trong doanh nghiệp của họ.
Có một số ý kiến bên ngoài cho rằng khi thuê những người tự kỷ vào làm việc thì là chúng ta đang lợi dụng hình ảnh của họ để thu hút sự quan tâm. Vậy thì anh nghĩ sao về điều này?
- Một câu hỏi rất là hay, tôi xin trả lời như sau. Nếu bạn nghĩ là chúng ta lợi dụng người tự kỷ khi tham gia vào lao động tức là chúng ta đang nghĩ một điều gì đó rất tiêu cực. Tại sao chúng ta không nghĩ chúng ta đang tạo cơ hội cho các bạn để các bạn có công ăn việc làm, các bạn được đóng góp cho xã hội, các bạn làm được cái gì thì các bạn hưởng được cái đó. Còn về cái gọi là lợi dụng thì nó liên quan đến vấn đề về lao động, về luật, về cơ sở pháp lý. Những cái đó tôi nghĩ là bất kì một doanh nghiệp nào cũng phải nắm rất rõ trước khi mà tuyển dụng hay thuê người lao động là người tự kỷ khi tham gia vào.
Rõ ràng là các mô hình kinh tế của Vietnam’s Autism Project đã góp phần làm thay đổi suy nghĩ của mọi người về người tự kỷ. Vậy thì nếu như được nói một điều với những phụ huynh có con bị tự kỷ thì anh sẽ nói điều gì?
- Tôi nghĩ là chúng ta nên có niềm tin vào các bạn ấy bởi vì mỗi người sinh ra đều có một cái duyên, một số mệnh riêng và dù ít hay nhiều thì họ cũng đều có thể làm được những điều có ích cho xã hội. Vì vậy chúng ta phải có niềm tin vào các bạn, chỉ khi có niềm tin thì chúng ta mới có thể có những hành động giúp đỡ được các bạn.