[links()]Một ông Việt kiều già, dùng tiền để dụ dỗ cô gái vùng sâu vùng xa ăn ở với mình. Sau khi “con ong đã tỏ đường đi lối về”, ông ta “quất ngựa truy phong” và khởi kiện ra tòa để đòi lại những gì mình đã đầu tư vào quá trình chinh phục thôn nữ nghèo. Xung quanh những vụ kiện này xảy ra nhiều tình tiết pháp lý mà các cơ quan chức năng cần xem xét lại…
Cô Nguyễn Thị Diễm thường trú tại xã Tân Thới-Phong Điền-TP Cần Thơ là nạn nhân đầu tiên và là "mất mát lớn" của Việt kiều Úc Đỗ Văn Bân (sinh năm 1950).
Ông Đỗ Văn Bân. |
Hai người quen nhau và đi đến đám cưới (không có hôn thú), sau đám cưới, cha mẹ cho cô Diễm cất nhà trên đất của mình để hai vợ chồng Bân-Diễm ở.
Ông Bân sắm trang thiết bị, vật dụng gia đình trong nhà, hai người ăn ở với nhau có một đứa con nhưng ông Bân không thừa nhận nên khai sinh đứa trẻ có cha là vô danh.
Khi đã “no xôi chán chè” với cô Diễm, ông Bân lấy cô Út là nhân viên lễ tân khách sạn của mình, bỏ bê cô Diễm và khởi kiện ra tòa án huyện Phong Điền để đòi lại những gì mình đã "đầu tư vào tổ ấm".
Ngày 15/6/2010, ông Bân nộp đơn khởi kiện tại tòa án huyện Phong Điền với mục đích yêu cầu tòa án cho mình được quyền nuôi con và trả lại toàn bộ nhà cửa, đất đai cho mình.
Không hiểu vì lý do gì, TAND huyện Phong Điền lại thụ lý vụ án có yếu tố người nước ngoài này. Càng lạ lùng hơn khi tòa án huyện này tuyên ông Bân được quyền nuôi con và sở hữu gần 1ha đất nông nghiệp của cha mẹ cô Diễm cho ông Bân cất nhà ở nhờ.
Ông Bân đã từ chối không nhận con, cha cháu bé là vô danh, phiên tòa chưa giám định ADN thì mối liên hệ pháp lý giữa ông Bân và cháu bé chưa xác định được, hà cớ gì tòa lại phán quyết giao cháu bé cho ông Bân nuôi?. Gần 1 ha đất nông nghiệp của cha mẹ cô Diễm cho ông Bân cất nhà ở nhờ tòa cũng tuyên giao cho ông Bân và hướng dẫn ông Bân làm thủ tục đăng ký quyền sở hữu sử dụng. Không biết pháp luật Việt Nam cho Việt kiều sở hữu đất nông nghiệp từ bao giờ?.
Cô Diễm kháng án lên phúc thẩm nhưng TAND TP Cần Thơ vẫn y án. Cô Diễm tiếp tục nộp đơn lên TANDTC để xin kháng nghị. Ngày 9/11/2012, TANDTC có thông báo 55/TANDTC-DS bác đơn xin kháng nghị của cô Diễm như sau: Ngày 15/6/2010, ông Bân nộp đơn khởi kiện tại TAND huyện Phong Điền. Ngày 30/11/2010, ông Bân đã nhập quốc tịch Việt Nam với lý do hồi hương.
Ngày 8/4/2011, TAND huyện Phong Điền mới đưa vụ việc ra xét xử nên tuyên cho ông Bân sở hữu đất là đúng. Về việc ông Bân hồi hương, nhập quốc tịch Việt Nam và đăng ký hộ khẩu tại nhà chị ruột của mình 259 Mạc Cửu-Vĩnh Thanh-TP Rạch Giá thì cơ quan chức năng tỉnh Kiên Giang nên điều tra xem xét lại bởi báo PLVN đã làm việc với Sở Tư pháp tỉnh Kiên Giang và được Sở này cung cấp toàn bộ danh sách những người làm thủ tục hồi hương trên địa bàn tỉnh từ năm 2008 đến nay.
Thật bất ngờ, trong danh sách hồi hương này không có tên ông Đỗ Văn Bân, Việt kiều Úc. Không làm thủ tục hồi hương, chưa có quốc tịch Việt Nam nhưng ông Bân lại có hộ khẩu và chứng minh nhân dân tại Kiên Giang. Hai loại giấy tờ này có đánh lừa tòa án các cấp hay không?. Dư luận đang chờ cơ quan Công an tỉnh Kiên Giang trả lời.
Luật sư Nguyễn Tuấn Khanh- Đoàn Luật sư TP Cần Thơ - nhận định: “Ông Bân nộp đơn khởi kiện tại TAND huyện Phong Điền khi bản thân chưa có hộ khẩu và chứng minh nhân dân nhưng tòa án vẫn thụ lý, đó là một điều khuất tất. Thụ lý vụ án nhưng 8 tháng sau (15/6/2010 đến 8/4/2011) mới đem ra xét xử là vi phạm thời hiệu xét xử”. Trong 8 tháng đó, ông Bân bỗng dưng có hộ khẩu và chứng minh nhân dân, mặc dầu chưa hồi hương. Điều khuất tất này thể hiện tính quyết tâm bằng mọi cách của ông Bân trong việc đòi lại tình phí với người con gái mà mình đã chinh phục được.
Ông Bân hiện ở với cô Tố, là học trò của cô Út và đứa con cô Diễm được giao cho người này nuôi giữ. Thực tế, ông Bân không trực tiếp nuôi con nhưng tòa án các cấp vẫn tuyên ông Bân được quyền nuôi con. Còn TANDTC thì cho rằng chưa chứng minh được ông Bân không có khả năng nuôi con.
Cô Diễm đang suy sụp tinh thần bởi mất con và mất luôn đất của cha mẹ vào tay một ông Việt kiều già. Thiết nghĩ cơ quan chức năng tỉnh Kiên Giang nên kiểm tra lại việc nhập hộ khẩu cho ông Việt kiều chưa hồi hương này để gỡ oan cho những thôn nữ đã bị ông Bân gạt tình…
Hiện nay Việt kiều về nước rất nhiều, lúc đi định cư nước ngoài họ mang luôn chứng minh nhân dân đi. Vài năm sau trở về họ dùng chứng minh đó để làm những việc vi phạm pháp luật. Một dẫn chứng sau đây: Ông Huỳnh Văn Trạng theo chứng minh nhân dân sinh năm 1969 thường trú tại 223 ấp Long Bửu, Hòa Long, Lai Vung, Đồng Tháp. Ông này đã xuất cảnh đi Mỹ hơn 10 năm, nhưng còn chứng minh nhân dân nên ông nhờ bạn bè làm cho mình bằng lái xe để hằng năm ông về Việt Nam tự mình lái xe cho tiện. |
Ngọc Long