Doanh nghiệp đồng thuận với tái cơ cấu ngành gạo
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó chủ tịch công ty CP Tập đoàn Lộc Trời cho biết, lúa vẫn là cây chủ lực ở ĐBSCL và vị trí đó sẽ còn tồn tại trong tương lai. Vấn đề đặt ra là cần tổ chức lại sản xuất giải quyết “bài toán” lợi ích kinh tế giữa các bên liên quan và cơ chế chính sách.
Về thị trường, ông Dũng cho rằng phải có sự khác biệt, từ giống, chất lượng, đến giá trị dinh dưỡng, giá trị gia tăng cũng phải khác biệt. Nhiều chính sách chưa đi vào thực tế, nhưng thực tế thì các chính sách đó có đến được với người dân?!
Nói về thương hiệu gạo Việt Nam, ông Dũng cho rằng Chính phủ khuyến khích sản xuất an toàn, khuyến khích doanh nghiệp làm thương hiệu nhưng lại bị đánh thuế, bị kiểm soát, kiểm tra đủ điều... như vậy có mâu thuẫn không?
Đồng quan điểm đó, ông Hồ Quang Cua, cố vấn DNTN Hồ Quang cho biết, “Tôi xin đề nghị xây dựng thương hiệu quốc gia ở nhóm gạo thơm cấp cao, tuy nhiên cần phải thay đổi cơ cấu giống”.
Ông cho biết thêm, nhóm gạo thơm (trung cấp) đã khởi động xuất khẩu từ hàng chục năm qua và đã cán mức 1 triệu tấn gạo xuất khẩu, cho thấy đốc độ tăng xuất khẩu gạo thơm tăng mạnh. Trong xu thế mới cần tăng nhanh gạo cấp độ này. Riêng, gạo thơm cấp cao cần nỗ lực rất lớn, cũng như cần nhiều đầu tư hoặc hỗ trợ của nhà nước để phát triển... nhu cầu vẫn còn thiếu hụt.
Theo ông Nguyễn Thể Hà, cố vấn đầu tư Công ty cơ khí công nông nghiệp Bùi Văn Ngọ cho rằng, cần ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, việc ứng dụng nông nghiệp thông minh để giảm chi phí, tăng lợi nhuận cho nông dân.
Sản xuất theo hướng an toàn, thân thiện môi trường, kết hợp các công nghệ tiên tiến, giúp tiết kiệm chi phí và nguồn tài nguyên đất, nước, thích hợp với tình hình biến đổi khí hậu đang diễn ra gay gắt ở ĐBSCL.
Cần tăng “chất” lúa gạo
Chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan gợi ý ba thông điệp cho ngành lúa gạo, cần tăng giá trị, giảm các yếu tố đầu vào (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật); đồng thời, nhà nước cần có chính sách mới phù hợp hơn tăng kiến tạo và quan tâm vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời, tăng cường liên kết các tác nhân trong chuỗi giá trị lúa gạo, ứng dụng khoa học công nghệ.
“Chính phủ không nhất thiết lúc nào cũng phải chỉ cho người nông dân phải trồng cây gì, nuôi con gì, mà phải làm sao để nông dân, họ quan sát được thị trường, xem được điều kiện cụ thể của họ và làm cái gì hợp lý nhất, bởi chỉ có cái gì hiệu quả nhất, có lợi nhất cho bản thân của nông dân, thì họ làm” - bà Lan nói.
Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Trung Kiên, Trưởng bộ môn Nghiên cứu Thị trường và Ngành hàng thuộc Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp nông thôn cho rằng, cần phải thay đổi nhận thức trong thực hiện tái cơ cấu ngành lúa gạo, từ coi lúa gạo là ngành đảm bảo an ninh lương thực sang tăng thu nhập, cải thiện dinh dưỡng; từ tập trung cho khâu sản xuất sang khâu chế biến, thương mại....
Theo PGS.TS Lê Anh Tuấn, Viện phó Viện Nghiên cứu BĐKH – trường ĐH Cần Thơ, không nên duy trì diện tích trồng lúa như hiện tại; phát triển gạo chất lượng cao và tiếp tục vận động Chính phủ tăng hạn điền cho nông dân, công nhận quyền sử dụng đất.
Công nhân vận chuyển gạo vào kho cất trữ |
Cần 7000 tỷ để lúa gạo “chuyển mình”
Ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục trồng trọt Bộ NN&PTNT đã giới thiệu đề án tái cấu trúc ngành hàng lúa gạo Việt Nam giai đoạn 2020, tầm nhìn 2030 mới được thông qua. Đề án đưa ra 25 chương trình, dự án ưu tiên với số vốn là gần 7.000 tỉ đồng để triển khai thực hiện tái cấu trúc ngành hàng lúa gạo Việt Nam.
Theo đó, đề án dự án tập trung vào các nội dung quy hoạch, rà soát quy hoạch hoàn chỉnh hạ tầng đồng ruộng, chuyển đổi đất lúa. Trong đó có nhiều dự án, đề tài khoa học công nghệ cho nghiên cứu chọn tạo giống; Tổ chức sản xuất và cơ giới hóa, chế biến; Phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu; Nghiên cứu về chính sách... hoàn chỉnh đồng ruộng, củng cố giao thông và thủy lợi nội đồng, hệ thống điện phục vụ sản xuất ở các vùng chuyên canh lúa khu vực ĐBSCL, đồng bằng sông Hồng và duyên hải nam Trung bộ có số vốn lên tới 5.000 tỉ đồng, được thực hiện từ năm 2017 đến năm 2022.
Ông Trần Xuân Định cho biết, giải pháp đầu tiên tái cơ cấu ngành lúa gạo là tái cơ cấu sản xuất lúa đến năm 2020 là duy trì và sử dụng linh hoạt 3,8 triệu ha diện tích đất trồng lúa để bảo đảm an ninh lương thực; đồng thời nâng cao hiệu quả sử dụng đất trồng lúa...
Sản xuất lúa ở ĐBSCL sẽ hướng đến thị trường xuất khẩu và thị trường nội địa ở phân khúc gạo chất lượng cao. Ngoài ra, sẽ chuyển đổi diện tích sản xuất lúa ở các nơi có hiệu quả thấp sang cây trồng khác hoặc nuôi trồng thủy sản ở nơi không đủ điều kiện; hình thành vùng sản xuất lúa thơm phục vụ xuất khẩu...
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT vừa phê duyệt Quyết định số 1898/QĐ-BNN-TT về tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo đến 2020, tầm nhìn 2030. Theo đó, mục tiêu tổng quát được đề ra trong tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo Việt Nam là:
Nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh lúa gạo làm cơ sở đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người trồng lúa, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm an toàn thực phẩm, chất lượng dinh dưỡng, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững và tham gia hiệu quả vào thị trường toàn cầu.
Phấn đấu đến năm 2030, lợi nhuận cho người trồng lúa hàng hóa bảo đảm trên 30% tổng thu; vùng đồng bằng sông Cửu Long có tỷ lệ sử dụng giống lúa xác nhận 100%; giảm tổn thất sau thu hoạch còn 6%; giảm 20% lượng phát thải khí nhà kính so với hiện nay; 50% lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu gạo Việt Nam, 30% gạo xuất khẩu là gạo thơm và gạo đặc sản.