Tòa tuyên hợp đồng mua bán vô hiệu, người bán được nhận lại đất, người mua có quyền yêu cầu người bán trả lại tiền. Tuy nhiên, người mua vẫn không làm đơn yêu cầu thi hành án, còn người bán đã tự nguyện nộp lại tiền đã giữ của người mua cho cơ quan thi hành án. Nhưng sau đó người mua xây nhà trên mảnh đất mà Toà đã xử huỷ hợp đồng trước đó khiến chủ sở hữu khiếu nại khắp nơi…
Ngôi nhà mà ông Hòa xây dựng trái phép trên đất ông Lưu Đình Báu |
Hợp đồng vô hiệu
Sự việc hy hữu này xảy ra ở thị trấn Kiến Đức, huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông khi tháng 4/2002, ông Lưu Đình Báu làm hợp đồng chuyển nhượng (bằng giấy tay) 550m2 đất vườn rẫy cho ông Trần Đình Hòa cùng thị trấn với số tiền là 22 triệu đồng. Hai bên thỏa thuận trong thời gian 2 năm, bên mua phải thanh toán đầy đủ số tiền cho bên bán để hoàn thành thủ tục giao đất. Tuy nhiên, khi hết thời hạn thỏa thuận, ông Hòa vẫn không giao đủ tiền như cam kết, mà chỉ đóng được 1/2 số tiền đó dù gia đình ông Báu nhiều lần thúc giục ông Hòa đóng tiền đủ để đi làm thủ tục.
Tháng 9/2004, ông Báu gửi đơn đến UBND thị trấn Kiến Đức “không đồng ý sang nhượng lô đất đó cho ông Hòa” vì lý do không chịu đưa hết tiền. Đến cuối năm 2005, ông Hòa khởi kiện yêu cầu ông Báu phải thực hiện hợp đồng như đã thỏa thuận ban đầu.
Ngày 28/7/2006, TAND huyện Đắk R’Lấp mở phiên tòa và tuyên hợp đồng sang nhượng đất vườn rẫy giữa ông Báu và ông Hòa vô hiệu vì vi phạm về mặt hình thức. Bản án tuyên: “Ông Lưu Đình Báu được nhận lại diện tích đất vườn rẫy 550m2 và phải trả số tiền 12,6 triệu đồng cho ông Trần Đình Hòa. Kể từ ngày ông Hòa có đơn yêu cầu thi hành án, nếu ông Báu không chịu trả số tiền trên thì hàng tháng phải chịu lãi suất quá hạn do ngân hàng nhà nước quy định”.
Ngay sau khi án có hiệu lực pháp luật (ông Hoà và ông Báu không kháng án) ông Báu đã tự nguyện nộp số tiền 12,6 triệu đồng cho cơ quan Thi hành án huyện Đắk R’Lấp. Tưởng rằng mọi việc đã xong nên giữa năm 2011, ông Báu làm đơn và được cơ quan chức năng đồng ý cho xây nhà trên phần đất đó để buôn bán. Nhưng khi vừa làm móng xong thì gia đình ông Hòa cho người tới quậy phá.
Nghiêm trọng hơn, gia đình ông Hòa còn mang vật liệu tới và dựng luôn căn nhà khá kiên cố trên nền móng mà ông Báu đã làm và ở từ đó tới nay. Khi gia đình ông Báu ra ngăn cản thì bị hành hung khiến vợ con ông Báu phải nhập viện.
Đừng để khiếu kiện kéo dài
Sự việc được ông Báu làm đơn kêu cứu lên các cơ quan chức năng huyện Đắk R’Lấp và tỉnh Đắk Nông nhờ can thiệp giải quyết, buộc ông Hoà phải tháo dỡ nhà, trả lại đất cho gia đình ông. Dù đã có sự chỉ đạo giải quyết của UBND tỉnh Đắk Nông từ năm 2011, nhưng tới nay các cơ quan có thẩm quyền của huyện Đắk R’Lấp vẫn chưa có động thái nào để giải quyết sự vụ .
Trao đổi với chúng tôi, Đội trưởng Đội Quản lý Đô thị huyện Đắk R’Lấp - Phạm Tuấn Hiền cho biết đã có tờ trình gửi UBND huyện đề nghị ra quyết định thành lập đoàn cưỡng chế ngôi nhà mà ông Hòa xây dựng trái phép nhưng đến nay huyện vẫn chưa có quyết định gì.
Thấy sự việc nhùng nhằng, không được giải quyết, ông Báu hỏi Chi Cục THA Dân sự huyên ĐăK Rlấp thì được trả lời: “Theo quy định tại khoản 3, Điều 2 Nghị Định 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THA dân sự quy định về sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan như sau: Sự kiện bất khả kháng là trường hợp thiên tai, hỏa hoạn, địch họa.
Còn trở ngại khách quan là trường hợp đương sự không nhận được bản án, quyết định mà không phải do lỗi của họ, đương sự đi công tác ở vùng biên giới, hải đảo mà không thể gửi đơn yêu cầu thi hành án đúng hạn, ốm nặng đến mức mất khả năng nhận thức, phải điều trị nội trú hoặc do lỗi của cơ quan xét xử, cơ quan THA dân sự hoặc cơ quan, cá nhân khác dẫn đến việc đương sự không thể yêu cầu THA đúng hạn hoặc đương sự chết mà chưa xác định được người thừa kế, tổ chức hợp nhất, sáp nhập, chia tách, giải thể, cổ phần hóa mà chưa xác định được tổ chức cá nhân mới có quyền yêu cầu thi hành án theo quy định của pháp luật.
Như vậy ông Báu không thuộc trường nào nói trên nên không khôi phục được thời hiệu THA. Và ông Trần Công Long- Chi cục Trưởng Chi cục THA huyện Đắk R’Lấp cho biết: “Hiện số tiền ông Báu nộp, Chi cục THA đã làm thủ tục gửi tiết kiệm từ giữa năm 2011 theo quy định của pháp luật. Đồng thời hướng dẫn ông Báu làm đơn gửi tới UBND để được cưỡng chế, giải quyết”.
Hành vi xây dựng nhà trái phép trên đất người khác của ông Hòa đã rõ ràng, cần phải được xử lý nghiêm minh. Người dân và dư luận đang mong chờ các cơ quan chức năng huyện Đắk R’Lấp nhanh chóng xử lý để bảo đảm công bằng và tránh khiếu kiện kéo dài.
Luật sư Huỳnh Phước Hiệp, Đoàn Luật sư TP.Hồ Chí Minh cho biết: Trong trường hợp này do đất xưa nay ông Báu vẫn quản lý, sử dụng nên không có chuyện phải làm đơn yêu cầu trả lại đất. Khi ông Báu đã tự nguyện nộp tiền cho Chi cục THA thì coi như đã thực hiện xong nghĩa vụ của mình, còn việc ông Trần Đình Hòa có đến Chi cục THA nhận lại tiền hay không là việc của ông Hòa. Việc ông Hòa dựng nhà trên phần đất của ông Báu là vi phạm pháp luật, có thể bị xử lý hình sự. Do vậy, ông Báu nên làm đơn tới các cơ quan chức năng huyện Đắk R’Lấp yêu cầu cưỡng chế tháo dỡ ngôi nhà này… |
Quý Phi