Thành phố có 1,7 triệu người thuê nhà
Tại ngày làm việc thứ hai Kỳ họp thứ 3 HĐND TP HCM khóa X sáng 19/10, khi báo cáo về công tác phòng chống dịch (PCD) COVID-19, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cho biết thành phố (TP) đã ban hành kế hoạch PCD và phục hồi kinh tế; trong đó nghiên cứu, tiếp thu các định hướng từ dự thảo hướng dẫn tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả COVID-19 của TƯ. Chỉ thị 18 về PCD và phục hồi kinh tế của TP áp dụng từ 01/10 đã tiếp thu những nội dung mới nhất trong bản dự thảo mà sau này trở thành Nghị quyết 128.
"Đó là lý do đến giờ này, TP chưa có kế hoạch tổng thể triển khai Nghị quyết 128. Trên thực tế, tinh thần chung Nghị quyết 128 đã được vận dụng trong Chỉ thị 18", ông Mãi nói và cho biết TP đang khẩn trương tổng kết làn sóng dịch thứ 4 để cuối tháng 10 ban hành phương án PCD tổng thể.
Về hướng PCD thời gian tới, ông Mãi cho biết TP sẽ có cơ chế giám sát, cảnh báo và có cơ sở dữ liệu khoa học làm nền tảng phục vụ việc ra quyết định để điều chỉnh theo hướng nới lỏng hay siết chặt các biện pháp ở từng địa bàn, thời điểm.
TP sẽ tập trung củng cố hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở và cộng đồng, gắn với hoàn thiện phát huy mô hình điều trị 3 tầng cũng như tiêu chí an toàn PCD; mục tiêu đảm bảo năng lực phản ứng y tế khi có tình huống dịch.
Về kế hoạch dạy học trực tiếp, ông Mãi đánh giá việc mở cửa trường học là vấn đề phức tạp, yêu cầu đặt ra là tổ chức dạy học trong môi trường an toàn. Các trường trước đây được sử dụng cho công tác PCD thì nay được sửa chữa lại. Ngành giáo dục cần điều chỉnh chương trình cho phù hợp với điều kiện giãn cách, rút gọn nhưng đảm bảo trọng tâm, trọng điểm.
Về tiêm vắc xin, ông Mãi cho biết TP thống nhất thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế nhưng với "nguyên tắc tự nguyện", tôn trọng quyết định của phụ huynh. TP sẽ tập trung tiêm cho các cháu có nguy cơ như béo phì, bệnh nền để giảm rủi ro khi mở cửa trường học.
Báo cáo HĐND, ông Trần Hoàng Quân, Giám đốc Sở Xây dựng TP, cho biết, theo chương trình phát triển nhà ở tại TP nhiệm kỳ 2021-2025, địa bàn sẽ xây mới 50 triệu m2 nhà ở và 366.000 căn nhà. Trong đó, khoảng 30.000 nhà ở xã hội sẽ phục vụ công nhân, người lao động thu nhập thấp.
Sở Xây dựng đang tổng rà soát nhu cầu thuê nhà và thực trạng nhà ở với nhóm đối tượng là công nhân, người lao động. Theo số liệu, toàn TP có hơn 99.000 hộ cho thuê với gần 1,7 triệu người lao động, 866.000 công nhân đang thuê.
"Trước đây, TP đã ban hành hướng dẫn người dân xây nhà trọ trên địa bàn với các tiêu chí đảm bảo cứu hộ, cứu nạn, PCCC. Qua đợt bùng phát dịch lần này, TP sẽ nghiên cứu để bổ sung tiêu chí PCD COVID-19, cùng những cơ chế, chính sách hỗ trợ chủ nhà trọ trên địa bàn", ông Quân nói.
Xem xét dỡ toàn bộ chốt chặn
Ngay sau khi kết thúc Kỳ họp thứ 3 HĐND TP khóa X, UBND TP HCM lập tức họp với Thủ Đức và các quận, huyện về tình kinh tế xã hội 9 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 3 tháng cuối năm.
Ông Lê Hòa Bình, Phó Chủ tịch TP, cho biết Công an TP đang xem xét để không còn chốt chặt (hiện có 51 chốt) ở địa bàn giáp ranh với các địa phương để tạo điều kiện cho lưu thông hàng hóa và chuỗi cung ứng lao động.
Ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế cho biết vừa tính toán cấp độ dịch của TP căn cứ trên Quyết định 4800 của Bộ Y tế. Về tiêu chí số ca mắc mới tại cộng đồng/100.000 người/tuần, hiện tỷ lệ của TP là 104,5. Về tiêm chủng, TP có tỷ lệ 98% người trên 18 tuổi tiêm mũi 1 và trên 76% tiêm đủ 2 mũi; 76,11% người trên 50 tuổi đã tiêm đủ 2 mũi. TP cũng đạt chỉ tiêu khả năng thu dung, điều trị ở cấp xã (trạm y tế lưu động và ICU).
"Ước tính hôm nay, TP đang ở cấp độ 2. Tuần trước, TP ở cấp 3. Nghe thì vui nhưng ngành y rất lo bởi ngay cả Singapore làm rất tốt, vừa công bố sau một tuần thì nâng cấp ngay. Đánh giá cấp độ dịch chỉ mang tính tức thì, không có giá trị vĩnh viễn, nếu chủ quan, không làm tốt việc đang làm thì cấp độ dịch sẽ tăng lên vì chủng Delta quá phức tạp", ông Thượng nói.
Bà Phạm Thị Hồng Hà, Giám đốc Sở Tài chính, cho biết thời gian tới, TP sẽ tăng thu ngân sách. Sở tính toán trong năm 2021, TP có thể thu hơn 21.000 tỷ đồng từ đất nếu thực hiện đúng các quy định về bán đấu giá quyền sử dụng đất.
Về quản lý chi, TP tiếp tục tiết kiệm tuyệt đối chi thường xuyên. Thời gian qua, các địa phương đã tiết kiệm gần 1.400 tỷ chi thường xuyên. Bà Hà đề nghị các địa phương tiếp tục rà soát, cắt giảm các khoản chi.
Vấn đề nhà ở cho công nhân, người lao động, người thu nhập thấp đã được Chủ tịch UBND TP HCM nhắc tới tại buổi thảo luận trong cuộc họp HĐND hôm 18/10. Cụ thể, TP cần tính toán phương án đảm bảo nhà ở đủ điều kiện cho người lao động, người thu nhập thấp đang phải cư trú tại những khu vực chật chội.
Ông Mãi thông tin, lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố đã lắng nghe các đơn vị trình bày những phác thảo bước đầu của đề án nhà ở cho công nhân, người lao động, người thu nhập thấp. Trong đó, TP đã tính toán tới chính sách cải tạo hệ thống nhà trọ hiện hữu.
"Nếu có chính sách tốt, TP sẽ cải tạo được hàng trăm nghìn căn nhà trọ trong vài tháng tới để nhóm đối tượng trên tiếp cận. Còn nếu xây mới nhà 5-10 tầng, mất ít nhất một năm nữa", ông Mãi nói.