Những ngày qua, tiểu thương chợ Vinh đang méo mặt vì những thiệt hại về tài sản dẫn đến tinh thần họ bị ảnh hưởng bởi áp thấp nhiệt đới gây mưa và ngập lụt khu chợ họ mưu sinh mỗi ngày. Theo đó, do áp thấp nhiệt đới trên địa bàn Nghệ An đã xảy ra mưa lớn trên diện rộng, thành phố Vinh cũng là địa phương có mưa lớn vào đêm 9 rạng sáng 10/10. Mưa lớn đã khiến nhiều tuyến đường, nhiều khu dân cư ngập sâu trong nước, vùng chợ Vinh cũng là nơi bị ảnh hưởng không nhỏ.
Theo một số tiểu thương chợ Vinh thì chiều ngày 9/10, thời tiết trên địa bàn vẫn chưa có mưa nên không ai để ý. Đến đêm thì mưa lớn xảy ra, người dân vẫn không hề nghĩ là khu chợ mình kinh doanh bị ngập úng như vậy. Đến khoảng 5h sáng ngày 101/10 nhận được điện thoại của những tiểu thương khác họ đổ xô đến ki ốt của mình trong chợ thì nước đã ngập sâu đến cả mét. Người dân phải bì bõm lội nước ngang bụng để vào mở ki ốt mong vớt vát lại được ít nhiều vì xót của.
Hành lang thành nơi phơi hàng hóa sau khi bị ngập nước |
Bà Thảo, một tiểu thương kinh doanh mực khô, cá khô trong chợ Vinh chia sẻ “Cả đêm không nhận được cuộc điện thoại nào của bảo vệ hay ban quản lý chợ, đến 5h ra ốt để chuẩn bị bán hàng thì nước đã ngập không còn lại gì nữa rồi…”.
Chung tình cảnh như thế, bà Trần Thị Lan kinh doanh hàng mã, hàng khô, hàng giạt giống cho biết, hàng hóa của bà chỉ cần chạm nước là hỏng hết. Nếu có sự cố thì ban quản lý phải báo cho dân, nhưng không nhận được điện thoại của ai. Đến lúc ra đến nơi thì hàng hóa đã ướt ngâm nằm trong kho không thể sử dụng hay buôn bán lại được nữa…”.
Cầu thang thành nơi phơi thuốc |
Còn ông Nguyễn Văn Quang, kinh doanh hàng mã tại chợ Vinh bức xúc, “Chúng tôi đề nghị ban quản lý chợ phải làm rõ các bảo vệ đêm hôm đó có trực không, nếu trực sao không báo cho bà con biết để có thể di chuyển hàng hóa tránh thiệt hại lớn như vậy. Đến khi người dân biết thì nước đã dâng lên có đoạn đến bụng rồi thì hàng hóa coi như vứt đi. Ai sẽ là người chịu trách nhiệm cho thiệt hại của người dân ? trong khi thuế thì ngày càng tăng cao…”
Theo ông Tô Thanh Nhân, Trưởng ban quản lý chợ Vinh cho biết, đây là trận lũ bất thường, ban đêm (đêm 9/10) mưa thì nước chỉ lắp xắp khoảng 30-40cm, nhưng đến khoảng 4h sáng thì nước từ đâu ào về khiến Ban quản lý trở tay không kịp. “Khi xảy ra sự cố tôi đang có mặt tại đây, điều động toàn bộ lực lượng, cùng với công an phường, dân quan tự vệ nhưng không kịp. Có hơn 1.500 hộ dân kinh doanh thì Ban quản lý chỉ kịp điện thoại báo cho khoảng 100 hộ dân để họ chuyền cho nhau còn lại đang lo xử lý. Người dân biết cũng thì ra đường cũng không đi được vì nước ngập hết đường..”.
Phơi lại số măng khô bị ngập nước |
Hàng khô thành hàng ướt sau một đêm mưa |
Theo ông Nhân thì người dân và Ban quản lý cũng chỉ nhận được thông tin về áp thấp nhiệt đới qua ti vi và báo chí, ngày 9/10 thì trời nắng nên chủ quan, mưa lại xảy ra về đêm. Một nguyên nhân ngập chợ cũng do hệ thống cống thoát nước còn chưa đảm bảo. Theo thống kê chưa đầy đủ thì khoảng 1.500 hộ dân bị thiệt hại về tài sản, ước tính khoảng 7-8 tỷ đồng.
Sáng ngày 12/10, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh và Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường đã có mặt tại chợ Vinh khảo sát tình hình, động viên bà con tiểu thương và làm việc với lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh, TP.Vinh, phường Hồng Sơn, Ban Quản lý chợ Vinh.
Ông Quang cho rằng thiếu thông báo của Ban quản lý chợ khiến hàng hóa bị ngâm nước hư hỏng thiệt hại |
Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Đắc Vinh yêu cầu trước mắt khẩn trương hoàn thành thoát nước tại khu vực còn ngập nước ở chợ Vinh và tiếp tục dọn vệ sinh môi trường. Đánh giá lại nguyên nhân ngập lụt để có biện pháp phòng ngừa lâu dài bởi “không biết nguyên nhân thì không phòng được lần sau”. Bên cạnh đó, đồng chí yêu cầu khẩn trương hoàn thành các thủ tục để thực hiện dự án nâng cấp cải tạo chợ Vinh.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường giao các cơ quan, ban, ngành kiểm tra các nguồn để có phương án hỗ trợ bà con tiểu thương; giao các cơ quan chức năng hoàn thành sớm thủ tục dự án nâng cấp, cải tạo chợ Vinh.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh chia sẻ với bà con tiểu thương |
Chủ tịch Nguyễn Xuân Đường thăm hỏi động viên tiểu thương |
Ông Nguyễn Sỹ Hưng, Chi cục Thủy lợi Nghệ An cho biết, công tác cảnh báo về tin nhắn, công điện đã được Văn phòng và các đơn vị phối hợp làm rất đầy đủ. Tin nhắn đã được Văn phòng nhắn tin về các chủ tịch huyện, thị xã, xã phường nơi có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét…
Trước đó, thông tin từ Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An trong cơn bão số 10 về việc để xảy ra chết người chủ tịch huyện phải chịu trách nhiệm, hậu quả đã có 4 người tử vong trong và sau bão xảy ra. Ông Hưng cho biết, việc chịu trách nhiệm tùy thuộc tính chất, nếu do trách nhiệm quản lý Nhà nước bất cẩn thì phải chịu trách nhiệm, còn những trường hợp chết do ý thức người dân thì chủ tịch huyện không thể chịu trách nhiệm.
Người dân tranh thủ khoảng trống phơi lại đậu bị ngâm nước |
Theo báo cáo của Ban chỉ huy PCTT-TKCN Nghệ An đến 10h sáng ngày 12/10 ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn đã khiến 8 người tử vong, 4 ngôi nhà sập hoàn toàn, 350 ngôi nhà bị ngập, hư hỏng nặng…