Than nhập không chỉ cho ngành điện
Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, 9 tháng đầu năm 2016 Việt Nam nhập khẩu hơn 9,7 triệu tấn than, với kim ngạch hơn 600 triệu USD. Tính ra mỗi tháng nhập khẩu 1,2 triệu tấn. Theo quy hoạch ngành than, năm 2016 Việt Nam nhập khoảng 3 triệu tấn than dành cho các nhà máy nhiệt điện. Như vậy, trong 9 tháng đầu năm 2016 lượng than nhập đã gấp 3 lần so với Quy hoạch. Con số này dường như là “nghịch lý” với lượng than tồn kho trên cả nước đang ở mức gần 12 triệu tấn.
Với tình trạng đó, dư luận đặt câu hỏi: “Tại sao chúng ta lại nhập than nhiều trong thời gian gần đây, có phải do tăng trưởng cao của nền kinh tế hay do ngành than không bảo đảm được sức cạnh tranh...?”. Theo ông Nguyễn Khắc Thọ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương), 3 triệu tấn than nhập khẩu theo quy hoạch là lượng than tính toán theo trách nhiệm của Bộ Công Thương để đảm bảo cho sản xuất điện, chứ chưa tính sản lượng than đã nhập khẩu của các nhà máy trước đây.
Hơn nữa, trong nền kinh tế, ngoài điện còn có các ngành sản xuất cần đến than như xi măng, hóa chất, phân bón. Dự báo đến năm 2020 nhu cầu nhập khẩu than cho các hộ sản xuất này tương đương 8 triệu tấn. Trong 9,7 triệu tấn nhập khẩu 9 tháng đầu năm 2016 bao gồm cả than cho sản xuất điện và các hộ sản xuất khác nên sản lượng nhập khẩu than thực tế không tăng.
Tuy nhiên, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng thừa nhận tác động của việc nhập khẩu và tồn lượng than lớn làm giảm sản lượng khai thác, năng lực đầu tư của TKV (vốn), năng lực sản xuất của ngành than, công việc của người lao động, nhất là công nhân hầm lò.
Lượng nhập khẩu và lượng than tồn năm 2016 là tương đương, trong phạm vi cho phép. “Nhập khẩu than để pha trộn với lượng than đang tồn kho giúp giảm giá thành cho khách. Đây là nhiệm vụ của TKV để đáp ứng nhu cầu than cho nền kinh tế”, ông Nguyễn Văn Biên, Phó Tổng Giám đốc TKV làm rõ thêm.
Song ông Biên thừa nhận “không lường hết khả năng lượng than nhập về tăng nhanh trong 9 tháng đầu năm” do nhiều nhà máy cắt giảm sản lượng khai thác nhưng nhiều nước lại khuyến khích đẩy than ra nước ngoài. Cộng với mức thuế xuất nhập khẩu than bằng 0% nên lượng nhập khẩu tăng đột biến như vậy.
Nhưng ông Biên trấn an rằng, dự kiến lượng nhập khẩu sẽ chững lại khi một số nhà máy vẫn nhập 2-3 triệu tấn than nhiều năm nay đã tiết chế sử dụng than nhập khẩu. Hơn nữa, giá than nhập khẩu đã tăng so với 6 tháng trước, đang tiệm cận giá than trong nước và sẽ tăng trong thời gian tới.
Vì sao giá than trong nước cao hơn giá than nhập khẩu?
Lý giải nguyên nhân khiến giá than trong nước luôn cao hơn giá than nhập khẩu, ông Nguyễn Khắc Thọ cho biết, do điều kiện khai thác của ngành than, đa số mỏ đã khai thác sâu (300m so với mặt đất), chi phí sản xuất tăng 3 lần, chi phí vận tải tăng 4 lần so với năm 1995, thuế tài nguyên tăng trung bình 3 lần, phí cấp quyền khai thác tăng lên 12% đối với khai thác hầm lò và 14% so với khai thác lộ thiên.
Tỷ lệ khai thác, cơ giới hóa, quản lý của nhiều nước tốt hơn, trong khi ngành than ở Việt Nam có năng lực khai thác khá, đã cơ giới hóa nhưng còn thấp, công nghệ và quản lý cần hoàn thiện thời gian tới để nâng cao giá thành cạnh tranh.
Giá than khó khăn một phần nguyên nhân là do công tác quản trị nên “TKV đã có đề án để nâng cao sức cạnh tranh của ngành than và đạt được kết quả lớn về năng suất lao động của thợ trong hầm lò tăng từ 1.200 tấn/người/năm lên dự kiến 1.500 tấn/người/năm vào năm 2016; giảm chi phí sản xuất ở những khâu quản lý chung và trung gian, đổi mới công tác quản trị, công nghệ, quản trị tài nguyên…”, ông Thọ cho hay.
Dự báo nhập khẩu vẫn tăng khi thuế nhập khẩu là 0 nên để tháo gỡ khó khăn cho ngành than, đầu tháng 10 Bộ trưởng Bộ Công Thương đã báo cáo Thủ tướng điều chỉnh thuế tài nguyên và phí cấp quyền khai thác than. Đồng thời, ông Thọ nhấn mạnh, để giải quyết than tồn kho trong nước thì phải có cơ chế về giá theo thị trường, điều chỉnh thuế tài nguyên, phí cấp quyền… để giảm giá thành khai thác, tăng tính cạnh tranh cho than nội địa trước “làn sóng” than nhập khẩu do ảnh hưởng của diễn biến thị trường hiện nay.