… Từ tai nạn giao thông
Phản ánh đến Báo PLVN, bà Nguyễn Thị Thúy, nguyên Trưởng phòng Quản lý Giao thông, Cty Cổ phần Quản lý và Xây dựng đường bộ 234 (Cty 234) cho biết: Theo nhiệm vụ được giao, ngày 22/3/2011 bà đi từ Thái Bình đến Ninh Bình để kiểm tra tuyến theo sự phân công của Giám đốc nhằm phục vụ cho đợt nghiệm thu Dự án thi công quốc lộ 10 (Gói thầu PBC/CP-3 quốc lộ 10 - công trình thí điểm quản lý đường bộ theo chất lượng thực hiện, do Ngân hàng Thế giới tài trợ) mà bà được giao trách nhiệm trợ lý Giám đốc điều hành dự án. Đi đến KM110+700, quốc lộ 10 thuộc xã Mỹ Xá, TP Nam Định thì bà bị tai nạn giao thông (TNGT).
Sau khi phục hồi, bà lên Cty 234 đề nghị giải quyết chế độ bảo hiểm của dự án cho bà, song Cty 234 không những không ghi nhận tai nạn mà còn “giáng” bà xuống làm Phó Giám đốc Xí nghiệp (XN) Xây dựng Công trình 1, đồng nghĩa với việc đẩy bà vào “con đường” khiếu nại.
Cũng theo bà Thúy, khi xuống Xí nghiệp 1, bà thông báo bà còn phải giải quyết việc TNGT của mình để được chế độ bảo hiểm dự án và lãnh đạo của XN đã đồng ý, bà vẫn được trả lương như mức đang nhận. XN 1 trả lương cho bà Thúy được 1 năm (từ ngày 5/9/2011-10/9/2012), nhưng đến tháng 01/2013, XN 1 ra văn bản thông báo, do XN không ký kết được hợp đồng, không có việc làm nên tạm thời các cán bộ công nhân viên nghỉ việc không lương, trong thời gian nghỉ, phải tự túc đóng bảo hiểm...
Vì vậy bà Thúy lên Cty 234, yêu cầu phải làm rõ vụ TNGT của bà để nhận quyền lợi bảo hiểm và Công ty đồng ý để cho bà đi thu thập các giấy tờ liên quan đến vụ TNGT để giải quyết. Đến ngày 20/3/2013, Công an TP.Nam Định có Quyết định số 03 thông báo bà Thúy không bị thương trong vụ TNGT xảy ra ngày 22/3/2011.
“Văn bản này của Công an TP Nam Định đã căn cứ vào biên bản TNGT, lời khai của lái xe để cho rằng không có người bị thương khi tai nạn xảy ra. Điều này là hết sức vô lý và hoàn toàn không chính xác bởi sau khi tai nạn xảy ra, lái xe đã bỏ chạy khỏi hiện trường, không thể lấy ý kiến của một người đã bỏ chạy để làm chứng cứ kết luận “không có người bị thương trong tai nạn”, bà Thúy phản ánh.
Không đồng tình với văn bản trên, ngày 5/4/2013 bà đã làm việc với Công an xã Mỹ Xá và lập biên bản liên quan đến vụ tai nạn, nội dung xác nhận bà Thúy có bị thương sau khi tai nạn xảy ra, được người dân, lái phụ xe và 2 Cảnh sát giao thông sơ cấp cứu, sau đó chuyển bà Thúy về trụ sở công ty ở gần đó để nghỉ ngơi...
Mang văn bản này của Công an xã đến Công an TP Nam Định để làm bằng chứng, nhưng Công an TP.Nam Định vẫn một mực kết luận không có người bị thương sau khi tai nạn xảy ra vào ngày 22/3/2011.
Đến…nhưng khuất tất?
Liên quan đến vụ việc này, bà Thúy còn phản ánh nhiều dấu hiệu khuất tất của Cty 234 liên quan vấn đề lương, BHXH của bà. Tại Văn bản số 46480/CT-KTT3 về việc thực hiện kê khai thu nhập cá nhân của Cục thuế Hà Nội đối với bà nêu rõ, tổng thu nhập chịu thuế năm 2012 của bà Thúy là 56.600.000đ; tổng số tiền giảm trừ gia cảnh là 86.400.000đ; bảo hiểm bắt buộc 5.556.300đ. Đối chiếu với bảng lương cán bộ công nhân viên (CBCNV) năm 2012 của XN 1 (nơi bà Thúy bị Cty 234 điều về làm Phó Giám đốc xí nghiệp) thì mức lương cả năm bà Thúy nhận được là 56.600.000đ.
Cụ thể, tháng 1 bà Thúy được nhận mức lương 8 triệu đồng, từ tháng 2 đến tháng 8 mức lương được nhận là 6 triệu đồng/tháng, tháng 9 nhận được 2 triệu đồng, tháng 10 nhận 1,6 triệu đồng, tháng 11-12 nhận 1,5 triệu đồng/tháng. Như vậy, số liệu bảng lương của công ty khớp với số liệu Cục thuế Hà Nội cung cấp. Vậy tại sao tính đến thời điểm bị cho nghỉ hưu, bà Thúy mới chỉ được nhận lương đến tháng 9/2012?
Tiếp theo, trong Quyết định số 2000150298/QĐ-BHXH của Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP.Hà Nội, thì bà Thúy được hưởng chế độ hưu trí từ ngày 01/02/2015 với bảng tổng hợp quá trình đóng BHXH bắt đầu từ tháng 6/1993 đến tháng 9/2012.
Qua 2 văn bản trên có thể thấy, số liệu Cục thuế Hà Nội ghi nhận số tiền bà đóng BHXH trong cả năm 2012 của bà Thúy là 5.556.300đ. Đối chiếu bảng lương, bảng đóng BHXH của cả năm 2012 ở XN 1 thì các tháng 10, 11 và 12 bà Thúy vẫn được đóng bảo hiểm. Vậy không hiểu căn cứ trên hồ sơ nào để BHXH TP.Hà Nội làm quyết định về hưu cho bà Thúy, với quá trình đóng BHXH chỉ đến tháng 9/2012?.
Theo tìm hiểu của phóng viên, tại các văn bản giải trình của Cty 234 (với các cấp quản lý) thì bà Thúy nghỉ việc, bỏ việc, làm việc riêng… nhưng đến hạn tuổi nghỉ hưu, Cty vẫn làm quyết định hưu trí cho bà Thúy. “Tại sao cả một quá trình dài cho rằng tôi vô kỷ luật mà công ty không ban hành một quyết định kỷ luật hoặc thôi việc mà vẫn có quyết định hưu trí đối với tôi? Như vậy tôi vẫn được coi là một cán bộ của Cty 234, chịu sự quản lý của Cty 234. Vậy vì sao công ty không chịu trả lương cho tôi từ tháng 10/2012 cho đến lúc nhận quyết định nghỉ hưu vào ngày 1/02/2015”, bà Thúy cho biết.
Đáng nói, trong Biên bản họp của XN 1 vào ngày 7/3/2013 có ghi rõ quyết định cho toàn thể CBCNV nghỉ việc không lương và tự túc đóng bảo hiểm từ tháng 1/2013. Nhưng trong biên bản họp của Công đoàn Tổng cục Đường bộ Việt Nam ngày 21/11/2013 (về việc giải quyết đơn kiến nghị của bà Thúy) với XN 1 và Cty 234 lại viết rõ: “Trong quá trình chờ đơn vị tìm việc làm, XN đã thanh toán đầy đủ BHXH cho toàn bộ CBCNV đến tháng 6/2013 (trong đó có cả BHXH của bà Thúy)”. “Vậy, tại sao Cty báo cáo với Tổng cục Đường bộ đóng bảo hiểm đến hết tháng 6/2013 mà trong quyết định nghỉ hưu, thời hạn đóng bảo hiểm của tôi chỉ đến tháng 9/2012?”, bà Thúy đặt câu hỏi.
Trước những sự việc được cho là khuất tất trên mà suốt thời gian dài bà Thúy liên tục gửi đơn khiếu nại đến các cơ quan có liên quan, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng. Mới đây nhất, ngày 03/2 Thanh tra Bộ Công an tiếp tục có Văn bản số 227/TB-V24-P3 chuyển đơn khiếu nại của bà Thúy liên quan đến vụ TNGT đến Giám đốc Công an tỉnh Nam Định đề nghị xem xét, giải quyết.
Để tránh khiếu nại kéo dài, Báo PLVN đề nghị Bộ Giao thông Vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Công an TP.Nam Định cùng các cơ quan liên quan cần làm rõ, giải quyết dứt điểm khiếu nại của bà Thúy.