[links()]Sau khi PLVN đăng bài “Anh Phạm Đức Ninh đã được công nhận là Liệt sỹ”, nhiều độc giả liên hệ với tòa soạn bày tỏ băn khoăn vì sao sau 5 năm Công an viên Phạm Đức Ninh mới được công nhận là liệt sỹ…
Ông Nguyễn Duy Kiên, Trưởng phòng Chính sách 1 - Cục Người có công (Bộ LĐ -TB&XH) trao đổi thêm về vấn đề này.
- Thưa ông, lý do nào mà Chính phủ có quyết định công nhận Liệt sỹ cho anh Phạm Đức Ninh?
- Về vụ việc này, ngoài báo chí phản ánh thì Quốc hội cũng có ý kiến đề nghị Bộ LĐ-TB&XH xem xét lại trường hợp này. Sau đó chúng tôi đã yêu cầu địa phương xác minh lại, khi xác minh lại có đủ căn cứ thì mới làm được.
Chúng tôi phải hướng dẫn địa phương làm rõ trường hợp khi anh Ninh chạy vào rừng cao su là chạy trốn chết (vì sợ nhóm đối tượng côn đồ đông) hay là chạy đi gọi thêm lực lượng hỗ trợ. Lúc đầu thì biên bản địa phương trình lên không làm rõ tình tiết này mà chỉ nói là anh Ninh bỏ chạy vào rừng cao su và bị các đối tượng đuổi kịp và hành hung.
- Nếu Báo PLVN không lên tiếng và không có ý kiến của Quốc hội liệu anh Ninh có được công nhân là Liệt sỹ, bởi vụ việc đã qua hơn 5 năm?
- Nếu không có ý kiến của Quốc hội thì thông thường không được sửa hồ sơ. Bởi hồ sơ ban đầu lập như thế nào thì nó luôn là như thế, còn việc chỉnh sửa, bổ sung hoàn thiện sau này chỉ là một căn cứ để tham khảo.
- Vậy hồ sơ ban đầu tỉnh Bình Phước chuyển lên còn thiếu căn cứ gì mà 5 năm qua anh Ninh không được công nhận là Liệt sỹ, thưa ông?
- Hồ sơ ban đầu chỉ có biên bản vụ việc, không có kết luận của cơ quan công an. Chính vì thế hồ sơ chưa thể hiện được hai yếu tố: đó là sự dũng cảm và tinh thần kiên quyết đấu tranh chống tội phạm. Hồ sơ chỉ khẳng định được việc anh bỏ chạy, nhưng là bỏ chạy với tinh thần gọi thêm lực lượng để quay lại bắt bằng được nhóm đối tượng gây rối hay là bỏ chạy để bảo toàn mạng sống thì lại có ý nghĩa khác. Đây là hai chuyện khác nhau. Tuy nhiên, thực tế mà nói thì cái này cũng chỉ là vận dụng thôi, bởi cứ 5 năm, 10 năm rồi quay lại để làm cho hợp lý hóa hồ sơ thì rất là khó.
- Nghị định số 54/2006/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng đã hết hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/9/2012. Đến nay, Bộ LĐ-TB&XH đã hoàn thiện dự thảo để thay thế Nghị định 54 chưa, thưa ông?
- Bản dự thảo Nghị định này chúng tôi đã trình một đợt lên Chính phủ và Chính phủ đã đề nghị hoàn thiện lại một lần nữa. Bây giờ thì đã tương đối hoàn thành và sẽ nhanh chóng trình lên Chính phủ lần hai.
- Trong dự thảo này, khái niệm thế nào là dũng cảm có được làm rõ?
-Dự thảo nêu khái niệm dũng cảm là tự nguyện làm những việc mà biết là nguy hiểm đến sinh mệnh, có thể bị chết hoặc bị thương nhưng vẫn làm. Mọi người cũng cần phải phân biệt “lòng dũng cảm” và “hành động dũng cảm”, bởi đây là hai khái niệm khác nhau. Có thể anh là người nhát gan, nhưng vì gặp một trường hợp nào đấy anh lại có hành động dũng cảm bất thường. Còn lòng dũng cảm thì đi mãi theo mỗi con người cụ thể.
Trong việc công nhận liệt sỹ, chỉ yêu cầu họ có “hành động dũng cảm” thôi. Có những trường hợp không thể đòi hỏi lòng dũng cảm (có ý thức giáo dục) được.
- Ông có thể cho biết, dự thảo này đã công bố công khai để lấy ý kiến nhân dân chưa và dự kiến bao lâu sẽ ban hành?
- Thông thường, trước khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cơ quan chức năng phải lấy ý kiến nhân dân, nhưng vì Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng đã ban hành rồi và đã có hiệu lực, nếu làm theo quy trình bình thường thì phải đến giữa năm sau mới ra được Nghị định thay thế Nghi định 54.
Bởi vậy, Chính phủ đã cho phép chúng tôi làm theo quy trình rút gọn. Tức là các Bộ liên quan tham gia vào quá trình soạn thảo Nghị định và trình trực tiếp lên Chính phủ. Chúng tôi căn cứ vào ý kiến của các Bộ ngành để duyệt, còn những nội dung nào mà các Bộ ngành chưa thống nhất thì Chính Phủ phải họp để lấy phiếu thống nhất. Dự kiến, Nghị định này ban hành trong năm nay.
- Trân trọng cám ơn ông!
Vân Anh (thực hiện)