Ì ạch vì đâu?
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước thanh toán vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước từ đầu năm đến 31/3/2022 là 61.536,08 tỷ đồng, đạt 11,03% kế hoạch (đạt 11,88% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Trong đó, vốn trong nước là 61.192,76 tỷ đồng (đạt 11,70% kế hoạch và đạt 12,66% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Vốn nước ngoài là 343,32 tỷ đồng (đạt 0,99% kế hoạch).
Bộ Tài chính đánh giá, tỷ lệ ước giải ngân 3 tháng đầu năm 2022 đạt 11,88% là thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021 (13,17%); trong đó vốn trong nước đạt 12,66% (cùng kỳ năm 2021 đạt 14,74%), vốn nước ngoài đạt 0,99% (cùng kỳ năm 2021 đạt 0,66%).
Có 4 bộ và 20 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 20%. Một số bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao gồm: Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (47,24%), Thái Bình (33,9%), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (32,09%), Bộ Xây dựng (29,14%), Lai Châu (28,8%). Có 46/51 bộ và 29/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức bình quân chung của cả nước (11,03%), trong đó có 29 đơn vị chưa giải ngân kế hoạch vốn.
Theo Bộ Tài chính, việc giải ngân vốn đầu tư công (ĐTC) còn chậm có nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Khách quan là do 2021 là năm đầu tiên triển khai kế hoạch ĐTC trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Do đó, nhiều dự án khởi công mới chưa được các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương giao kế hoạch chi tiết do phải chờ Kế hoạch ĐTC trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 được thông qua.
Đồng thời, các hoạt động ĐTC bị ảnh hưởng lớn từ dịch COVID-19. Hầu hết các công trình xây dựng phải tạm dừng thi công tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội. Thêm vào đó, giá cả nguyên vật liệu xây dựng tăng cao đã làm ảnh hưởng đến công tác thẩm định giá vật tư, thiết bị, việc huy động nguồn lực và tiến độ thi công của nhà thầu.
Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu. Cụ thể, do có sự chênh lệch lớn giữa giá đất Nhà nước thu hồi với giá đền bù của nhà đầu tư theo cơ chế thỏa thuận, dẫn đến nhiều trường hợp có đất thuộc diện được Nhà nước thu hồi yêu cầu bồi thường với giá cao hơn quy định và yêu cầu thỏa thuận. Vì thế, nhiều dự án chưa có mặt bằng để thi công.
Bên cạnh đó, tại nhiều đơn vị chưa minh bạch trong tổ chức đấu thầu, còn trường hợp lựa chọn nhà thầu không đủ năng lực, ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Đối với các dự án sử dụng vốn nước ngoài, có nhiều dự án thực hiện điều chỉnh chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, điều chỉnh hiệp định vay. Trong khi hiện nay, các quy trình này thường phức tạp và kéo dài dẫn đến việc một số dự án đã được bố trí vốn nhưng không thể rút vốn do chưa hoàn thành thủ tục điều chỉnh...
Quyết liệt đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân
Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, giải pháp tại Công điện 126/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 8/2/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc đôn đốc, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022...
Bộ Tài chính cũng đang tiếp tục đề nghị Bộ KH&ĐT chủ trì đề xuất chuyển số vốn hết quý I/2022 chưa phân bổ của các bộ, ngành và địa phương cho các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương khác để tập trung giải ngân theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Tài chính cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp đôn đốc, chỉ đạo quyết liệt việc đẩy nhanh tiến độ, hoàn thiện thủ tục, tiến độ thi công và giải ngân các dự án, kịp thời xử lý với các vướng mắc trong phạm vi thẩm quyền, trường hợp vượt thẩm quyền, đề nghị có báo cáo và đề xuất cụ thể để có cơ sở xem xét, quyết định; kịp thời điều chuyển vốn từ dự án không có khả năng giải ngân và giải ngân chậm sang dự án có khả năng giải ngân cao; tăng cường năng lực tổ chức thực hiện dự án ở cấp cơ quan chủ quản, chủ đầu tư và ban quản lý dự án.
Đồng thời yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động tổ chức kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện kế hoạch; kiên quyết xử lý nghiêm và kịp thời các tổ chức, cá nhân, lãnh đạo, cán bộ, công chức vi phạm quy định của pháp luật và cố tình cản trở, gây khó khăn, làm chậm tiến độ giao, thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ĐTC.