Vì sao hai tân tổng thống khiến NATO và EU 'điếng người'?

Ông Igor Dodon phát biểu sau khi trúng cử.
Ông Igor Dodon phát biểu sau khi trúng cử.
(PLO) -Ngày 14/11 vừa qua, cử tri hai quốc gia Đông Âu Moldova và Bulgaria đã bầu cử tổng thống mới. Kết quả khiến người Nga mừng rỡ, trong khi NATO và khối EU điếng người... Cả tân Tổng thống Moldova Igor Dodon và tân Tổng thống Bulgaria Rumen Radev đều là thủ lĩnh các chính đảng thân Nga!
 

Kể từ sau khi xảy ra khủng hoảng ở Ukraina, quan hệ giữa Nga với Mỹ và EU “xuống dốc không phanh”, Đông Âu thành địa bàn tranh giành quyết liệt của hai bên.

Igor Dodon – Hướng về Nga

Theo tờ “Financial Times” của Anh số ra ngày 14/11, kết quả kiểm phiếu trong cuộc bầu cử Tổng thống Moldova cho thấy, ứng cử viên Đảng Những người Xã hội chủ nghĩa Igor Dodon đã giành thắng lợi với tỷ lệ 55,4% số phiếu và trở thành tân tổng thống.

Ông Igor Dodon sinh ngày 18/2/1975, tốt nghiệp khoa Kinh tế Nông nghiệp. Đại học Nông nghiệp Moldova, năm 1998 ông giành được bằng Tiến sĩ Kinh tế trong nước, sau đó làm giảng viên đại học rồi tham gia hoạt động chính trị. Tháng 5/2005, Igor Dodon được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Kinh tế và Mậu dịch, đến tháng 9/2006 lên làm Bộ trưởng, năm 2008 ông được giao kiêm nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng và giữ chức này đến khi chính phủ của bà Thủ tướng Zinaida Greceanii sụp đổ vào tháng 9/2009. Năm 2011, Igor Dodon ra tranh cử chức Thị trưởng thủ đô Kishinev nhưng chỉ được 49,4% nên thất bại. Tháng 11/2011, Igor Dodon ra khỏi Đảng Những người cộng sản rồi gia nhập Đảng Những người Xã hội chủ nghĩa. Ngày 18/12 năm đó, ông được bầu làm Chủ tịch đảng này.

Tại cuộc bầu cử tổng thống Moldova ngày 31/10/2016 vừa qua, ông Igor Dodon và ứng cử viên Đảng Hành động & Đoàn kết Maia Sandu lần lượt được 48,91% và 37,79% số phiếu bầu. Do không ai được quá bán nên các cử tri phải tiến hành bỏ phiếu vòng 2, trong lần này, ông Igor Dodon đã giành thắng lợi áp đảo.

Moldova là một trong những quốc gia nghèo nhất châu Âu, nằm ở khu vực là địa bàn tranh giành quyết liệt giữa các nước EU và Nga. Giống như các nước cộng hòa trong Liên Xô cũ là Ukraina và Gruzia, Moldova đã ký Hiệp định Hỗ trợ chính trị và Tự do mậu dịch với EU, nền tài chính nước này cũng dựa rất nhiều vào EU. Năm 2014, Moldova đã xảy ra vụ bê bối 3 ngân hàng lớn bị mất đứt 1 tỷ USD trong vòng mấy ngày. Sự kiện này khiến dân chúng vô cùng bất bình với chính quyền tham nhũng.

Sự ủng hộ của dân chúng Moldova đối với ông Igor Dodon chính là thể hiện thái độ bất bình của họ đối với hiện trạng đất nước. Mặt khác, ông Igor Dodon cũng được họ tin tưởng bởi chính sách bảo hộ mậu dịch đối với EU. Ông chủ trương bãi bỏ Hiệp định đã ký với EU năm 2014, chuyển sang gia nhập Liên minh Kinh tế Âu - Á do Nga đứng đầu. Kết quả thăm dò dân ý tháng 10 vừa qua cho thấy: chỉ có 30% dân chúng Moldova vẫn muốn gia nhập EU, trong khi có tới 66% bày tỏ tin tưởng vào Tổng thống Nga Putin.

Năm 1940, Moldova gia nhập Liên bang Xô Viết với tên gọi Cộng hòa XHCN Xô viết Moldova, năm 1990 đổi tên thành Cộng hòa XHCN Moldova, đến 5/1991 lại đổi thành Cộng hòa Moldova và tuyên bố độc lập vào tháng 8/1991. Moldova hiện theo chế độ cộng hòa 1 nghị viện, Tổng thống và Thủ tướng điều hành chính phủ do Quốc hội bầu ra.

Rumen Radev – Muốn thêm bạn bớt thù

Tại cuộc bầu cử Tổng thống Bulgaria diễn ra cùng ngày 14/11, ông Rumen Radev, cựu tướng không quân và là một phi công lái máy bay chiến đấu – người có quan điểm thân Nga, đã giành thắng lợi với 60% số phiếu cử tri ủng hộ. Trong khi vận động tranh cử, ông Rumen Radev chủ trương tăng cường ngăn chặn người tỵ nạn xâm nhập và cam kết sẽ phát triển quan hệ tốt với Moscow. Ông công khai cho rằng EU cần chấm dứt sự trừng phạt đối với Nga. Sau khi thắng cử, Rumen Radev tuyên bố trước các nhà báo: “Đây là thắng lợi của tất cả mọi người Bulgaria. Dân chủ đã chiến thắng sự lãnh đạm và sợ hãi”.

Năm nay 53 tuổi, ông Rumen Radev chưa có kinh nghiệm chính trường. Ông gia nhập không quân Bulgaria năm 1987, năm 2009 trở thành Phó tư lệnh không quân, Khi trong quân đội ông đã từng thách thức cựu Thủ tướng Boiko Borisov – người vừa từ chức sau khi ông thắng cử. Chính vì Rumen Radev công khai thách thức Boiko Borisov nên Đảng Xã hội chủ nghĩa đối lập đã mời ông ra làm ứng cử viên của họ ra tranh cử chức Tổng thống.

Ông Rumen Radev khi đang là phi công.

Ông Rumen Radev khi đang là phi công.

Đối với chính sách trừng phạt Nga mà khối EU tiến hành, Rumen Radev từng bày tỏ: “Tôi thật sự tin rằng việc trừng phạt Nga sẽ không đem lại bất cứ tác dụng nào, mà chỉ gây thiệt hại cho cả Nga lẫn EU”. Ông cũng nói: “Tuy Bulgaria cũng là quốc gia thành viên EU, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng tôi đương nhiên trở thành kẻ thù của Nga”. Đối với cuộc khủng hoảng Ukraina và vấn đề Krưm, Rumen Radev nói: “Về lý thuyết, Krưm là của Ukraina, nhưng trên thực tế, người Nga đang kiểm soát nơi này”.

Do chính phủ của Thủ tướng Boiko Borisov không thể gặt hái kết quả trong cuộc chiến chống tham nhũng và cải cách nên ong Rumen Radev đã đắc lợi trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua. Ông Boiko Borisov từng nói: Nếu Rumen Radev trúng cử tổng thống thì ông ta sẽ từ chức ngay. Việc đương kim thủ tướng bất ngờ từ chức khiến tình hình chính trị Bulgaria trở nên không ổn định, kéo theo nhiều hệ lụy, gây trở ngại đến cuộc cải cách và có thể khiến các nhà đầu tư nước ngoài chùn bước.

Trong 2 cuộc Chiến tranh thế giới thứ Nhất và thứ Hai trước đây, Bulgaria đều đứng về phía nước Đức. Sau Chiến tranh thế giới thứ Hai, Bulgaria nằm trong phạm vi thế lực của Liên Xô. Năm 1946, nước này bãi bỏ thể chế quân chủ, thành lập nước Cộng hòa nhân dân Bulgaria. Năm 1955, Bulgaria trở thành nước thành viên khối Hiệp ước Warszawa. Với sự đột biến chính trị ở Đông Âu, năm 1990, Bulgaria bãi bỏ thể chế Xã hội chủ nghĩa, thực thi chế độ đa đảng và đổi tên nước thành Cộng hòa Bulgaria. Năm 2004, Bulgaria gia nhập NATO, đến 2007 thì gia nhập EU. Cũng giống như Moldova, Bulgaria thực hiện thể chế cộng hòa nghị viện, tổng thống là chức vụ mang tính lễ nghi, chính quyền sẽ do thủ tướng được quốc hội bầu ra nắm giữ và điều hành nội các.

Về phía Nga, ngày 14/11, ông Dmitry Peskov, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga cho biết Nga sẵn sàng đáp lại mong muốn hợp tác (với Nga) của chính phủ mới tại Bulgaria và Moldova.

“Quả đắng” cho EU và NATO

Tờ “Wall Street Journal” của Mỹ ngày 14/11 đã bình luận kết quả các cuộc bầu cử tại Moldova và Bulgaria cho thấy, Nga sẽ có thêm những đồng minh mới ở Đông Âu. Báo này cho rằng: Các kết quả bầu cử này cũng “chứng minh những rạn nứt trong nền tảng của Liên minh châu Âu (EU)”.

Kết quả bầu cử tổng thống ở Bulgaria và Moldova như thể dội thêm “gáo nước lạnh” xuống EU và NATO đúng vào lúc khi mà họ còn chưa qua cơn bối rối bởi chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ. Bởi nếu khi cầm quyền ông Trump thực hiện những gì đã cam kết và thể hiện trong vận động tranh cử thì EU và NATO sẽ khó khăn mọi bề; khi ấy lại thêm chuyện tổng thống mới đắc cử ở Bulgaria và Moldova đều được coi là những người thân Nga. Bulgaria là thành viên EU và NATO còn Moldova được cả EU lẫn NATO tranh thủ và lôi kéo để họ không sa vào phạm vi ảnh hưởng của Nga.

Mối quan hệ giữa Nga với EU và NATO đang trắc trở, căng thẳng từ mấy năm nay vì các cuộc khủng hoảng ở Ukraine và Syria. Trong bối cảnh đó, kết quả bầu cử tổng thống ở Bulgaria và Moldova sẽ làm nội bộ EU và NATO thêm phân rẽ, làm EU và NATO thêm khó khăn và khó xử, thêm yếu thế trong quan hệ với Nga.

Vladimir Putin và Rumen-Radev.
Vladimir Putin và Rumen-Radev.

Đây thật đúng là “quả đắng” đối với EU và NATO. Đối với EU, tình thế tác động càng thêm tai hại bởi EU hiện vẫn bối rối và lúng túng, luẩn quẩn và bế tắc trong ý tưởng giải pháp về những vấn đề như tiếp tục đối phó khủng hoảng tài chính và nợ công, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giải quyết cuộc khủng hoảng về người tị nạn, vấn đề Ukraine và nước Anh quyết định ra khỏi EU.

Uy tín và ảnh hưởng của EU và NATO càng suy giảm trên châu lục thì chiều hướng phân hóa nội bộ sẽ càng gia tăng và khả năng những gì vừa xảy ra ở Mỹ sẽ tái diễn ở các nước thành viên càng không thể bị loại trừ. Khi ấy thì sẽ không còn là “quả đắng” nữa mà là thảm họa đối với EU và NATO.

Đọc thêm

Tuyên bố đáng chú ý của Nga

Tuyên bố đáng chú ý của Nga
(PLVN) - Trong bối cảnh phương Tây thảo luận việc cung cấp vũ khí hạt nhân cho Ukraine, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev đưa ra tuyên bố: Nga có thể chuyển giao công nghệ hạt nhân cho "các quốc gia thù địch với Mỹ".

Chấn động thế giới những vụ tai nạn cuối tuần qua

Chấn động thế giới những vụ tai nạn cuối tuần qua
(PLVN) - Thế giới vừa trải qua một cuối tuần nhiều biến động với loạt tai nạn thảm khốc xảy ra ở nhiều nơi: Xe khách lao xuống vực ở Brazil, máy bay Nga bốc cháy khi hạ cánh ở Thổ Nhĩ Kỳ, lũ quét kinh hoàng ở Indonesia và cháy lớn thiêu rụi khu ổ chuột ở Philippines...

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.