Đây là cuộc gặp cấp cao đầu tiên với một nhà lãnh đạo châu Á kể từ khi ông Trump chiến thắng trong cuộc bầu cử. Cuộc gặp mặt lần này rất được các nhà lãnh đạo châu Á và châu Âu quan tâm.
Theo Reuters dẫn lời ông Abe trước khi rời Tokyo bước vào chuyến thăm đến Mỹ, ông muốn xây dựng một mối quan hệ tin tưởng lẫn nhau với tân Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump. “Liên minh Mỹ-Nhật là nền tảng cho chính sách ngoại giao và an ninh cốt lõi của Nhật và liên minh này sẽ càng tốt đẹp hơn nếu có sự tin tưởng từ hai phía và tôi muốn xây dựng niềm tin với ông Trump”, ông Abe nói.
Được biết, chuyến thăm lần này cũng là cơ hội để Thủ tướng Abe tìm hiểm rằng ông Trump có thực sự yêu cầu Nhật Bản phải trả thêm tiền không, và nếu không trả, Mỹ có rút lực lượng quân sự ra khỏi Nhật Bản hay không?
Trước đó, trong chiến dịch vận động tranh cử, ông Trump từng tuyến bố muốn Nhật Bản và Hàn Quốc trả thêm tiền để Mỹ tiếp tục cung cấp sự hỗ trợ quốc phòng. Tuy nhiên, dự kiến ông Trump sẽ trấn an Nhật Bản và các đồng minh khác của Mỹ ở khu vực châu Á vốn đang hoang mang vì những tuyên bố mà ông đưa ra trong cuộc đua vào Nhà Trắng.
Cố vấn của Thủ tướng Abe là ông Katsuyuki Kawai nói Reuters: “Chắc chắn Thủ tướng Abe sẽ nói về tầm quan trọng về mối quan hệ liên minh Mỹ-Nhật, nó không chỉ quan trọng đối với cả hai nước mà còn ảnh hưởng đến các nước trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”.
Về phía cố vấn của ông Trump nói, cuộc gặp có thể đặt nền tảng cho quan hệ giữa chính quyền Trump với Nhật Bản và khu vực. Tuy nhiên, một số nhà ngoại giao nói rằng, cho tới khi nào ông Trump bổ nhiệm các vị trí chủ chốt trong nội các, chưa thể đánh giá được chính sách của ông đối với những vấn đề trong khu vực, bao gồm sự hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông và nguy cơ hạt nhân từ Triều Tiên.
Trong chuyến thăm lần này, ông Abe có thể sẽ bàn về Hiệp định tự do thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) giữa 12 nước, được khởi xướng từ thời Tổng thống Obama và tuy nhiên Hiệp định này có “chết yểu” khi ông Trump lên nắm quyền. Được biết, việc ông Trump phản đối TPP có thể sẽ hủy hoại nỗ lực của ông Abe nhằm thúc đẩy phê chuẩn thỏa thuận này để đẩy mạnh quan hệ với Mỹ.
Tuy nhiên, trong khi Thủ tướng Abe là một trong những nhà lãnh đạo kỳ cựu, rất khác biệt so với ông Trump- một người có rất ít kinh nghiệm chính trị. Cuộc gặp lần này, rất có thể Thủ tướng Abe có thể sẽ dẫn dắt cuộc nói chuyện với ông Trump theo hướng mình mong muốn và tập trung vào việc hình thành những đường nét cơ bản cho chiến lược đồng minh Mỹ - Nhật nói riêng và với châu Á nói chung của tân Tổng thống mới đắc cử.
Ngoài ra, hai nước cũng rất có thể tìm ra nhiều điểm chung, bao gồm cam kết của họ về củng cố địa vị của mỗi nước trên trường quốc tế, mong muốn tạo đối trọng với sự nổi lên của Trung Quốc và cải thiện quan hệ với Nga.