Ngư dân xót xa vì cá chết hàng loạt
Theo thông tin từ người dân nuôi bè cá tại xã Kỳ Lợi (thuộc khu vực biển Vũng Áng) cho biết, cá trong lồng bắt đầu chết rải rác từ ngày 6/4 đến cuối ngày thì chết đồng loạt, nổi trắng bụng trên mặt nước. Theo ước tính, khu vực này có 5 hộ dân nuôi cá lồng, số cá chuẩn bị thu hoạch và cá còn nhỏ chết khoảng gần 2 tấn, thiệt hại gần 550 triệu đồng. Điều đáng chú ý là không chỉ cá nuôi trong lồng bè chết mà cá tự nhiên trong vực này cũng chết hàng loạt, thiệt hại lớn về tiền của và gây hoang mang cho dư luận.
Ông Võ Hữu Duật, trú tại thôn Hải Phong (xã Kỳ Lợi) cho biết: “Gia đình tôi đã nuôi cá trong lồng bè được 5 năm, đây là lần đầu tiên cá chết nhiều như thế này. Năm nay, nhà tôi nuôi 2 lồng, 8 ô, số lượng cá chết khoảng gần 500kg. Đây là nguồn thu nhập chính của cả gia đình, giờ cá chết không biết cả nhà sẽ “bấu víu” vào đâu. Chúng tôi mong cơ quan chức năng sớm vào cuộc tìm hiểu, can thiệp giúp dân nếu không với tình trạng này thì vốn liếng, tài sản của người dân có nguy cơ tiêu tan…”.
Cùng cảnh ngộ, anh Chu Văn Khánh (cũng thôn Hải Phong) buồn rầu nói: “Cả gia đình đang hoảng loạn cả lên các chú ơi, bao nhiêu vốn liếng tự có và vay mượn anh em, họ hàng dồn vào các lồng cá này cả. Nay cá chết nổi trắng bụng, ăn ngủ không yên, chỉ mới mấy ngày mà cá trong bè đã chết gần hết rồi. Hiện tại ước tính gần 450kg cá đã “ra đi”, xót xa lắm. Cứ tình hình này “sống không được mà chết cũng chả xong bởi bỏ thì tiếc mà thả lại thì cá cũng không thể sống được…”.
Không chỉ cá nuôi trong lồng bè của người dân bị chết mà theo nhiều ngư dân, tình trạng cá tự nhiên ngoài biển cũng có hiện tượng chết tương tự. Ngư dân Trần Đình Hường (thôn Đông Yên, xã Kỳ Lợi) thường hay đánh bắt cá tại khu vực này cho biết. “Từ ven bờ ra đến khoảng 2 hải lý, cá chết rất nhiều. Hôm qua đến bây giờ ngư dân vớt được rất nhiều cá, cá mắc lưới cũng rất nhiều, tình trạng lừ đừ như kiệt sức, giống như bị nhiễm “bệnh” nguồn nước độc từ đâu ấy. Chúng tôi rất hoang mang bởi việc này xưa nay chưa từng có…”.
Đâu là nguyên nhân?
Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Lợi Chu Văn Quang cho biết: Đến thời điểm hiện tại có 5 hộ dân nuôi cá lồng bè bị chết, các loại cá bị chết gồm: cá Hồng, cá Bớp số lượng chết là khoảng trên 2 tấn. Ngoài số cá lồng ngư dân nuôi thì ngư dân còn báo về ngoài vùng biển khu vực Vũng Áng, cảng Sơn Dương cá tự nhiên cũng chết nhiều. Vụ việc này từ trước đến nay chưa từng có.
Cũng tình trạng tương tự, tại các xã Kỳ Hà, Kỳ Ninh cá nuôi trong lồng bè, cá tự nhiên cũng chết hàng loạt. Theo phản ánh của người dân nuôi cá lồng, 12h đêm ngày 6/4 cá vẫn ăn bình thường chưa có dấu hiệu bệnh tật, nhưng từ 2h sáng ngày 7/4 sau khi nước thủy triều lên đẩy nguồn nước biển vào bắt đầu có hiện tượng cá bơi lờ đờ trên mặt nước, sau đó chết đồng loạt.
Theo Chi cục Nuôi trồng thủy sản Hà Tĩnh, ngày 6 – 7/4, trên địa bàn các xã Kỳ Lợi, Kỳ Hà, Kỳ Ninh (thị xã Kỳ Anh) có hiện tượng cá nuôi trong lồng chết hàng loạt. Trong đó, xã Kỳ Lợi cá chết 2,1 tấn, thiệt hại 535 triệu đồng; xã Kỳ Hà cá chết hơn 8.000 con, thiệt hại 220 triệu đồng; tại Kỳ Ninh, cá của 7 hộ nuôi chết 29.000 con, thiệt hại 355 triệu đồng.
Theo các ngư dân, việc cá ngoài biển chết như trên là rất bất thường. Một số người suy đoán có thể nguyên nhân là do nhiễm nguồn nước có độc từ các nhà máy trong khu vực thải ra. “Phải có một chất độc nào đó xả ra biển thì mới việc cá tự nhiên ngoài biển và cá nuôi chết hàng loạt như thế này. Sự việc chưa hề có tiền lệ, có chết thì cũng chết vài con do dịch bệnh thôi không thể chết hàng loạt như thế được…” - một ngư dân cho biết.
Liên quan đến sự việc, ông Phạm Văn Hùng, Phó phòng Tài nguyên và Môi trường TX Kỳ Anh cho biết: “Ngay sau khi nhận được thông tin của ngư dân và các hộ dân nuôi cá thông báo tình hình cá bị chết hàng loạt, chúng tôi đã cùng với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành kiểm tra thực tế, lấy mẫu cá, mẫu nước để xét nghiệm tìm hiểu nguyên nhân…”.
Được biết, tại khu vực biển Vũng Áng có Khu công nghiệp Formosa, Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng và nhiều doanh nghiệp khác đang hoạt động. Hiện người dân đang rất hoang mang trước sự viêc và mong chờ câu trả lời từ phía các cơ quan chức năng.
Sau khi nhận được thông tin, Chi cục Nuôi trồng thủy sản Hà Tĩnh đã mời Trung tâm Quan trắc môi trường và bệnh thủy sản Miền Bắc thuộc Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I đã tiến hành kiểm tra, thu mẫu cá, mẫu thức ăn và mẫu nước trong lồng nuôi, ngoài tự nhiên khu vực xung quanh lồng và các điểm nghi ngờ ô nhiễm để làm rõ nguyên nhân cá chết.