Vì sao bạo lực xã hội có xu hướng gia tăng? Làm cách nào để kiểm soát hành vi, tránh bạo lực? Tiến sĩ tâm lý học Trần Thành Nam (Đại học Giáo dục, Đại học Quốc Gia Hà Nội), thành viên của Hiệp hội Tâm lý và Giáo dục Việt Nam (VAPE) có những lý giải.
Mổ xẻ nguyên nhân
Thưa Tiến sĩ, có thể giải thích như nào về những hành vi bạo lực trong xã hội hiện nay?
- Theo tôi có rất nhiều nguyên nhân ở các góc độ khác nhau. Trước tiên về góc độ giáo dục gia đình, có thể thấy một đứa trẻ trước đây lớn lên trong môi trường an toàn, có bố mẹ, ông bà và cả xóm làng chăm sóc. Còn ngày nay bố mẹ có ít thời gian quan tâm con cái. Từ đó trẻ có cơ hội tiếp cận với bạo lực sớm và nhiều hơn qua phim ảnh, mạng xã hội. Mặc dù bố mẹ có cấm con xem phim ảnh bạo lực nhưng khi phụ huynh vắng nhà, nhiều trẻ vẫn tự ý lấy ra xem.
Nguyên nhân nữa là áp lực xã hội ngày càng lớn gồm áp lực tài chính, quan hệ xã hội. Điều đó phần nào khiến bố mẹ dễ căng thẳng hơn, dễ nóng tính hơn và có xu hướng sử dụng bạo lực với con cái, thậm chí không ít trường hợp bố mẹ bạo hành con ruột. Điều đó làm cho đứa trẻ bình thường hóa với bạo lực. Trẻ sẽ có suy nghĩ những người yêu thương mình mà còn sử dụng bạo lực thì với những người khác, trẻ sử dụng vũ lực khi không vừa ý là bình thường, chấp nhận được.
Các nghiên cứu cho thấy trong quá trình lớn lên, trẻ bị đối xử bạo lực có xu hướng nhạy cảm hơn với yếu tố thù địch. Chẳng hạn khi thấy bạn cười lại nghĩ bạn cười đểu, từ đó có xu hướng sử dụng bạo lực với những người bạn của mình. Khi đó giáo viên thường liệt trẻ vào diện học sinh cá biệt, bạn bè xa lánh. Thế là đứa trẻ hết cơ hội sửa đổi.
Nguy hiểm hơn những học sinh cá biệt chơi với nhau, tạo thành yếu tố băng nhóm. Khi có băng nhóm thì yếu tố bạo lực cũng tăng lên rất nhiều vì hành động nhân danh nhóm, ít sợ hãi. Ví dụ học sinh đánh nhau rồi quay clip đăng lên mạng xã hội là lợi ích của cả nhóm. Đây là mầm mống của hành vi vi phạm pháp luật trong tương lai.
Nhiều trẻ ngày nay bị tổn thương sức khỏe tâm thần, theo Tiến sĩ điều này ảnh hưởng tới hành vi bạo lực không?
- Có chứ, về mặt bệnh học, các nghiên cứu cho thấy tỷ lệ học sinh bị tổn thương sức khỏe tâm thần 20% nhưng việc chăm sóc sức chưa tốt. Mọi người vẫn còn kỳ thị với bệnh tâm thần nên ít người đi khám, kiểm tra sức khỏe tâm thần cho con em. Hành vi bạo lực, máu lạnh có thể ảnh hưởng từ sức khỏe tâm thần. Tức cá nhân đó bị áp lực sức khỏe như quá lo lắng nên không kiểm soát được hành vi của mình.
Ngoài ra phải kể tới việc giới trẻ hiện nay quá dễ dàng tiếp cận các chất kích thích, thậm chí chất cấm. Hầu như các vụ ẩu đả đều liên quan tới rượu, bia. Nhất là ở Việt Nam, mua rượu bia rất dễ.
Gần đây nhiều chuyên gia tâm lý nhắc tới mối liên hệ giữa “văn hóa sĩ diện” với hành động bạo lực, Tiến sĩ có thể nói rõ hơn?
- Ở góc độ văn hóa, dường như càng ngày con người càng rơi vào văn hóa sĩ diện. Họ ngày càng nhạy cảm với điều gì đấy liên quan tới sĩ diện bản thân và không chịu đựng được dẫn đến phản ứng tức thì.
Tôi lấy ví dụ như khi bị hỏi “tại sao không lấy vợ”, nhiều người cảm thấy bị xúc phạm, tức giận đánh trả. Hoặc trong bàn nhậu mời bia nhau nhưng người khác không uống, thế là cho rằng người đó không tôn trọng mình dẫn tới ẩu đả. Ở đây một câu nói thông thường của người khác có thể bị diễn giải theo khía cạnh coi thường, chứa hàm ý xấu, chứa đựng âm mưu gì đó và cách thức ra tay đều dựa trên diễn giải sai lầm như thế.
Có một lý thuyết tâm lý học khác diễn giải sự ấm ức cũng dẫn đến bạo lực. Trong xã hội nhiều áp lực, con người bị đối xử không công bằng nên cảm thấy ấm ức. Khi người bị ấm ức có xu hướng xả, dồn sự ấm ức đó sang những người xung quanh để bản thân cảm thấy thỏa mãn hoặc để mọi người cũng bị ấm ức như mình.
Công thức xử lý ấm ức thường là sự nhẫn nhịn rồi “giận cá chém thớt”. Ví dụ người chồng bị áp lực công việc xả giận lên vợ, con. Đến một lúc nào đó sự ấm ức vượt giới hạn dễ bị phát nổ, không kiểm soát hành vi của họ.
Quản lý stress để giảm bạo lực
Hẳn các nhà quản lý biết rõ điều này, nhưng tại sao bạo lực xã hội vẫn tiếp diễn, có xu hướng ngày càng manh động?
- Xã hội nào cũng có những trường hợp lệch chuẩn. Chúng ta đã có những giải pháp nhưng chưa triệt để. Một phần truyền thông ngày nay minh bạch nên những sự việc bạo lực được đưa ra cộng đồng nhiều hơn.
Ở tầm vĩ mô, các chính sách chúng ta đưa ra căn bản chưa giải quyết tận gốc vấn đề. Ví dụ vấn đề căn bản làm sao để giảm áp lực cho mọi người. Muốn thế hệ thống an sinh xã hội phải tốt lên, thủ tục hành chính bớt phiền hà đi. Rồi bản thân mỗi người cần được đối xử công bằng, được quyền chia sẻ và ghi nhận.
Đối với mỗi cá nhân, xã hội ngày càng phát triển đòi hỏi kỹ năng con người cần nâng lên nhưng giới trẻ ngày nay thiếu nhiều kỹ năng. Ví dụ như nấu cơm, dọn nhà, trông em, không phải trẻ nào cũng biết. Mặt khác bố mẹ nuông chiều con cái quá mức, thỏa mãn tức thì các đòi hỏi của con cái khiến trẻ mất khả năng chủ động, tự lập khi giải quyết vấn đề gì đó.
Vậy theo Tiến sĩ, giải pháp quan trọng nhất phi bạo lực là gì?
Theo tôi việc hình thành tính cách cho mỗi cá nhân từ nhỏ rất quan trọng. Bố mẹ là người thầy đầu tiên của con nên phải biết áp dụng những kỹ năng, kỷ luật tích cực với con để tạo cho trẻ cách ứng xử phi bạo lực.
Ở trường học, nhất là các lớp nhỏ thì việc cô giáo áp dụng kỷ luật tích cực cần thống nhất giữa nhà trường và gia đình. Ví dụ kỹ năng kiểm soát cảm xúc khi xảy ra điều gì đó không vừa ý của trẻ phải được cả phụ huynh lẫn giáo viên thống nhất. Còn khi lớn lên bản thân tự điều chỉnh hành vi.
Về phía xã hội cần có chế tài kiểm soát mạng xã hội, kiểm soát các sản phẩm bạo lực cũng như kiểm soát các chất kích thích, chất gây nghiện để cách ly trẻ khỏi môi trường này.
Tiến sĩ có thể chia sẻ một vài cách đơn giản để con người kiểm soát cảm xúc bản thân, tránh những hành động bạo lực?
- Mỗi người cần có kỹ năng quản lý stress, ví dụ như thủ thuật “nghỉ trước khi mệt” để tìm cho mình khoảng lặng nghỉ ngơi. Tôi ví dụ lúc bạn tức giận định đánh con, thay vì đứng trước mặt con thì hãy nói “con về phòng suy nghĩ lại”, tức là bạn đã tạo khoảng lặng cho mình.
Giải pháp nữa là mỗi người cần có những mối quan hệ xã hội để chia sẻ tâm lý, tình cảm. Thứ ba, bản thân càng khỏe mạnh thì giảm stress nên cần duy trì chế độ sinh hoạt lành mạnh, tập luyện thể thao.
Cuối cùng là thủ thuật quản lý những vấn đề gây stress cho bạn. Ví dụ như đi đường này hay tắc, ức chế hãy chọn đường khác dù xa hơn nhưng cảm thấy thoải mái...
Cảm ơn TS Nam về cuộc phỏng vấn!