Câu chuyện vi phạm luật pháp về xây dựng ở Việt Nam, đặc biệt là ở các đô thị đang rất cần được quản lý hàng chục năm qua là “chuyện thường ngày ở huyện”. Vào google gõ cụm từ “vi phạm luật pháp xây dựng”, trong 0,63 giây cho 3.990.000 kết quả.
Vừa qua, vụ việc các tập đoàn của những "ông chủ tai to mặt lớn” xuất hiện trên báo chí như những "điển hình" về vi phạm luật pháp đang đặt ra những vấn đề pháp lý trong xử lý công trình sai phép, không phép. Điều kỳ lạ là rất, rất nhiều công trình dù chưa được cấp phép nhưng vẫn xây dựng mà không vướng trở ngại nào. Khi báo chí nêu lên, dư luận xã hội tạo sức ép thì những cơ quan hữu trách mới “ra tay” phạt vi phạm hành chính và cũng “đùn đẩy” nhau đến tội nghiệp.
Luật pháp hiện nay có sơ hở không?
Theo Điều 13 Nghị định 121/2013, những hành vi xây dựng không phép, sai phép sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền 30-50 triệu đồng đối với công trình phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật hoặc lập dự án đầu tư xây dựng.
Nếu sau khi bị phạt hành chính mà vẫn tái phạm, tùy theo mức độ và quy mô công trình vi phạm, chủ đầu tư có thể bị phạt 500 triệu - 1 tỉ đồng và tước quyền sử dụng giấy phép xây dựng 6-12 tháng đối với hành vi xây dựng sai phép (điều 9, Thông tư 02/2014). Ngoài mức phạt trên, đơn vị vi phạm phải nộp số lợi bất hợp pháp có được bằng 50% giá trị phần xây dựng không phép.Với những công trình không phép, chỉ sau khi chủ đầu tư hoàn thành việc nộp tất cả các khoản tiền phạt thì cơ quan có thẩm quyền mới cấp giấy phép xây dựng.
Các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt hành chính đã được quy định rõ tại Điều 86 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, trong đó có biện pháp khấu trừ tiền từ tài khoản của đối tượng vi phạm. Ngoài ra, nếu việc xây dựng sai phép gây thiệt hại tính mạng hoặc thiệt hại nghiêm trọng sức khỏe, tài sản của người khác thì có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự theo các Điều 103, 229 Bộ luật Hình sự.
Đáng tiếc là từ quy định đến áp dụng vào thực tế là rất khó khăn, phụ thuộc phần lớn vào ý thức, thái độ làm việc của chủ đầu tư, chủ thầu và hơn hết là trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, các cán bộ trực tiếp thực hiện công việc. Nhiều trường hợp hoặc vì cả nể hoặc vì non kinh nghiệm, năng lực hoặc vì một mối quan hệ vô hình nào đó nên xử lý không triệt để.
Bao giờ có kỷ cương luật pháp trong lĩnh vực xây dựng? Không lẽ vi phạm mãi mãi xuyên từ thế kỷ này sang thế kỷ khác là “chuyện thường ngày ở huyện”?.