Venezuela hỗn loạn, vì sao?

Suy giảm nguồn thu từ dầu buộc Venezuela phải dừng những chương trình xã hội, làm xói mòn sự ủng hộ từ cử tri
Suy giảm nguồn thu từ dầu buộc Venezuela phải dừng những chương trình xã hội, làm xói mòn sự ủng hộ từ cử tri
(PLO) - Căng thẳng ở Venezuela vẫn đang ở mức cao khi cuộc khủng hoảng kinh tế đang bủa vây nước này chưa có dấu hiệu dừng lại. Tỉ lệ lạm phát ở Venezuela đang ở mức cao nhất thế giới, thậm chí còn bị Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán sẽ tiếp tục tăng lên tới 1.660% vào năm 2017. 

Ngày 1/11, Quốc hội Venezuela, do phe đối lập chiếm đa số, đã hoãn việc tiếp tục thúc đẩy phiên tòa chính trị xét xử trách nhiệm của Tổng thống Nicolas Maduro trong cuộc khủng hoảng hiện nay tại nước này, nhằm ủng hộ tiến trình đối thoại với chính phủ vừa được khởi động hôm 30/10. 

Chia rẽ vì đâu?

Venezuela hiện đang bị phân cực thành hai nhóm, giữa một bên là những người “chavitas” - ủng hộ các chính sách xã hội chủ nghĩa của nhà lãnh đạo quá cố Hugo Chavez, và nhóm thứ 2 - những người chỉ muốn chấm dứt 17 năm cầm quyền của đảng Xã hội Chủ nghĩa Thống nhất Venezuela (PSUV). Tổng thống Nicolas Maduro lên nắm quyền sau khi ông Chavez qua đời vào năm 2013 với sự chỉ định của đích thân nhà lãnh đạo cánh tả này, và với lời hứa sẽ tiếp nối những chính sách của ông Chavez.

Lực lượng “chavistas” đã tán dương hai vị tổng thống này vì đã tận dụng sự giàu có về dầu của Venezuela để làm giảm đáng kể sự bất bình đẳng và đưa nhiều người dân ra khỏi đói nghèo. Nhưng phe đối lập cho rằng, từ khi lên cầm quyền vào năm 1999, PSUV đã làm xói mòn thể chế dân chủ và có nhiều chính sách kinh tế sai lầm. Trong khi đó, “chavitas” tố cáo phe đối lập vì lợi ích nhóm và bóc lột người nghèo để gia tăng sự giàu có của họ. Họ cũng cho rằng lãnh đạo phe đối lập được hậu thuẫn bởi Mỹ - một quốc gia mà Venezuela có quan hệ căng thẳng trong những năm gần đây. 

Trên thực tế, Tổng thống Maduro đã không thể truyền cảm hứng cho những “chavistas” theo cách mà người tiền nhiệm làm được trước đó. Giá dầu trên thế giới lao dốc nhanh chóng cũng đẩy chính quyền cánh tả tới hàng loạt thách thức. Dầu chiếm khoảng 95% doanh thu xuất khẩu của Venezuela và là nguồn tài chính cho một số chương trình xã hội hào phóng của chính quyền, mà theo những số liệu chính thống thì những chương trình này đang cung cấp nhà ở cho hơn 1 triệu người nghèo của Venezuela. Suy giảm nguồn thu từ dầu mỏ buộc Caracas phải dừng những chương trình xã hội, làm xói mòn sự ủng hộ từ những cử tri then chốt. 

Đổ lỗi và hỗn loạn

Phe đối lập đổ lỗi cho ông Maduro đã gây ra khủng hoảng kinh tế, kêu gọi ông này từ nhiệm và tổ chức bầu cử lại với lập luận rằng chỉ có thay đổi trong bộ máy cầm quyền mới có thể kéo Venezuela ra khỏi bờ vực. Họ cũng cho rằng sự quản lý yếu kém của chính quyền cùng những chính sách xã hội chủ nghĩa đã dẫn đến lạm phát ngày càng gia tăng, làm trầm trọng hơn nữa việc thiếu thốn các nhu yếu phẩm, đẩy người dân Venezuela vào tình cảnh tồi tệ như ngày nay. Phe đối lập cũng chỉ ra rằng chính quyền lẽ ra nên tiết kiệm tiền khi giá dầu ở mức cao để dành cho những thời điểm như hiện tại khi mà giá dầu xuống thấp.

Phe đối lập đã kêu gọi, thu thập hàng triệu chữ ký để thúc đẩy một cuộc trưng cầu ý dân nhằm bãi nhiệm tổng thống. Giai đoạn 1 của tiến trình này đã hoàn thành với việc lấy được chữ ký của hơn 1% cử tri ở mỗi bang trong số 24 bang của Venezuela. Trong giai đoạn 2, phe đối lập có 3 ngày để thu thập chữ ký của 20% cử tri ở mỗi bang trong số 24 bang của Venezuela và nếu hội đủ số chữ ký cần thiết, một cuộc trưng cầu sẽ chính thức được tổ chức và để bãi nhiệm ông Maduro, họ phải có được số phiếu ủng hộ cao hơn số phiếu mà tổng thống nhận được trong cuộc bầu cử vào tháng 4/2013. Phe đối lập đã lên kế hoạch “khởi động” giai đoạn 2 của quá trình vào ngày 26/10; tuy nhiên, Ủy ban Bầu cử Venezuela đã tuyên bố đình chỉ hoạt động thu thập chữ ký của phe đối lập do các cáo buộc gian lận trong giai đoạn 1. 

Quốc hội do phe đối lập kiểm soát đã thúc giục người dân Venezuela đứng lên để bảo vệ hiến pháp phê duyệt một nghị quyết tuyên bố rằng Venezuela đã bị đảo chính và trật tự hiến pháp đã bị phá vỡ bởi chính quyền của Tổng thống Maduro. Phe đối lập cũng tuyên bố sẽ kêu gọi sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế để bảo vệ người dân Venezuela và bỏ phiếu nhất trí việc tổ chức một cuộc xét xử nhằm vào ông Maduro. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng điều này khó có thể trở thành hiện thực do Tòa án Tối cao đã bác bỏ mọi dự luật và kế hoạch mà Quốc hội nước này soạn thảo kể từ khi phe đối lập thế đa số tại cơ quan lập pháp sau cuộc bầu cử tháng 12/2015. 

Tích cực “giảm nhiệt”

Ngày 1/11, Thư ký điều hành Liên minh Bàn Đoàn kết Dân chủ (MUD) đối lập Venezuela Jesús Torrealba cho biết, 5 thủ lĩnh của tổ chức này bị bắt giam đã được trả tự do. Ông Torrealba đánh giá tích cực việc làm này của chính phủ và kêu gọi Tổng thống Maduro xây dựng bầu không khí chính trị có lợi cho việc phát triển đối thoại giữa hai bên. Theo ông này, hiện chính phủ đang giam giữ khoảng 130 nhân vật đối lập, trong đó có thủ lĩnh đảng Ý nguyện Nhân dân (VP) của ông Leopoldo López và cựu Thị trưởng Caracas Antonio Ledezma. 

Quốc hội Venezuela hoãn phiên tòa chính trị chống lại Tổng thống Maduro một ngày sau khi MUD yêu cầu chính phủ trả tự do ngay lập tức cho các nhân vật đối lập để có thể tiếp tục đàm phán. Một điều kiện nữa mà phe đối lập ở Venezuela đã đưa ra để đối thoại đó là việc phải tổ chức trưng cầu ý dân về việc lấy phiếu tín nhiệm Tổng thống Maduro ngay trong năm nay hoặc tổ chức tổng tuyển cử trước thời hạn.

Trước đó, Tổng thống Maduro và 3 đại diện của chính phủ đã cùng với ông Torrealba và 4 đại diện phe đối lập đã tham gia đàm phán, với vai trò trung gian hòa giải của Tòa thánh Vatican và Liên minh các quốc gia Nam Mỹ (UNASUR), nhằm tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng chính trị trầm trọng đang diễn ra song những mâu thuẫn gay gắt vẫn còn tồn đọng. Lãnh đạo phe đối lập Henrique Capriles tố cáo tổng thống đã lợi dụng thiện chí của Giáo hoàng cho mục đích của mình. Phó Tổng thống Diosdado Cabello của đảng PSUV thì tố cáo phe đối lập cố gắng tận dụng những cuộc đối thoại như bức bình phong để che giấu kế hoạch lật đổ ông Maduro bằng vũ lực. Thậm chí nội bộ Liên minh Bàn Đoàn kết Dân chủ (MUD) của phe đối lập cũng đang đối mặt với nhiều rạn nứt, khi một số lãnh đạo nói rằng họ không được tham vấn về buổi đối thoại nói trên. 

Dù đã có những nỗ lực “giảm nhiệt” mối bất hòa, song tương lai của Venezuela vẫn chưa thấy “ánh sáng phía cuối đường hầm”… 

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Loạt thảm họa xảy ra trên thế giới tuần qua

Loạt thảm họa xảy ra trên thế giới tuần qua
(PLVN) - Tuần qua, thế giới chứng kiến hàng loạt sự cố khiến nhiều người chết và bị thương, từ vụ cháy rừng kinh hoàng ở California, va chạm tàu điện tại Pháp, nổ trạm xăng tại Yemen... đến những tai nạn giao thông nghiêm trọng ở Cuba, Pakistan và Nam Phi.

Bác sĩ quân y thừa nhận lạm dụng tình dục 41 nạn nhân

Bác sĩ quân y thừa nhận lạm dụng tình dục 41 nạn nhân
(PLVN) - Bác sĩ quân y Michael Stockin đã nhận tội lạm dụng tình dục hàng chục binh sĩ tại căn cứ Lewis-McChord, Washington, Mỹ. Vụ việc được xem là một trong những bê bối lạm dụng tình dục lớn nhất trong lịch sử quân đội Mỹ, đặt ra yêu cầu khẩn cấp về việc giám sát và cải thiện chính sách tuyển dụng trong quân đội.

Đã có ít nhất 125 người thiệt mạng trong vụ động đất ở Tây Tạng, Trung Quốc

Những ngôi nhà bị hư hại được chụp ảnh sau trận động đất (Ảnh: Reuters)
(PLVN) - Trận động đất mạnh 7,1 độ richter đã xảy ra tại khu vực hẻo lánh ở phía nam Tây Tạng, gần biên giới Trung Quốc và Nepal, khiến ít nhất 125 người thiệt mạng và 188 người bị thương. Sự kiện đau lòng này đã làm sụp đổ hàng nghìn ngôi nhà và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân địa phương.

Phát hiện thi thể một nhà báo chống tham nhũng trong bể phốt

Nhà báo Mukesh Chandrakar (Ảnh: The Guardian)
(PLVN) - Anh Mukesh Chandrakar, một nhà báo nổi tiếng ở bang Chhattisgarh, Ấn Độ, đã bị phát hiện tử vong trong một bể phốt với dấu hiệu bị sát hại. Sự việc gây chấn động dư luận và đặt ra yêu cầu cấp bách về việc bảo vệ an toàn cho các nhà báo trong môi trường làm việc nguy hiểm.