Về quê sớm để 'cách ly đủ 7 ngày' đón Tết

0:00 / 0:00
0:00
Cánh cổng nhà riêng của chị Nguyễn Thị Ly ở xã Thiệu Phú, huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa) bị cán bộ xã thay ổ khóa mới, khi gia đình chị bắt đầu thực hiện cách ly 7 ngày.

Cán bộ cầm chìa khóa, gia đình cần gì thì gọi. Trước cổng nhà chị Ly dán thêm tấm biển cảnh báo "Gia đình có người từ vùng dịch trở về, đang được cách ly y tế tại nhà".

Đoàn ba người lớn, ba trẻ nhỏ tự cách ly tại nhà 7 ngày theo yêu cầu của địa phương. Đây là bước cuối cùng trong loạt quy trình từ khai báo y tế, xét nghiệm trước và sau khi cả gia đình họ trở về từ phường Hiệp Thành, TP Thủ Dầu Một - "vùng xanh" của tỉnh Bình Dương.

Tấm biển cách ly được xã Thiệu Phú dán trước cửa gia đình trở về từ Bình Dương, hôm 10/1. Ảnh: Hồng Chiêu

"Cách ly cho đủ ngày còn kịp ăn Tết", chị Ly nói về lý do cả gia đình trở về sớm. Hôm ấy sáng 9/1, cách Tết Nhâm Dần hơn hai mươi ngày, thời điểm mà theo lẽ thường không mấy người đi làm ăn xa trở về quê. Nhưng Covid-19 và quy định chống dịch của địa phương đã buộc những người đi làm ăn xa như chị Ly phải thay đổi thói quen, trở về sớm hơn.

Thiệu Phú là vùng thuần nông, gần 8.400 nhân khẩu thì hơn 2.000 người đi làm ăn xa. Từ Tết Dương lịch tới nay, bình quân mỗi ngày trên 30 con em của xã trở về, chủ yếu từ Hà Nội và các tỉnh phía Nam.

Lượng người về sẽ còn tăng nữa, lãnh đạo xã dự báo, nên yêu cầu người về từ vùng dịch phải xét nghiệm tại trạm y tế ngay khi về tới địa phương. "Xã không làm khó con em, quy định đặt ra nhằm đảm bảo an toàn trong Tết, cũng để nhân dân trong xã yên tâm", ông Trịnh Đức Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Thiệu Phú, nói.

Ông giải thích, không ai dám chắc người dân không tiếp xúc F0 hoặc lây nhiễm trên tàu xe, máy bay khi trở về quê. Toàn xã đã ghi nhận 14 ca dương tính, chủ yếu từ người về quê. Có những trường hợp từ vùng xanh, tiêm hai mũi vaccine, đã xét nghiệm âm tính nhưng vài ngày sau xuất hiện triệu chứng ho, sốt, đi xét nghiệm cho kết quả dương tính.

Người dân khăn gói rời Hà Nội về quê nghỉ Tết Dương lịch, chiều 31/12/2021. Ảnh: Ngọc Thành

"Tám năm rồi mình chưa về quê", chị Ly nói với chồng, một tuần trước khi quyết định sẽ về ăn Tết. Vợ chồng Ly thuộc thế hệ thanh niên đầu tiên trong làng "đi Nam" khi Bình Dương lập các khu công nghiệp đón làn sóng FDI những năm 2000.

Hồi tháng 10, khi thấy dòng người ồ ạt hồi hương, chị cũng nhấp nhổm về quê, nhưng sợ mang dịch cho xóm làng nên đành ở lại. Thêm ba tháng mở cửa, cuộc sống "bình thường mới" dường như vẫn chưa trở lại trong mắt chị Ly. Khi mà các xóm trọ vắng tanh, công nhân về quê gần hết, chỉ một số gắng ở lại kiếm tiền cuối năm. Bằng giờ những năm trước, tiệm tạp hóa của vợ chồng họ chất bánh kẹo, mứt Tết đầy các kệ hàng, bán đến đêm mới vãn khách. Năm nay, chị Ly không buồn nhập hàng.

Một tuần trước khi quyết định về quê, chị đã nhờ người thân, bạn bè hỏi về quy định cách ly của xã Thiệu Phú, nghe ngóng thêm từ những người về trước. Biết phải cách ly một tuần, chị tức tốc đặt vé máy bay về cho sáu người, không dám nấn ná, sợ ca nhiễm tăng hoặc quyết sách chống dịch thay đổi thì cả nhà sẽ không kịp đón năm mới. Họ thậm chí không dám mua một món quà từ Bình Dương về vì sợ "mang từ vùng dịch".

Bố mẹ chồng chị nấu một mâm cơm chiều, rồi "di tản" qua nhà con trai ở tạm, nhường căn nhà đang ở làm nơi tự cách ly cho sáu người về từ miền Nam. Con gái út ba tuổi lần đầu tiên được về quê nội, thấy ông bà đứng ở xa, muốn chạy đến ôm nhưng không dám. Họ bật điện hết điện trong nhà ngoài ngõ cho sáng, nhìn nhau cho rõ. Nhưng cũng chỉ trông qua lớp khẩu trang.

"Mình đi xa về, làng xã bảo thế nào thì làm như thế", chị Ly nói về lựa chọn duy nhất của những người trở về, dù từ vùng xanh, đã tiêm hai mũi vaccine và chủ động xét nghiệm cho cả nhà trước khi lên máy bay. Điều an ủi nhất là chị được hít thở không khí quê nhà sau hàng chục năm bươn chải đất khách. Thi thoảng, bố mẹ đứng ở nhà bên, gọi với sang hỏi các con cần gì để tiếp tế.

Người dân mua vé về quê tại Bến xe Mỹ Đình (Hà Nội) dịp Tết dương lịch 2022. Ảnh: Phạm Chiểu

Cũng trong cảnh xa quê như chị Ly, song chị Ngọc Hà sống ở huyện Bình Chánh, TP HCM, chưa dám đặt vé máy bay cho gia đình về quê. Thành phố đã trở thành vùng xanh, nhà hàng chị làm chủ dần đông khách trở lại. Song đây không phải lý do chính chị chưa thể xác định "có về quê ăn Tết hay không?".

Đầu tháng 1, chị gọi về quê ở huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc để hỏi quy định phòng dịch. Xã hướng dẫn tự cách ly tại nhà 7 ngày. Trong công văn mới nhất ban hành ngày 11/1, tỉnh Vĩnh Phúc cũng yêu cầu người dân khi đến, về địa bàn cần xét nghiệm trước, âm tính mới được về.

"Ở quê đâu cần quan tâm là vùng xanh hay vùng gì, đồng ý thì về, không thì thôi", chị nói, chia sẻ rằng người xa quê hầu như không có lựa chọn nào khác.

Chị Hà muốn về thăm bà ngoại trên 90 tuổi, khi không biết còn bao cái Tết được gần bà. Năm ngoái, gia đình ba người đã phải hủy vé về quê khi Hải Dương, Quảng Ninh và một số tỉnh miền Bắc bùng phát đợt dịch thứ ba. Nhiều địa phương kêu gọi con em hạn chế di chuyển, gia đình chị khi ấy cũng chưa được tiêm vaccine nên quyết định ở lại. Nếu quy định không thay đổi, Tết Nhâm Dần có thể là năm tiếp theo chị không thể sum vầy với cha mẹ.

Quyết định của chính quyền địa phương tác động trực tiếp đến tư tưởng, suy nghĩ của người dân, Hà chia sẻ. Khi quê nhà "đánh trống khua chiêng", thậm chí vận động con em hạn chế trở về, xóm giềng nghi ngại người đi xa về. Cả kỳ nghỉ Tết kéo dài 9 ngày, cách ly 7 ngày thì không ai dám đến nhà. Chị cũng không dám đi thăm họ hàng, nhất là bà ngoại tuổi đã cao.

"Tiêm đến ba mũi vaccine mà vẫn chưa được ăn Tết bình thường", chị nói. Năm nay, họ có thể vẫn sẽ ăn Tết xa quê.

Trước Tết, các tỉnh ban hành quy định phòng dịch mỗi nơi một kiểu. Một số nơi ngoài vận động người làm ăn xa hạn chế về quê, còn đòi người về phải có giấy xét nghiệm âm tính . Hầu hết các tỉnh yêu cầu người từ địa bàn cấp độ dịch mức 3, 4 cách ly tại nhà 7 ngày, các vùng còn lại tự theo dõi sức khỏe 7 ngày, khai báo y tế. Cấp tỉnh là vậy, song nhiều nơi, chính quyền cấp xã vẫn yêu cầu cách ly 7 ngày với người về quê không phân biệt vùng xanh hay đỏ.

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho rằng chủ trương chống dịch hiện nay là kiểm soát rủi ro chứ không "ngăn sông cấm chợ". Các tỉnh cần thực hiện đúng, tránh mỗi nơi một kiểu làm khó người dân. Địa phương cần tạo điều kiện cho người về quê đón Tết an toàn. Việc xét nghiệm chỉ thực hiện với người có dấu hiệu nghi ngờ như ho, sốt, khó thở hoặc tiếp xúc người nghi nhiễm, chứ không nên yêu cầu toàn bộ người vào địa bàn, vừa tốn kém, vừa gây tâm lý chủ quan.

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.