Họ đã không có được may mắn trong cuộc đời này, nên những nỗ lực để đi tới thành công là những vỡ òa của đau đớn và khát vọng. Trong không khí Giáng sinh ấm áp, tối ngày 23/12, 10 cô gái lọt vào vòng Chung khảo Vầng trăng khuyết đến từ khắp mọi miền đất nước trải qua ba phần thi và đã tìm ra Hoa hậu Vầng trăng khuyết. Đó là cô gái Nguyễn Thị Thanh Hoa đến từ Nghệ An...
Chúng ta còn cả cuộc sống này để yêu thương
Mười thí sinh đã trải qua ba phần thi trong đêm chung kết: Vẻ đẹp của tôi, Tài năng của tôi, Trí tuệ của tôi. Thí sinh Đào Thị Thi mắc bệnh viêm tuỷ, chia sẻ quan điểm về hạnh phúc bằng chính câu chuyện xúc động của mình: “Ngày đó, tôi là cô bé học sinh lớp 10, hạnh phúc là hàng ngày được đạp xe đến trường, ở một làng quê nghèo. Một buổi sáng thức giấc, sau một cơn đau, đôi chân tôi bị liệt. Rồi những năm trôi qua, tôi phải gắn bó với chiếc xe lăn.
Tôi quay lại ngôi trường học với những người khuyết tật. Tôi muốn nói rằng, tạo ra hạnh phúc là cách trân trọng những gì mình đang có. Hạnh phúc của tôi là những người cùng hoàn cảnh như tôi có nghị lực vượt qua được sự khuyết tật về thể xác, để tiếp tục vươn lên trong cuộc sống”.
Thí sinh khiếm thị Trương Thị Hoài Hạnh lại chia sẻ: “Tôi và các bạn, mỗi người chúng ta có thể khiếm khuyết một phần cơ thể, nhưng tôi và các bạn vẫn còn cả cuộc sống này để yêu thương”.
Thí sinh Nguyễn Phương Linh thì mong ước giản đơn rằng: “Tôi mong một ngày không xa đường có lối để xe lăn có thể lên được, các nơi có chữ nổi… và toàn xã hội chung tay giúp cho người khuyết tật có thể làm được điều mình muốn. Tôi chờ đợi tương lai công bằng với người khuyết tật”.
Phạm Thị Mỹ Châu tốt nghiệp ngành Kế toán, Trường Cao đẳng (CĐ) Công nghiệp TP Vinh (Nghệ An) và chuẩn bị kết hôn thì bất ngờ bị tai nạn, phải gắn cuộc đời với chiếc xe lăn.
Quyết không để bố mẹ nuôi và chăm lo mãi cho mình, Châu đã lên mạng internet giao lưu với bạn bè và tìm được công việc phù hợp, thu nhập ổn định. Giờ đây, Châu còn đau đáu ước mơ về chương trình hướng nghiệp cho người khuyết tật.
Trong phần thi tài năng, Phạm Thị Mỹ Châu thể hiện ca khúc “Tình mẹ”.
Thí sinh Thạch Phương Lynh từng là một cô bé bình thường, nhưng sau cơn sốt đôi chân dần yếu đi. Với nghị lực phi thường, Lynh cố gắng học tập. Hiện cô phụ trách thư viện trường nuôi dạy trẻ khuyết tật. Cô luôn tự nhủ phải học tập thật tốt, cố gắng hòa đồng hơn để người khác thấy được năng lực và không phụ niềm tin của mọi người.
Trong phần thi tài năng, Thạch Phương Lynh biểu diễn múa Khơ-me. Lynh muốn được gửi đến tất cả mọi người hình ảnh của một vầng trăng khuyết nhỏ bé ở “phum sóc” Sóc Trăng với một tấm lòng “khát vọng và yêu thương” tất cả mọi người.
“Tôi khát khao được sống trong một xã hội không định kiến sắc tộc, tôn giáo, màu da và nhất là xóa bỏ rào cản với người khuyết tật…. Nơi đó, người và người cùng nắm tay nhau, xây dựng một cuộc sống bình đẳng hơn, tốt đẹp hơn.
Tôi muốn nhắn nhủ với tất cả các bạn khuyết tật một thông điệp “Con người sinh ra không phải để tan biến đi như hạt cát vô danh. Chúng ta sinh ra để in dấu lại trên mặt đất, in dấu lại trong trái tim người khác”.
Sẽ luôn có những điều kì diệu cho những ai xứng với nó
Thí sinh Nguyễn Thị Thanh Hoa thể hiện khả năng làm MC chương trình “Nhịp cầu trái tim”. Ngay từ năm lớp 3, Hoa đã bắt đầu viết bài gửi các báo. Đến lớp 7 thường xuyên viết bài cho các báo và được giải cuộc thi “Nét bút tri ân” của Bộ GD&ĐT và VTV6.
Suốt những năm sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP HCM, cô vừa tham gia Câu lạc bộ Báo chí sinh viên vừa tham gia nhiều hoạt động, dự án về người khuyết tật...
Trả lời câu hỏi phần thi ứng xử “Theo bạn, để người khuyết tật có công việc ổn định của mình và không đánh mất cơ hội nghề nghiệp phù hợp với họ là gì?”, không chút suy nghĩ, cô trả lời rành mạch: “Người khuyết tật gặp rất nhiều khó khăn trong vấn đề tìm việc làm, có thể thấy rất nhiều người khuyết tật chỉ làm nghề đan lát, thủ công mỹ nghệ, tất cả công việc đòi hỏi trình độ lao động thấp, còn nếu có trình độ lao động cao thì ngành công nghệ thông tin.
Tuy nhiên, Thanh Hoa tin rằng có rất nhiều người khuyết tật có khả năng, năng lực cao hơn, và có những ngành nghề đa dạng hơn nữa để phù hợp với họ”.
Cô chia sẻ câu chuyện của chính mình, sau khi phẫu thuật để có thể bước đi bằng đôi chân của mình, bố mẹ Thanh Hoa đã khuyên cô nên đi học một lớp mây tre đan vì thực tế, bố mẹ đã không tin được con gái họ có thể làm được nhiều hơn thế.
Nếu Thanh Hoa nghe lời bố mẹ ở nhà, nghỉ học làm công việc mây tre đan, thì chắc chắn không có Thanh Hoa của sự đam mê, có những bước đi thành công và một Thanh Hoa tự tin như ngày hôm nay.
Thanh Hoa muốn khẳng định rằng, việc người khuyết tật gặp khó khăn, trong vấn đề việc làm đó bắt nguồn chính là sự kỳ thị, không phân biệt đối xử không tin tưởng vào năng lực của người khuyết tật; việc hướng nghiệp không đúng, không phù hợp, làm giảm thiểu các công việc phù hợp của người khuyết tật.
Cô muốn nhắn nhủ tới cộng đồng về người khuyết tật, thông qua chương trình này, mong muốn mọi người hãy lắng nghe tâm sự, cuộc đời của người khuyết tật dù là nấc thang nào trong hạnh phúc và bất hạnh nào.
Hơn hết là thay đổi cách nhìn nhận của họ, cô rất mong muốn xã hội nhìn nhận và chấp nhận sự đa dạng, khiếm khuyết về ngoại hình, hãy nhìn vào khả năng thay bằng nhìn vào sự khác biệt đó.
Hiện Thanh Hoa đã ra mắt “Tuyển tập những bài thơ, tản văn tình yêu quê hương, gia đình, đôi lứa”. Ngoài ra, cô còn tham gia dự án Trung tâm phát triển DRD ( một tổ chức phi chính phủ dành cho người khuyết tật).
Cô tin rằng mình sẽ làm tốt công việc ở đó bởi cô thấu hiểu khó khăn và có chút kinh nghiệm có thể giúp các bạn sinh viên khuyết tật.
Hỏi cô: “Khi xướng tên giải nhất, em có bất ngờ không?”. Cô chân thành: “Em rất bất ngờ, em nghĩ là bạn Phương Linh (Hà Nội) chứ không phải là em. Thực ra lúc thi ứng xử, đứng lâu đau chân, em đã nhón lên nhón xuống. Em có thể đi lại ngắn được nhưng rất đau. Thế nên khi quay trở lại sân khấu nhận giải, em đã quyết định ngồi xe lăn ra sân khấu.
Và rồi, trong giây phút đó, em đã quyết định đứng bằng đôi chân tật nguyền dù có đau cũng cố gắng bước đi để được mọi người chúc mừng. Và người đầu tiên em muốn cảm ơn là mẹ em, mẹ chăm lo cho em rất nhiều.
Tuy bây giờ, em sống ở Sài Gòn, nhưng bất kỳ những điều gì em đều chia sẻ với mẹ và gia đình. Em học hơn 4 năm trong Sài Gòn. Em tự kiếm tiền trả học phí.
Trước đây được DRD hỗ trợ học bổng kỹ năng mềm, nâng cao năng lực cho người khuyết tật. Sắp tới, em sẽ hỗ trợ cho các bạn sinh viên các trường ĐH, CĐ tại TP Hồ Chí Minh."
Khi hỏi về tình yêu và hạnh phúc, cô chia sẻ: Ở phần thi Tài năng là một phần câu chuyện của em (cô kể người con trai đến với cô, yêu cô nhưng đã không đủ dũng cảm để đối diện với bạn bè, gia đình khi nhìn vào một người con gái khuyết tật. Cho dù cô ấy giỏi giang, tài năng, có tâm hồn, trí tuệ)... Tuy nhiên tin rằng, em xứng đáng nhận được tình yêu đích thực và sự hạnh phúc”.
Có thể nói, các cô gái đến với cuộc thi Vầng trăng khuyết, cuộc sống đã không mang tới những điều kì diệu thì tự các cô đã làm nên những điều phi thường.
Từ câu chuyện cuộc đời của các cô là sự ấm áp cho những yêu thương được cho đi và nhận lại, như những mùa Giáng sinh và năm mới an lành, nhắc nhở chúng ta về lòng trắc ẩn, những dung dị rất đỗi ấm áp trong cuộc đời...