Những ngày đầu tháng 5/2013, chị Hằng phải chạy ngược chạy xuôi giữa Lâm Đồng – Sài Gòn với gánh nặng oằn vai vượt quá sức chịu đựng của người phụ nữ. Chị vừa sinh con mới mấy tháng, chồng lại bị bệnh nặng phải nhập viện chạy thận ở TP.HCM. Rồi tai họa lại giáng thêm đòn chí tử vào số phận của chị: Cha chị mất.
Vừa mới xuống Sài Gòn thăm chồng hôm trước, ngay hôm sau chị lại phải tất tả đón xe quay về Lâm Đồng để chịu tang cha. Đã vậy tự dưng mất toi mấy chục triệu đồng một cách vô lý khiến chị càng đau lòng thêm, cứ tự trách mình sao ngây thơ để người ta lừa vào tròng “ngọt ngào” như thế.
Cái bẫy “giấy giả” chết người
Đầu tháng 5/2012, nhà cần tiền nên chị Hằng định vay vốn ngân hàng. Ngặt nỗi đâu phải ai cũng rành thủ tục vay vốn ngân hàng, thấy bà Đỗ Thị Thu Hương ở cùng xã có nhiều mối quen biết nên chị liền đánh tiếng nhờ bà Hương giúp đỡ. Bà Hương bảo phải chịu chi phí là 5% số tiền vay để làm hồ sơ vay cho nhanh, nghĩa là nếu vay 200 triệu thì phải đưa trước 10 triệu đồng.
Tờ giấy đặt cọc mua đất giả tạo khiến chị Hằng mất toi 58 triệu đồng một cách vô lý |
Nhưng “chó cắn áo rách”, đã hết tiền thì kiếm 1 triệu cũng không ra chứ đừng nói 10 triệu. Bí quá, chị đành vay của bà Hương 39,5 triệu đồng, cộng tiền lãi 3.000 đồng/1 triệu/1 ngày thành 50 triệu đồng.
Lấy cớ sẽ bị chồng đánh nếu cho vay tiền, bà Hương nhờ chị Hằng giả bộ làm “giấy đặt cọc tiền đất”. Giấy ghi bà Hương đặt cọc 50 triệu đồng cho chị Hằng để chuyển nhượng miếng đất nông nghiệp hơn 6000m2, trong đó có 320m2 đất thổ cư mặt đường tiếp giáp với đất của bà Hương.
Giá chuyển nhượng 500 triệu đồng. Trong vòng 30 ngày chị phải giao sổ đỏ, bà Hương phải trả nốt 450 triệu đồng. Nếu bên nào sai hẹn sẽ bị phạt cọc gấp đôi số tiền cọc. Người vay ký vào giấy nhận đặt cọc chủ nợ đưa ra mà không mảy may nghi ngờ.
Số tiền 39,5 triệu tưởng là lớn nhưng như gió vào nhà trống, chẳng mấy chốc đã chi hết, lại lâm vào túng thiếu. Chín ngày sau, con nợ vay thêm của bà Hương hai chỉ vàng bốn số chín. Bà Hương tính giá 4,405 triệu đồng/chỉ (dù sau đó chị Hằng đem ra tiệm vàng bán hai chỉ được có 7,82 triệu đồng, hụt gần cả triệu đồng, có người bạn đi theo làm chứng). Chưa hết, chủ nợ lại kêu chị viết vào giấy đặt cọc mấy chữ “ngày 25/5/2012 lấy 8.810.000 đồng”.
Cái dở của chị là khi viết số lại không mở ngoặc đơn chú thích rõ bằng chữ là “(tám triệu tám trăm mười ngàn đồng)”, trong khi giấy đặt cọc lại ghi các số tiền đầy đủ số và chữ kèm theo.
Thời gian đó chị vẫn chờ chủ nợ làm thủ tục vay ngân hàng giúp rồi sẽ trả nợ luôn thể. Chờ hoài không thấy động tĩnh gì, chị gọi điện hỏi thì chủ nợ trở mặt đòi lấy miếng đất.
Không được chấp nhận đòi hỏi vô lý, chủ nợ gửi đơn tranh chấp ra xã. Ở đời ai học được chữ ngờ, sau đó chủ nợ đưa cho con nợ bản photocopy “giấy đặt cọc tiền đất”, chị chết điếng khi thấy giấy mượn vàng bị thêm một số “8” thành ra “88.810.000 đồng”.
Hòa giải không thành, hai bên phải đối mặt nhau tại tòa. Chủ nợ khai số tiền hơn 88,8 triệu cũng là tiền trả mua miếng đất nên đòi chị trả đủ tổng cộng hơn 138,8 triệu đồng.
Trong bản tự khai tại tòa, chị viết: “Tôi quá bất ngờ, không thể nghĩ ra là tại sao chị Hương lại gian lận đến như vậy… Tôi yêu cầu tòa án giải quyết giùm tôi theo đúng thực tế. Thứ nhất, tiền tôi vay tôi sẽ trả đủ, còn số tiền chị Hương ghi gian, tôi sẽ không trả…”.
Khoa học cũng đầu hàng con số 8 “ma thuật”
Với lòng tin vào công lý, chị Hằng nghĩ dù ra tòa thì vẫn có cách để đưa sự giả dối ra ánh sáng, một khi mình đã không viết thêm số “8” đó thì không việc gì phải sợ thua kiện. Theo yêu cầu của chị Hằng, tòa gửi văn bản yêu cầu Phân viện Khoa học hình sự tại TP.HCM giám định số “8” trước dãy số “8.810.000” là do chị Hằng viết khi vay hai chỉ vàng, hay là do bà Hương viết thêm vào sau đó để tăng số nợ thêm 80 triệu đồng.
Thời gian chờ đợi kết quả đối với chị dài đằng đẵng, dù trông chờ nó đến thật nhanh nhưng cũng vẫn nơm nớp lo sợ có cái gì đó trắc trở, thì số tiền nộp để trưng cầu giám định lại thành công cốc, và sự thật sẽ chìm vào bóng tối.
Hơn hai tháng sau, ngày 25/1/2013, kết quả giám định của Phân viện Khoa học hình sự tại TP.HCM về “giấy đặt cọc tiền đất” được gửi đến Tòa án nhân dân huyện Bảo Lâm.
Khi được thông báo kết quả, chị Hằng lại một lần chới với. Rốt cuộc, ngay cả khoa học cũng chào thua sự tráo trở của con người. Những dòng chữ kết luận khiến chị không thể tin được vào mắt mình:
“Kết luận giám định:
Chữ số “8” cần giám định có số lượng quá ít nên không đủ yếu tố giám định truy nguyên người viết.
Hiện tại Phân viện Khoa học hình sự tại TP.HCM chưa đủ điều kiện giám định về tuổi mực (thời gian viết) nên không xác định được chữ số “8” hàng chục triệu của dãy chữ số “88.810.000” cần giám định là được viết cùng thời điểm, hay sau thời điểm viết các chữ số “8.810.000””.
Bản giám định chào thua số 8 ma thuật |
Biết con nợ yếu thế về chứng cứ, thêm nữa gia cảnh chị đang ngặt nghèo cần tiền gấp, nếu không đem đất thế chấp vay ngân hàng hoặc đem bán thì sẽ không có tiền chạy chữa cho chồng, nên chủ nợ lại tiếp tục chèn ép chị bằng cách yêu cầu tòa ngăn chặn giao dịch đối với miếng đất trên.
Hết đường xoay sở, ngày 25/4/2013, khi tòa mời ra hòa giải lần cuối, người phụ nữ mới sinh con đành nuốt nước mắt chấp nhận yêu cầu của chủ nợ: Trả gấp đôi tiền cọc cộng với hơn 8,8 triệu đồng, tổng cộng hơn 108,8 triệu đồng để chủ nợ rút đơn ngăn chặn.
Còn số tiền 80 triệu đồng bị chị Hằng tố là “ghi thêm” thì chủ nợ đồng ý bỏ, không yêu cầu trả nữa. Sau khi chị bán đất và trả đủ tiền, bà Hương rút đơn kiện tại tòa.
Vụ việc khép lại. Tính ra chị chỉ vay chưa đầy 50 triệu, trong chưa đầy một năm mà phải trả lãi tới 58 triệu, số lãi ròng “khủng” mà chính các ngân hàng có mơ cũng không kiếm được một cách hợp pháp.
Không có tiền phải đi vay nợ không phải là cái tội. Chị nghĩ mình không làm gì sai, ấy vậy mà sao lại bị chèn ép mọi chuyện. Giờ có bức xúc, tự trách bản thân vì quá tin người thì cũng đã muộn.
Theo Xa lộ pháp luật