Những ngày có mặt tại "thủ phủ cát" Bình Thuận, chúng tôi cảm nhận được "cát chính là nguồn kinh tế lớn nhất" của ba huyện phía nam thuộc địa phương ven biển này. Một trong số đó là huyện Hàm Tân, nơi có cả QL 1A và QL 55 chạy qua.
Canh gác cả ngày lẫn đêm
“Đại công trường” khai thác cát nằm cạnh hồ Sông Dinh 3 được canh gác cẩn mật kể cả ngày lẫn đêm. Tại đây, những “đơn vị” khai thác cát còn xây dựng hẳn cả chòi canh để tiện theo dõi hoạt động từ trên cao.
Chỉ cần có bóng dáng của người lạ mặt vào khu vực khai thác thì sẽ được báo hiệu để các “bảo vệ” mặt mày bặm trợn ra tiếp đón. Khi phóng viên trong vai là một đoàn làm phim về khảo sát địa điểm để đóng phim thì lập tức bị tra hỏi và "mời ra khỏi khu vực này". Một bảo vệ mặc đồ rằn ri còn “cẩn thận” tháp tùng phóng viên ra đến tận đường lớn.
Đại công trường khai thác cát với đầy đủ nhà chòi, xe ben, máy xúc, máy bơm, ống hút..... |
Ban ngày là vậy, ban đêm còn “cẩn mật” hơn nữa vì lúc đó việc khai thác cát được diễn ra rầm rộ nhất. Từ ngoài đường quốc lộ vào đến bãi khai thác, chủ hầm bố trí nhiều lớp “cò” đảo mắt, tất cả người dân đi vào đều bị chặn lại và đuổi ra ngoài. Nếu có động tĩnh thì sẽ báo động, đồng thời lấy cây cối chặn đường, tạo hiện trường giả là cây bị đổ, gãy nhằm cản địa, không cho xe cộ đi vào sâu bên trong.
Thậm chí, có trường hợp, khi phát hiện cơ quan chức năng, các đối tượng này dùng 2 xe ben chắn ngang đường hẻm, vờ như đang quay đầu để cản trở lưu thông. Những đối tượng bảo vệ thông thường là thành phần có "số má", cộm cán tại địa phương hoặc là những đối tượng hung dữ, xăm trổ đầy người. Vì thế, dù rất bức xúc vì đường sá hư hỏng nhưng người dân không dám lên tiếng vì sợ bị liên lụy.
Xây dựng đường xá, ống cống, nhà tôn nhằm tạo điều kiện tốt để khai thác cát |
Ngày ngủ, đêm hút
Không hiểu vì lý do gì mà công trường hút cát tại đây chỉ hoạt động vào ban đêm, có phải là để tránh “ánh mặt trời” hay chỉ là phương pháp mới trong hoạt động hút cát?
Theo ghi nhận của phóng viên, ban ngày, tất cả các phương tiện như xe ben, máy xúc, máy bơm, ống nước đều nằm nấp dưới tán cây "nghỉ ngơi"; ai nhìn vào cũng lầm tưởng rằng những máy móc này như đang bỏ quên trên bãi cát. Tuy nhiên, chỉ cần bóng đêm buông xuống là tất cả hoạt động rầm rộ.
Nếu như tại các mỏ cát sông thì các đối tượng chỉ cần hút từ sông lên thì ở “đại công trường” Sông Dinh 3, muốn có được cát sạch phải bơm nước từ hồ lên để rửa, bởi đây là cát núi, cát đồi.
Sau khi bơm nước lên rửa cát, hút cát đi bán, những khu vực này sẽ trở thành những bãi cát lún, có những đoạn sâu đến cả vài mét tạo thành những hốc sâu, phá nát hệ sinh thái vốn có tại đây. Người dân trồng khoai mì ở đây bức xúc, lo lắng khi thấy đất canh tác ngày càng tan hoang sau mỗi vụ khai thác cát.
Máy móc nấp dưới tán cây trực chờ đêm đến |
Hệ thống máy bơm, ống nước dài cả trăm mét dẫn nước từ hồ Sông Dinh 3 vào để sục, rửa cát |
Hậu quả của việc khai thác cát để lại là những mảnh đất tan hoang. |
Xe ben chạy từ bãi cát ra Quốc lộ 55, ra Quốc lộ 1A theo những con đường dân sinh phía sau khu dân cư rồi đổ về hàng chục bãi cát nằm ven Quốc lộ 1A. Cát từ đây được vận chuyện về Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh để tiêu thụ.
Trước nguồn lợi khổng lồ từ cát, tại các huyện phía nam của tỉnh Bình Thuận đang trở thành điểm đến cho hàng chục đầu nậu khai thác cát nhòm ngó, nhưng hệ lụy của hoạt động khai thác cát đối với môi trường và đời sống người dân thì quá nhiều vấn đề cần có giải pháp có hiệu quả từ chính quyền địa phương.
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.