Thời điểm ngày 1/1/2018 sắp cận kề với 10 luật sẽ có hiệu lực thì 61 văn bản quy định chi tiết các luật này đã ở tình trạng chậm ban hành khiến cho số văn bản “nợ đọng” tới đây sẽ tăng lên.
Trong năm 2017, tại các phiên họp Chính phủ thường kỳ, cũng như phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn chỉ đạo, đôn đốc quyết liệt công tác soạn thảo, trình các dự án luật, pháp lệnh và xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh. Chính phủ đã ban hành 11 nghị quyết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 03 quyết định để chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ chủ động rà soát, có kế hoạch cụ thể triển khai thi hành luật, pháp lệnh, ban hành văn bản quy định chi tiết bảo đảm về tiến độ và chất lượng văn bản; đề cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, thường xuyên kiểm tra, kiểm điểm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân để xảy ra tình trạng chậm tiến độ và không bảo đảm chất lượng văn bản.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Tư pháp thường xuyên theo dõi, đôn đốc, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức họp, kiểm tra tình hình thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và triển khai thi hành luật, pháp lệnh, ban hành văn bản quy định chi tiết. Định kỳ hàng tháng, quý, 06 tháng báo cáo Chính phủ về tình hình thực hiện nhằm nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong xây dựng, ban hành văn bản.
Về phía các bộ, cơ quan ngang bộ, đã ban hành các chương trình, kế hoạch xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết riêng hoặc lồng ghép trong các chương trình, kế hoạch công tác năm của bộ, ngành mình; phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp trong việc tổ chức soạn thảo các dự án luật, pháp lệnh thuộc Chương trình năm 2017; rà soát luật, pháp lệnh đã được thông qua để lập Danh mục văn bản quy định chi tiết, đưa vào chương trình, kế hoạch xây dựng văn bản và tổ chức thực hiện.
Nhờ vậy, tiến độ xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết nhanh hơn, từng bước đáp ứng yêu cầu công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh. Đối với 60 văn bản quy định chi tiết thi hành các luật đã có hiệu lực, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ đã ban hành 50/60 văn bản (31 nghị định, 03 quyết định, 16 thông tư), đạt 83,33%. Số văn bản chưa ban hành là 10 thông tư và đa số đang ở giai đoạn tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định để trình cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành. Mặc dù vẫn còn tình trạng nợ ban hành văn bản, nhưng đã giảm dần so với các năm trước, cụ thể: giảm 23 văn bản so với cùng kỳ năm 2015 (33 văn bản) và giảm 04 văn bản so với cùng kỳ năm 2016 (14 văn bản).
Tuy nhiên, theo Bộ Tư pháp, dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo từ rất sớm và quyết liệt; Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ thường xuyên đôn đốc, nhưng các bộ, cơ quan ngang bộ vẫn chưa thực sự chủ động trong việc nghiên cứu, lập đề nghị xây dựng các dự án luật liên quan đến đất đai, xây dựng, nhà ở, môi trường, đầu tư, kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành và quy hoạch, dẫn đến chưa hoàn thành thời hạn do Chính phủ yêu cầu.
Riêng tình trạng nợ ban hành văn bản quy định chi tiết, bên cạnh “nợ” 10 văn bản hướng dẫn các luật, pháp lệnh đã có hiệu lực, thì còn có 61 văn bản quy định chi tiết thi hành 10 luật sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2018 cũng chưa được ban hành. Với kết quả này, dự báo đến ngày 1/1/2018, số văn bản “nợ đọng” sẽ tăng lên 71 văn bản.
Bộ Tư pháp kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tăng cường chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ trong công tác soạn thảo, trình các dự án luật, pháp lệnh, triển khai thi hành luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết; quy định rõ trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong công tác xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết. Các bộ, ngành thì cần ưu tiên, tập trung thời gian, nguồn lực cho công tác xây dựng luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết theo định hướng chỉ đạo, điều hành của Chính phủ; chỉ đạo sát sao công tác xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, khẩn trương chỉnh lý, hoàn thiện để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 10 văn bản nợ ban hành và 60 văn bản quy định chi tiết 10 luật có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2018...