Vải thiều Tàu trà trộn vải thiều ta
Khảo sát tại một số chợ đầu mối như chợ Phùng Khoang, chợ Ngã Tư Sở hay trên các tuyến phố như Cầu Giấy, Hồ Tùng Mậu, Phạm Hùng đã tràn ngập quả vải các loại. Phần lớn địa điểm bán vải trên đều treo biển vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang), vải Thanh Hà (Hải Dương).
Nếu mỗi kg vải tại một số cửa hàng trên đường Yên Lãng có giá lên đến 45.000 đồng thì tại các sạp hàng “di động” trên các tuyến phố, vải chỉ được bán với giá 15.000 – 25.000 đồng/kg. Điều đáng nói là tất cả các tiểu thương đều khẳng định vải mình bán là vải thiều “xịn”.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu thì những loại vải này hay bị nhám, quả to, cùi mỏng, chùm quả không đều, có màu vàng không đều và thường bị sâu cuống. Theo các tiểu thương, loại vải này được nông dân gọi là vải “ngố”, có thể trồng ở nhiều nơi, hay vải từ Trung Quốc trà trộn vào.
Anh Hoàng Văn Minh (tiểu thương chuyên cung cấp vải cho các cửa hàng đặc sản trên địa bàn Hà Nội) cho hay, mỗi ngày anh cung cấp cho các cửa hàng trên địa bàn Hà Nội khoảng ba tấn. Giá vải cũng tùy từng địa phương, dao động khoảng 15.000 – 25.000 đồng/kg tùy loại. Tuy nhiên, anh cũng chỉ nhập được một phần ba trong số đó là vải Lục Ngạn, phần còn lại chủ yếu là ở các vùng lân cận Hà Nội như Quảng Ninh, Hưng Yên.
Anh Minh cũng nhận định: “Người dân trồng vải theo tiêu chuẩn VietGap, chủ yếu bán tại vườn giá từ 20.000 – 30.000 đồng/kg. Vậy nên bán ra thị trường ít khả năng có giá dưới 40.000 đồng/kg”. Vải thiều thường nhỏ đều, cùi dày, vỏ mỏng, hạt nhỏ, quả chín đỏ rực và hơi tròn.
Vải Lục Ngạn khi ăn có vị ngọt thanh chứ không phải vị ngọt gắt, quả to màu vàng tươi như vải của những vùng khác. Loại vải thiều được bày bán tại những con phố chủ yếu là quả nhỏ, vỏ bị nhám, vị ngọt khắt và sâu cuống. Khi lựa mua, người dùng chỉ cần nhìn quả và ăn thử là biết ngay không phải vải Lục Ngạn hay vải Thanh Hà.
Lợi dụng vải ta để nâng giá
Theo tìm hiểu, vải “ngố” có xuất xứ tứ phương (bao gồm cả Trung Quốc) được bán với giá rẻ hơn vải thiều Việt Nam, thương lái trà trộn hai loại vải vào để bán được giá cao hơn, lãi nhiều hơn. Vải “ngố” chủ yếu được bán tại các sạp hàng di động trên các tuyến phố, chúng ít có khả năng xuất hiện trên các kệ hàng của cửa hàng tiện ích.
Trong vai người muốn tìm mua vải buôn, chúng tôi tiếp tục lân la đến các sạp vải ven đường Láng. Sau một thời gian bắt chuyện, người viết được chủ sạp tiết lộ, nhập vải “ngố” giá không mềm hơn là bao nhưng thời gian tươi lâu hơn.
Vải “ngố” được nhập tại chợ đầu mối phía Bắc với giá 8.000 đồng, rất dễ nhập hàng trong khi nếu muốn nhập vải Lục Ngạn hay Thanh Hà, tiểu thương thường phải xuống tận vườn để nhập với giá tương đương hoặc cao hơn, phí vận chuyển khiến giá mỗi kilôgam vải “đội” vài trăm đồng nên khó cạnh tranh.
Là người có thâm niên hai năm buôn hoa quả với đầy đủ các mánh khóe trong nghề, anh Lê Văn Huỳnh, tiểu thương buôn hoa quả trên đường Cầu Giấy bật mí: “Vải “ngố” trông bắt mắt nên dễ thu hút được sự chú ý của khách hàng. Tuy nhiên, loại vải này thường xuất hiện sâu đục cuống hoặc có vụn đen nên không được nhiều người chuộng, thay vì vải thiều ăn vào có vị quả ngọt thanh, cùi dày, thời gian tươi cũng khá lâu”.
Vì mục đích tăng lợi nhuận, các thương lái đã không ngại ngần mua hai loại vải để trà trộn với nhau về “hét” giá 15.000 đồng – 25.000 đồng/ kg tùy loại để người tiêu dùng không phát hiện. Nhằm tạo lòng tin tuyệt đối cho các “thượng đế”, “tiểu thương thường cho họ nếm thử những quả vải thiều hoặc chùm vải không sâu, nhưng sau đó họ ra sức mời chào khách hàng chọn những chùm vải quả to (chùm vải quả to là vải “ngố”, vải lai, cùi mỏng, vị hơi chua và thường có sâu đục ở đầu cuống)”. Một số người còn tráo đổi rất nhanh những chùm vải thiều của khách đã chọn.
Lý giải việc Trung Quốc còn phải sang Việt Nam nhập vải, hà cớ gì họ lại đi bán vải trở lại cho Việt Nam, một tiểu thương nói: Vải “ngố” Trung Quốc ăn không ngọt khắt, quả trong một cây không đều, có vị chua, cùi lại rất mỏng, ăn mười quả thì đến bảy quả có sâu đục cuống. Vậy nên, những quả vải ở bên đó không người dân chuộng nhiều, thay vào đó, họ rất chuộng vải thiều Việt Nam, không quá ngọt lại có vị thơm.
Để đảm bảo không mất khách hàng, người bán vải thường bán trên sạp di động, “nay đây mai đó” để không bị người tiêu dùng phát hiện. “Người Việt thường có tư duy: Nếu đã bị lừa ở địa điểm nhất định thì sẽ không có lần thứ hai dừng lại mua hàng ở nơi đó, nhưng họ lại ít khi nhớ mặt người bán. Vậy nên mới có chuyện xuất hiện các tiểu thương bán hàng di động trên khắp phố phường Hà Nội để tránh những “điểm đen” mình đã lừa” – một tiểu thương chia sẻ.