Cô giáo “lầm đường lạc lối” khát khao quay lại bục giảng
Khác với suy nghĩ của nhiều người về chốn lao tù, trại giam Tống Lê Chân ngập tràn màu xanh mát của những cánh rừng cao su, xà cừ xung quanh. Phân trại 3 của trại giam, nơi cải tạo của hơn 400 phạm nhân nữ, bầu không khí như “mềm mại” hơn với những tiếng nói cười.
Đến trại giam Tống Lê Chân một ngày đầu tháng 7/2018, chúng tôi đặc biệt chú ý đến nữ phạm nhân đầu bạc trắng. Chị tự giới thiệu là Bùi Thị Ngọc Trân (SN 1957, quê Cần Thơ), từng là giáo viên dạy Hóa, Sinh. Để kiếm thêm thu nhập, chị Trân đi làm nhân viên tiếp thị cho một doanh nghiệp kinh doanh xe máy. Nữ phạm nhân trải lòng: Chính tư tưởng muốn giàu nhanh khiến bản thân đi chệch đường, cộng với việc công ty phá sản, công ty đã thu tiền nhưng không giao xe cho khách khiến chị Trân bị pháp luật trừng phạt bằng bản án chung thân về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Những ngày tháng trong trại giam, nữ phạm nhân rất ân hận về việc làm của mình.
Còn nhớ vào năm 2013, trong phong trào học viên, phạm nhân viết thư “Gửi lời xin lỗi” do Tổng cục VIII - Bộ Công an và tổ chức, ban giám khảo rất cảm động trước bức thư của nữ phạm nhân Bùi Thị Ngọc Trân gửi em gái. Trong bức thư đó là những nỗi niềm của một cá nhân trước đây được xã hội coi trọng nhưng do lầm đường lạc lối mà vi phạm pháp luật, nay tỉnh ngộ cũng chỉ biết ngậm ngùi trong nước mắt. Tác giả viết thư xin lỗi để bớt đi sự cắn rứt lương tâm, bức thư có đoạn: “Thanh ơi, chị đã sai rồi! Chị đã đi lệch hướng, sai đường, đi ngược lại đạo lý làm người mà ba đã dạy, chị đã làm hoen ố sự thanh cao của nghề dạy học…”.
Khi gặp chúng tôi, chị Trân đã thụ án tại trại giam Tống Lê Chân được 16 năm 11 tháng. Với một người bình thường thì quãng thời gian đó đã không hề ngắn, cuộc sống trong trại giam như dài ra gấp đôi, gấp ba. Nhưng dường như sức nặng của thời gian không thể vùi lấp những ước mơ ấp ủ dưới mái đầu bạc trắng ấy. Chị Trân cho biết đã nỗ lực cải tạo tốt để có thể được giảm án, sớm được trở về với gia đình: “Gia đình vẫn thương tôi lắm, chồng tôi cứ một quý lại lên thăm vợ một lần, tôi đã có cháu ngoại. Sau này trở về, tôi sẽ trồng rau sạch, trồng lan để phát triển kinh tế. Tôi vẫn muốn đi học thêm để nâng cao trình độ, bù lại những ngày tháng trong này để quay lại bục giảng, đó là nghề tôi rất yêu...”, ánh mắt nữ phạm nhân ngời sáng.
Nuôi giấc mơ khởi nghiệp
Trong khuôn khổ chương trình “Khởi nghiệp chắp cánh tương lai” (Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” của Chính phủ do TƯ Hội LHPN Việt Nam thực hiện) nhằm tạo điều kiện giúp đỡ nữ phạm nhân tái hòa nhập cộng đồng, Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp (Tổng cục VIII) - Bộ Công an tổ chức chuyến công tác đến trại giam Tống Lê Chân từ ngày 8-10/7/2018.
Khi bước chân vào trại giam, nhìn những màu áo sọc xanh trắng quanh mình, cảm xúc trong chúng tôi là niềm thương cảm những phận người, nhưng cũng rất xa lạ bởi nỗi ám ảnh về những tội danh, những án tích mà họ gây ra. Nhưng rồi, khi chứng kiến các nữ phạm nhân của trại giam Tống Lê Chân hào hứng tham gia trò chơi đuổi hình bắt chữ trong buổi truyền thông “Khởi nghiệp chắp cánh tương lai”, cảm giác xa lạ trong tôi đã vơi bớt phần nào. Chúng tôi hiểu, điều lớn lao nhất họ vẫn là con người với những ước mơ khát khao.
Chia sẻ cảm tưởng, nữ phạm nhân Nguyễn Thị Anh Thư nói về quyết tâm dành dụm chi tiêu để tích cóp vốn mở cửa hàng bán quần áo online của mình sau khi mãn hạn tù. Thư sinh năm 1988, quê ở Bình Dương, bị kết án 7 năm 3 tháng tù về tội “Mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy”. “Em đã chấp hành án được 4 năm 4 tháng, đã cai được nghiện, cố gắng cải tạo tốt để tha tù trước thời hạn. Trước khi vào tù em đã có kinh nghiệm bán quần áo trên mạng nên khi trở về em sẽ gầy dựng lại. Nhà em có sáu anh chị em, nhưng kinh tế cũng đều khó khăn cả nên em sẽ tự cố gắng”, Thư chia sẻ.
Cũng như Thư, nữ phạm nhân Võ Thị Kim Trinh (SN 1976, quê Tây Ninh) phạm tội buôn bán người, bị kết án 8 năm tù, cũng mơ ước về một cửa hàng giặt ủi đồ và kinh doanh quần áo: “Em hy vọng sẽ được đề nghị xét cho tha tù trước thời hạn do chấp hành án, cải tạo tốt. Hiện gia đình em có mấy chị em đang kinh doanh tại chợ, sẵn sàng giúp đỡ em khởi sự kinh doanh”, Trinh rơm rớm khóc.
Hoạt động trong lĩnh vực truyền thông trước khi vào trại vì tội danh lừa đảo và chiếm đoạt tài sản, nữ phạm nhân Mai Bội Nhung (SN 1987) đã kể với người viết câu chuyện của mình. Nhung đến trại giam Tống Lê Chân chấp hành án từ năm 2011. Gia đình nữ phạm nhân đều là những người có học thức và công ăn việc làm ổn định. Khi Nhung bị bắt giữ, anh chị em trong gia đình ai cũng sốc và không thể chấp nhận những sai lầm người thân mình đã gây ra.
Tuy nhiên, mẹ Nhung đã bao dung và khuyên bảo các anh chị em trong gia đình bỏ qua, động viên người em cố gắng cải tạo tốt. “Em thật sự ân hận về những hành vi trong quá khứ. Chỉ còn 6 tháng nữa là em được về nhà rồi, em dự định sẽ tiếp tục học lên thạc sĩ để tìm một công việc phù hợp với chuyên môn đã được học” – ước mơ là vậy nhưng Mai Bội Nhung cũng không khỏi lo lắng về về nẻo đường hoàn lương với lí lịch mang án tích. “Em không biết có công ty hoặc doanh nghiệp nào chịu đón nhận người có tiền án như em hay không. Em biết không phải dễ dàng để người ta vượt qua những định kiến xã hội...”, Bội Nhung tâm sự.
Nữ phạm nhân Mai Bội Nhung chia sẻ về dự định sau khi ra trại. |
Còn đó những nỗi lo
Nỗi lo lắng của Mai Bội Nhung cũng là nỗi lo lắng của rất nhiều phạm nhân nữ ở trại giam Tống Lê Chân cũng như nhiều trại giam khác trên toàn quốc. Còn nhớ trường hợp của chị Mai hiện đang là chủ một cửa hàng hoa rất lớn ở TP Thanh Hóa. Chị có người chồng nghiện, buôn bán ma túy và rồi sa ngã theo chồng “bập” vào ma túy. Chị Mai trả giá bằng bản án 20 năm tù nhưng nhờ cải tạo tốt nên được tha tù trước thời hạn 8 năm.
Ngày hoàn lương, chồng chị Mai đã mất, hai đứa con lang bạt làm thuê, người phụ nữ đối diện với tận cùng bế tắc vì không tiền bạc, chưa hòa nhịp được với cuộc sống sau hơn chục năm ngồi tù: “Tôi được họ hàng nội ngoại mỗi người góp một ít cho vay một khoản tiền. Tôi quyết định đi buôn nông sản nhưng lãi chẳng được bao nhiêu lại sa lầy vào lỗ nặng. Biết tôi thất bại, chán nản, đám bạn xấu ngày xưa đến rủ rê tôi tham gia buôn bán ma túy chẳng vất vả lại có nhiều tiền...”, chị Mai kể lại quãng đường sa ngã.
Đồng cảnh ngộ, chị Lan sinh ra lớn lên tại một làng chài ở Thanh Hóa, cô gái này từng được ngưỡng mộ vì kinh nghiệm làm nước mắm rất ngon. Nhà có thuyền ra khơi, lại thiếu hiểu biết pháp luật nên Lan tham gia vận chuyển trái phép vật liệu nổ công nghiệp, bị tuyên phạt 3 năm tù.
Mãn hạn tù, cô gái bế tắc suốt thời gian dài bởi chứng kiến cảnh chồng từ một ngư dân đi biển không mệt mỏi trở thành “ma men”, suốt ngày vật vờ chè thuốc vì chán đời. Còn những đứa con thiếu vắng bàn tay chăm sóc của mẹ mà sống bấp bênh, kinh tế gia đình kiệt quệ: “Tôi biết mình đã để mất quá nhiều, gia đình tôi thiếu bàn tay phụ nữ, thiếu sự động viên chăm sóc của người mẹ, người vợ đã lâm vào cảnh khốn cùng. Nhưng bây giờ tôi biết làm gì với hai bàn tay trắng, thiếu vốn và thiếu cả sự tự tin nữa. Ai sẽ tin tôi, giúp tôi, một kẻ đã ra tù vào tội?”.
Người ta vẫn thường nói cứu giúp một người đàn ông thì chỉ được một người đàn ông, còn cứu giúp một người phụ nữ thì được cả một gia đình. Sự im lặng sẽ là cú thúc lưng nặng nề đưa các mẹ, các chị trở lại con đường lầm lỗi.
Tên các phạm nhân đã được thay đổi
Còn tiếp…