Chồng mất sớm, để lại chị Hiên với ba người con thơ dại tuổi ăn tuổi học. Bốn mẹ con sống bấp bênh cùng cái nghèo, ăn mặc phụ thuộc cả vào mấy sào ruộng. Miếng ăn có thể kiếm qua ngày, nhưng nuôi con đi học thực sự trở thành gánh nặng của chị. “Nhiều lúc tôi muốn bỏ cuộc, buông xuôi” – chị thở dài kể – “Quần quật làm thêm đủ thứ nghề, tằn tiện cũng chỉ nuôi các con học quanh quẩn trường làng, chứ học đại học thì lấy đâu ra tiền”.
Nhưng cái nghèo không cản các con chị dừng bước, còn thúc đẩy họ cố gắng nhiều hơn. Nên khi các con đưa giấy báo trúng tuyển, chị đã mất ngủ mấy đêm, nghĩ nát óc để con được bước vào giảng đường. Đang lúc loay hoay, thông qua sinh hoạt làng xóm chị tiếp cận được với Tổ Tiết kiệm và vay vốn của thôn, qua đó những khoản tiền vốn chính sách chương trình học sinh sinh viên (HSSV) đã đến với mẹ con chị.
“Năm 2008, lần đầu cầm khoản vay HSSV, tôi mừng rơi nước mắt” – chị Hiên nhớ lại – “Thế là tôi được sẻ chia gánh nặng, các con tôi có cơ hội tiếp tục học hành. Tiền vốn Chính phủ đã tiếp thêm cho mẹ con chúng tôi sức mạnh, tôi nỗ lực hơn để nuôi con, con tôi cũng nỗ lực hơn để học hành cho tốt. Những đồng vốn nhỏ ấy đã động viên tôi hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn cho các con”.
Tới nay, tổng dư nợ tín dụng chính sách của gia đình chị Hiên là hơn 40 triệu đồng, nhưng người mẹ kiên cường đó rất vui vì cả 3 đứa con của chị đều được học đến nơi đến chốn. “Đó là điều mà một phụ nữ góa bụa như tôi không thể làm nổi nếu không được vay vốn ưu đãi. Giờ các con tôi đi làm và giúp tôi phần nào trả nợ đúng hạn cho ngân hàng. Còn tôi tiếp tục chăn bò, trồng lúa để đảm bảo cuộc sống, cũng cố gắng vươn lên” - chị Hiên chia sẻ.
Hiện hai con gái lớn của chị Hiên đã ra trường, lập gia đình và có công việc ổn định. Con gái đầu mở một công ty kế toán ngay tại nhà chị, con trai út cũng vừa tốt nghiệp tại Học viện Tài chính.
“Nhìn thấy các con khôn lớn, có một tương lai, một cuộc sống tốt hơn cha mẹ, nhiều lúc tôi thấy như trong mơ. Cũng nhờ nguồn vốn nhân văn từ NHCSXH đã hỗ trợ đắc lực cho tôi nuôi con học hành. Cho vay vốn chính là Nhà nước đã ghé vai đỡ đi gánh nặng cho hộ nghèo, hộ khó khăn. Nhà nước đã chắp cánh cho ước mơ được học tập của hàng triệu học sinh nghèo như các con tôi” - chị Hiên xúc động.
Mơ ước của người mẹ nghèo Trần Thị Hiên về tương lai tươi sáng hơn cho các con đang dần trở thành hiện thực. Đó cũng là câu chuyện chung của nhiều gia đình người nghèo, đối tượng chính sách khác trên địa bàn huyện Đông Anh.
Ông Nguyễn Hữu Tửu - Chủ tịch UBND xã Thụy Lâm (huyện Đông Anh) cho biết, nguồn vốn của NHCSXH đã góp phần đáng kể trong việc giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn. Đặc biệt giúp hộ nghèo, cận nghèo có vốn phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo, hỗ trợ sửa chữa, cải tạo công trình nước sạch và vệ sinh môi trường giúp các hộ dân tránh được được sự ô nhiễm, giúp cho các hộ gia đình khó khăn trang trải chi phí học tập cho con.
Thời gian qua, bám sát các mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, NHCSXH huyện Đông Anh đã chủ động phối hợp với các tổ chức đoàn thể triển khai tốt việc cho vay đối với HSSV và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.
Đến nay, dư nợ tín dụng chính sách toàn huyện là hơn 254 tỷ đồng với hơn 12,4 nghìn lượt khách hàng còn dư nợ, trong đó có các chương trình tín dụng có dư nợ lớn như chương trình hộ mới thoát nghèo, hộ cận nghèo, chương trình giải quyết việc làm, nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn, hộ nghèo, học sinh sinh viên... Những đồng vốn nhỏ đang góp phần tạo nên những thay đổi lớn của một vùng quê ven đô Hà Nội.