Xấu hổ vì văn hóa xếp hàng của người Việt
Câu chuyện thường hay gặp nhất trong văn hoá ứng xử nơi công cộng của người Việt trẻ đó là ý thức xếp hàng. Dễ dàng bắt gặp trong siêu thị, cổng an ninh sân bay, nhà vệ sinh công cộng hay quầy bán thức ăn nhanh những cuộc chen lấn lên trên đầu hàng của những người đến sau. Ban đầu, dòng người xếp ngay hàng thẳng lối, kiên nhẫn chờ đợi đến lượt mình, tuy nhiên chỉ cần vài người tìm cách lấn lên trên, lập tức mọi thứ rối tung lên, những cuộc cãi vã bắt đầu nổ ra.
Một nữ doanh nhân trẻ đã chia sẻ câu chuyện của mình: chị cùng bạn bè xếp hàng mua vé xem phim ở rạp nhân ngày lễ, người đông nên hàng rất dài. Một cặp thanh niên nam nữ còn trẻ măng, từ cuối hàng xông lên trên chen khiến chị suýt ngã. Khi chị lên tiếng bày tỏ sự bất bình thì cô gái trẻ quay phắt lại trả lời: “Đang vội, chen lên tí không được à? Già thì ở nhà đi, còn bày đặt vào rạp làm gì rồi chê người ta chen lấn(!)”.
Nhiều người hay nói câu “văn minh chỉ tổ lỗ mình”. Bởi còn rất nhiều người Việt trẻ thiếu ý thức nên những người nghiêm túc, hành xử có văn hóa nơi công cộng đôi khi bị thiệt thòi.
Cách đây vài hôm, cư dân mạng truyền nhau những bức ảnh về một anh Tây xếp hàng trong cửa hàng thức ăn nhanh. Chàng trai người ngoại quốc rất nghiêm túc tuân thủ hàng lối, nhưng đáp lại anh là hàng loạt bạn trẻ chen lấn, vượt qua mặt anh để nhanh chóng kết thúc việc mua thức ăn, trong khi nhân viên bán hàng cũng chẳng có lời nhắc nhở nào.
Chàng trai vẫn kiên nhẫn đợi cho đến khi quầy bán hàng không còn ai thì mới đến mua phần thức ăn cho mình. Những bức ảnh đã làm dư luận một phen bức xúc trước cách hành xử thiếu văn minh của một bộ phận giới trẻ.
Văn minh và sự cảm thông
Trang bị cho mình một ý thức tốt, một cách hành xử văn minh nơi công cộng là điều mà nhiều bạn trẻ ngày nay còn thiếu. Phải nói rằng, những buổi giao lưu văn hoá, những chuyến đi xa ngày một nhiều, sự phát triển của internet đã khiến người Việt ngày càng có nhiều cơ hội để nâng cao văn hoá ứng xử của mình, hoà nhập với xu thế quốc tế. Tuy nhiên, bất cứ một nền văn minh nào cũng cần dựa trên thái độ đúng mực giữa người với người và không thể bỏ qua sự cảm thông lẫn nhau.
Ở một chiều cực đoan của cái gọi là “sống văn minh” của nhiều người trẻ hiện nay không có chữ “cảm thông”. Một đoạn clip dài hơn 1 phút mới xuất hiện trên mạng mấy ngày nay đã dẫn đến một số tranh luận: “Văn minh thế nào cho đúng?”.
Một cô gái đang làm thủ tục tại sân bay, một người phụ nữ bế con khác đến đứng gần, trong lúc vội có đẩy vào người cô, thế là cô gái quay phắt lại, xổ một tràng chửi rủa bằng tiếng Anh. Chưa hả, sau đó cô gái này tiếp tục dùng tiếng Việt xúc phạm người mà cô cho là “không văn minh” bằng những lời lẽ thô tục như: “Câm mồm đi”, “Mày bị điên à”…
Minh họa nguồn internet. |
Với sự lạm dụng khái niệm “văn minh”, nhiều người đã khiến những sự việc nhỏ nơi công cộng trở thành “chuyện lớn” với cách thể hiện quá đáng như trên. Nhiều cá nhân, từ lúc biết đến “văn minh” hay “ý thức”, đã quên mất chữ “cảm thông”. Có những câu chuyện đời thường dễ dàng thấy: xếp hàng chờ tính tiền nơi siêu thị, giữa những người mua cả xe hàng, một người mua một món hàng nhỏ xin được tính tiền trước, có người thì thông cảm nhường, một số người lườm nguýt, càu nhàu.
Chờ taxi nơi sân bay, một chị bế con nhỏ chen lên trước để vào xe lúc trời mưa lâm thâm, một chị khác nắm tay lôi phắt lại vì “đến sau phải vào sau chứ”… Ở những trường hợp thế này, “ý thức” và “văn minh” đã được áp dụng máy móc để người ta thể hiện cái tôi của bản thân, thay vì làm cho cộng đồng hài hoà, tốt đẹp hơn.
Ngay cả ở những nước đang phát triển, những nơi được đánh giá là luôn quy củ, tuân thủ luật lệ cũng sẽ có những ngoại lệ dành cho các trường hợp khẩn cấp, cho người già, phụ nữ có con nhỏ. Chẳng nói đâu xa, ở Singapore đầy những quy tắc và án phạt, thế nhưng nếu bạn đã lỡ băng ngang đường lúc đèn đỏ, dù rằng bạn đã phạm luật, hàng loạt xe cộ đang lưu thông trên đường sẽ dừng phắt lại, rất kiên nhẫn và vui vẻ chờ bạn an toàn đi qua.
Đến bao giờ người Việt trẻ chúng ta coi hành xử có ý thức như một cái gì đó thấm vào máu thịt, nó tự nhiên và nhân văn chứ không phải là thước để người ta lấy ra đo và chê bai nhau ở chốn đông người?.