Liên quan đến một vụ cho thuê nhà đất, trong khi UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và UBND TP Huế đều có chỉ đạo thu hồi thì Trung tâm Phát triển quỹ đất TP.Huế lại ký tiếp hợp đồng cho thuê khiến dư luận bất bình, khiếu kiện gay gắt…
Khu nhà đất 233 Trần Hưng Đạo |
Nhập nhằng cho thuê
Khu nhà, đất số 233, đường Trần Hưng Đạo, TP.Huế (thuộc sở hữu nhà nước) được xem là “khu đất vàng” bởi nằm đối diện với chợ Đông Ba (TP.Huế). Từ năm 2010 trở về trước do Phòng Tài chính TP.Huế quản lý và đơn vị này đã cho Cty Cổ phần may xuất khẩu Huế (Cty may) thuê để trưng bày sản phẩm giá 3.200.000đồng/tháng. Thế nhưng, Cty này lại cho bà Nguyễn Thị Yến thuê lại với giá 25.000.000 đồng/tháng.
Dù biết Cty May vi phạm hợp đồng nhưng các cơ quan chức năng TP.Huế vẫn “làm ngơ” để Cty này thu lợi bất chính hàng trăm triệu đồng. Càng khó hiểu hơn khi Trung tâm Phát triển quỹ đất TP.Huế (Trung tâm) sau khi tiếp nhận khu đất vào năm 2010 vẫn tiếp tục cho Cty này thuê lại với giá 8.500.000 đồng/tháng và Cty May tiếp tục cho bà Yến thuê.
Dư luận đặt câu hỏi: Vì sao Trung tâm trước đó đã biết rất rõ Cty May cho bà Yến thuê với giá cao gấp nhiều lần nhưng Trung tâm chỉ cho thuê với giá 8.500.000đồng/tháng. Trong khi Cty May chưa chấm dứt cho bà Yến thuê, tại sao Trung tâm vẫn tiếp tục cho Cty này thuê mà không có cam kết nào buộc ngừng cho thuê lại?. Việc nhập nhằng trong các hợp đồng này dẫn đến việc bà Yến chiếm dụng nhà, đất bất hợp pháp.
Cấp trên chỉ đạo, cấp dưới "phớt"
Trước đơn thư tố cáo, ngày 6/2, UBND TP.Huế giao Trung tâm kiểm tra, thu hồi nhà số 233 đưa vào quỹ nhà bán đấu giá, trước ngày 20/2. Ngày 26/3, UBND TP.Huế tiếp tục có văn bản giao Đội Quản lý Đô thị, Trung tâm… kiểm tra, lập biên bản vi phạm để có cơ sở xử lý và tổ chức cưỡng chế trước ngày 30/3. UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng có văn bản gửi UBND TP.Huế buộc bà Yến phải hoàn trả khu nhà đất nói trên trước ngày 30/6.
Gần đây nhất, ngày 5/7, UBND TP.Huế có văn bản giao Trung tâm khẩn trương phối hợp với các cơ quan liên quan lập thủ tục thu hồi nhà số 233 và kế hoạch bán đấu giá, báo cáo trước ngày 15/7. Thế nhưng, các văn bản chỉ đạo từ UBND tỉnh và UBND TP. Huế đều bị các đơn vị trực thuộc xem thường, báo cáo vòng vo.
Đùn đẩy trách nhiệm
Lẽ ra, với những chỉ đạo quyết liệt từ cấp trên Trung tâm có trách nhiệm đề xuất phương án phối hợp để cưỡng chế, thu hồi, nhưng không hiểu sao ông Nguyễn Như Tịnh, Giám đốc Trung tâm lại đề xuất với UBND TP.Huế cho phép bà Yến được tiếp tục kinh doanh trong khi cũng chính ông Tịnh trước đó ngày 29/3 có thông báo gửi bà Yến nêu rõ: “Phải chấm dứt ngay việc kinh doanh xe đạp tại nhà số 233 Trần Hưng Đạo trước ngày 02/4 và không chấp nhận bất cứ điều kiện nào liên quan đến việc kinh doanh nói trên”. Trung tâm thì vậy, còn Đội quản lý Đô thị, UBND phường Phú Hòa cũng “chống” lại chỉ đạo của UBND TP.Huế khi cho rằng UBND TP giao nhưng không đúng chức năng. Vậy sự chỉ đạo của UBND TP.Huế hay ý kiến của cấp dưới đâu là đúng – sai?.
Ông Nguyễn Như Tịnh nói: “Thành phố chỉ đạo vậy nhưng tui không có chức năng cưỡng chế, tui là người “bị hại” thì tui chỉ có ra văn bản gửi các cấp chính quyền xử lý và thông báo cho bà Yến ra khỏi khu nhà nói trên thôi. Nếu UBND TP không chỉ đạo các đơn vị cùng phối hợp thì tui để vậy khi mô bán được tui bán. Chứ tui làm sao tới đuổi bà Yến đi được(?)”.
Rõ ràng với chức năng được giao quản lý, cho thuê, Trung tâm đã không làm hết trách nhiệm của mình khi giữa bà Yến và Trung tâm không có một văn bản nào được ký kết thì việc buộc bà Yến ra khỏi khu nhà đất nói trên không phải là điều không thể.
Để giải quyết dứt điểm vụ việc nói trên theo chỉ đạo của UBND tỉnh, thiết nghĩ UBND TP.Huế sớm có phương án thu hồi, bán đấu giá hoặc cho thuê phải đúng quy trình, công khai để tránh khiếu nại, gây mất ổn định tại địa phương.
Công Lý